Điều gì đang đe dọa giá dầu?

22/08/2020 15:38 GMT+7
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) ngày 3/8 kết luận rằng, các nước trong liên minh OPEC+ đã không đáp ứng đủ các nghĩa vụ cắt giảm sản lượng theo thỏa thuận trong tháng 7 vừa qua, khi tỷ lệ cắt giảm chỉ đạt 89% so với cam kết.
Điều gì đang đe dọa giá dầu? - Ảnh 1.

Đồng thời, các nhà phân tích của IEA nhận định, nhu cầu tiêu thụ dầu vào cuối năm 2020 sẽ giảm nhiều hơn so với các dự báo trước đây. Trang tin Gazeta.ru đã có phân tích về khả năng thế giới có tiến tới một khủng hoảng giá dầu mới hay không và điều gì sẽ xảy ra với giá dầu trong tương lai gần.

Trong báo cáo tháng vừa được IEA công bố, cơ quan này nhận định, sụt giảm nhu cầu dầu trong năm 2020 sẽ nghiêm trọng hơn so với các dự báo trước đó. Nếu như trong tháng 7, IEA dự báo nhu cầu tiêu thụ dầu năm 2020 sẽ giảm 7,9 triệu thùng/ngày thì trong dự báo mới nhất, con số này tăng lên 8,1 triệu thùng/ngày. Tổng nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu sẽ đạt 91,9 triệu thùng/ngày. Dường như sự chênh lệch 200.000 thùng/ngày không đáng kể, song điều này không có nghĩa là thị trường dầu vẫn an toàn.

Một trong những vấn đề lớn nhất là các nhà sản xuất dầu chủ chốt của thế giới đang tăng dần sản lượng mặc dù không có lý do thực sự thuyết phục nào để kỳ vọng nhu cầu tiêu thụ phục hồi nhanh như hiện nay.

Cũng trong báo cáo của IEA nêu rõ, các nước thành viên OPEC+ chỉ hoàn thành 89% cam kết cắt giảm sản lượng so với kế hoạch trong tháng 7, mặc dù tỷ lệ này trong tháng 6 lên tới 108%. KSA đang tuân thủ kỷ luật cắt giảm tốt nhất trong OPEC+ với tỷ lệ thực hiện đạt tới 102% ngay cả khi tăng sản lượng thêm 890.000 thùng/ngày. Nga thực hiện nghĩa vụ cắt giảm với tỷ lệ tuân thủ đạt 96% so với kế hoạch mặc dù theo các số liệu của OPEC, Nga chỉ đạt 88%.

Ngoài KSA, Nga, các thành viên khác như: Gabon chỉ đạt tỷ lệ cắt giảm 40%, Congo đạt 47%, Iraq đạt 85% mặc dù đã cam kết tăng cường cắt giảm bổ sung sản lượng và thấp nhất là UAE khi quốc gia này chỉ tuân thủ 23% cam kết cắt giảm.

Theo chuyên gia phân tích của "Freedom Finance" Valery Emelyanov, nguyên nhân dẫn đến việc các nhà sản xuất dầu thô không tuân thủ đầy đủ cam kết cắt giảm trong thỏa thuận rất đa dạng. Ví dụ: đối với Iraq, việc giảm mạnh sản lượng khai thác dầu có thể dẫn đến sụp đổ tài chính. Hơn 90% nguồn thu ngân sách của Iraq đến từ việc khai thác và bán dầu. Trong khi đó, KSA dễ dàng đáp ứng được các điều kiện trong OPEC+ hơn vì 100% sản lượng khai thác của nước này đến từ tập đoàn nhà nước Saudi Aramco.

Nga cũng giống như các nhà sản xuất dầu khác khi mà có nhiều nhà sản xuất dầu mỏ. Chuyên gia Emelyanov cho biết, ví dụ như tập đoàn dầu khí "Lukoil" không có nghĩa vụ phải thực hiện các thỏa thuận cắt giảm nếu không có sự tham gia của chính quyền Nga và KSA và việc giảm sản lượng. Tại Nga còn có những trở ngại về mặt kỹ thuật trong việc cắt giảm sản lượng. Một phần lớn các mỏ dầu khai thác lâu năm không thể đóng lại trong một thời gian ngắn. Hệ thống đường ống trong nước cũng không thực sự thích nghi tốt với các điều kiện cắt giảm trong thỏa thuận OPEC+.

Không chỉ có OPEC

Việc gia tăng sản lượng khai thác không chỉ diễn tại tại các nước thành viên OPEC+. Theo số liệu tháng 7 của IEA, Mỹ đã ghi nhận khai thác dầu tăng 3,8% so với tháng 6. Các nhà sản xuất Canada cũng đã tăng sản lượng thêm 1,2% so với tháng trước đó. Theo nghĩa này thì quan hệ giữa OPEC+ và các nhà sản xuất ngoài OPEC+ đang trở nên nghiêm trọng hơn. Chuyên gia Valery Emelyanov lưu ý rằng, ngay cả trước khi số lượng giàn khoan dầu ở Mỹ phục hồi trở lại thì các nhà sản xuất đã tăng sản lượng khai thác của mình khiến tình trạng khó khăn của nhiều công ty đá phiến tiếp tục kéo dài.

Theo chuyên gia của hãng phân tích BKS Vitaly Gromadin, sản lượng dầu khai thác vẫn đang tăng lên và thị trường dầu thế giới chỉ có thể được hỗ trợ nếu nhu cầu tăng. Nếu không, giá dầu sẽ lại quay đầu giảm bởi những quan ngại về tình trạng lấp đầy các kho chứa dầu trên toàn cầu. Thị trường vẫn còn nhiều rủi ro. Một làn sóng Covid-19 tiếp theo có thể xảy ra vào mùa thu này khi mà vắc-xin chỉ có thể được phổ biến rộng rãi vào năm 2021.

Theo chuyên gia phân tích cao cấp tại hãng phân tích Alpari Anna Bodrova, trong những điều kiện hiện nay, sản xuất dầu toàn cầu sẽ không thể đạt được mức cắt giảm mới. Các nền kinh tế đang cần nguồn tiền nhanh chóng. Bán nguyên liệu thô với giá cạnh tranh sẽ là giải pháp tốt hơn là chờ đợi tình hình thị trường ổn định. Tất cả điều này sẽ tiếp tục áp lực lên giá dầu. Chuyên gia Bodrova cũng nhận định, giá dầu Brent sẽ giao động trong khoảng 40-50 USD/thùng trong thời gian dài. Sẽ không có biến động về mức 55 USD/thùng trong tương lai gần do hoạt động kinh tế không gia tăng đáng kể trên thế giới. Nhu cầu trên thị trường không tăng và các nhà đầu tư không thực sự lạc quan vào quá trình phục hồi nhu cầu tiêu thụ khi đại dịch Covid-19 tiếp tục đe dọa việc mở cửa trở lại của nhiều nền kinh tế lớn.

Đồng tình với nhận định trên, chuyên gia Gromadin cho rằng, tiềm năng tăng trưởng giá dầu là khá hạn chế. Xét từ góc độ nguồn cung, suy giảm tính kỷ luật trong tuân thủ thỏa thuận OPEC+, các nhà sản xuất dầu tại Mỹ tăng sản lượng trở lại là những yếu tố tác động mạnh đến giá dầu.

Tuy nhiên, chuyên gia Valery Emelyanov, giá dầu sẽ được hỗ trợ khi hoạt động vận tải toàn cầu dần thoát khỏi tình trạng cách ly. Nhu cầu cơ bản về di chuyển của con người và hàng hóa nhiều khả năng sẽ phục hồi trước khi diễn ra các đợt tiêm chủng vắc-xin rộng rãi. Do đó, tiêu thụ nhiên liệu xăng dầu sẽ tăng mạnh và giá dầu sẽ tăng. Và nếu điều này xảy ra, giá dầu có thể sẽ bắt đầu tăng trong tháng 8 này. Trong tương lai gần, giá dầu có cơ hội đạt ngưỡng 47 USD/thùng và có thể hướng tới mốc mới từ 50-55 USD/thùng vào cuối năm với xác suất xảy ra là khoảng 70%.


Phạm TT/nangluongquocte
Cùng chuyên mục