Đổ nợ vì tôm chân trắng

Thứ sáu, ngày 01/10/2010 11:03 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Tôm chân trắng “đến hẹn lại chết” hàng loạt vì dịch bệnh đang đẩy người dân các xã ven biển của huyện Phong Điền (Thừa Thiên- Huế) vào bi kịch nợ chồng lên nợ.
Bình luận 0
img
Người dân xã Phong Hải liên tiếp trắng tay do tôm chết hàng loạt vì dịch bệnh.

Vòng luẩn quẩn

Sau vụ tôm chết hàng loạt vào tháng 5-2010, giữa tháng 8 vừa qua, gia đình ông Trần Quý ở thôn Hải Đông (xã Phong Hải) tiếp tục thả nuôi tôm chân trắng trên diện tích 2.500m2 mặt nước. Tuy nhiên, chỉ sau 1,5 tháng thả nuôi, những ngày gần đây, toàn bộ diện tích tôm chân trắng của gia đình ông Quý lại bị chết hàng loạt. “Tôm có triệu chứng đỏ thân rồi chết nổi trên mặt nước, thêm 150 triệu đồng nữa "ra đi". Tổng cộng hai vụ tôm nhà tui mất hơn 300 triệu, nợ như chúa chổm rồi”- ông Quý rầu rĩ.

Cũng như Phong Hải, tình trạng người dân “sa lầy” vì tôm chân trắng chết triền miên đang diễn ra ở nhiều xã ven biển của huyện Phong Điền như Điền Hương, Điền Lộc, Điền Môn, Điền Hòa...

Cũng như ông Quý, những ngày này cả nhà ông Trần Nhật Linh ở cùng thôn cũng mất ăn mất ngủ khi tôm ở các hồ lần lượt chết hàng loạt. "Ở xã này nhà tui đi tiên phong trong việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào nuôi tôm nhưng không hiểu sao tôm vẫn chết"- ông Linh chia sẻ.

Sau khi tôm chân trắng chết hàng loạt xảy ra vào mùa hè vừa qua gây thiệt hại nặng nề, vụ nuôi này toàn xã Phong Hải tiếp tục thả nuôi gần 60ha hồ tôm. Trong tháng đầu thả nuôi, tôm phát triển bình thường. Vậy nhưng, tình trạng tôm chết hàng loạt vì dịch bệnh lại tái diễn khiến người nuôi tôm tiếp tục lún sâu vào nợ nần.

Theo thống kê của UBND xã Phong Hải, chỉ tính riêng hai vụ tôm gần đây, người nuôi tôm chân trắng trên địa bàn xã đã nợ ngân hàng 5 tỷ đồng do tôm chết hàng loạt. Các làng quê ven biển của huyện Phong Điền ngày càng xơ xác, đời sống người dân khốn khó đủ bề vì cái vòng luẩn quẩn “nuôi - chết” của các ao tôm chân trắng.

“Chết” vì nuôi tự phát

Từng có thời gian nghề nuôi tôm chân trắng giúp người dân các xã ven biển của huyện Phong Điền vươn lên thoát nghèo nhanh chóng. Tuy nhiên, những năm trở lại đây, do người dân phát triển diện tích nuôi ồ ạt, theo kiểu "mạnh ai nấy làm" trong khi ngành chức năng thiếu sự quản lý, hướng dẫn nên nghề nuôi tôm chân trắng thất bát liên tục.

Ông Nguyễn Văn Nuôi - Phó Chủ tịch UBND xã Phong Hải, thừa nhận nguyên nhân khiến nghề nuôi tôm chân trắng ở xã thiệt hại triền miên vì dịch bệnh là do người dân đầu tư phát triển diện tích nuôi theo kiểu tự phát. Nguồn nước cho các hồ nuôi được người dân lấy trực tiếp từ biển vào và nước thải từ các hồ cũng được thải trực tiếp ra biển, không qua bất cứ khâu xử lý nào.

Khi tôm bị dịch bệnh, người dân vẫn vô tư xả nước trong hồ nuôi ra biển khiến cho mầm bệnh phát tán rất nhanh. "Phải có ít nhất 10 tỷ đồng để xây dựng được hệ thống xử lý nước thải cho các hồ tôm trên địa bàn để nghề nuôi tôm phát triển bền vững. Việc này chỉ có thể trông chờ vào sự quan tâm từ cấp tỉnh chứ để người dân và xã tự bơi thì không biết bao giờ mới làm được"- ông Nuôi cho biết.

Trao đổi với NTNN, bà Võ Thị Tuyết Hồng - Chi cục trưởng Chi cục Nuôi trồng thủy sản tỉnh Thừa Thiên- Huế cho biết, nguyên nhân khiến dịch bệnh bùng phát thường xuyên trên các diện tích nuôi tôm chân trắng ven biển ở huyện Phong Điền là do chính quyền các địa phương buông lỏng quản lý. Theo bà Hồng, dịch bệnh sẽ không diễn ra nghiêm trọng như trên nếu các địa phương thực hiện nghiêm túc việc buộc người dân phải xây dựng hệ thống xử lý nước thải và ao nước cấp theo đúng quy trình kỹ thuật rồi mới cho thả nuôi.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem