Đổ xô trồng mít Thái, vì sao Cục Trồng trọt khẳng định không nên "ác cảm" chuyện trồng - chặt?

Thiên Hương Thứ bảy, ngày 27/02/2021 06:15 AM (GMT+7)
Diện tích trồng mít Thái tăng hay giảm chủ yếu phụ thuộc vào nhu cầu từ thị trường Trung Quốc. Hiện nay, người dân chủ yếu trồng mít Thái (mít Chanrai) vì giống này nhanh cho trái, năng suất cao. Chỉ sau trồng khoảng 1,5 - 2 năm là cây mít Thái đã có trái thu hoạch.
Bình luận 0

Đó là nhận định của ông Lê Thanh Tùng - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT) về diện tích trồng cây mít Thái tại các tỉnh ĐBSCL tăng nhanh trong những năm gần đây. 

Được biết, giống mít Thái không chỉ được trồng phổ biến ở nhiều địa phương tại ĐBSCL mà cũng đang được nhiều nông dân Tây Nguyên, miền Trung, miền Bắc ưa chuộng. Cây mít Thái không chỉ xuất hiện trên đất vườn, ở các vùng trung du, miền núi, mà còn lan xuống cả đất ruộng do năng suất cao, nhanh cho thu hoạch, giá bán ổn định. 

Đổ xô trồng mít Thái, vì sao Cục Trồng trọt khẳng định không nên "ác cảm" chuyện trồng - chặt? - Ảnh 1.

Mô hình trồng mít Thái của anh Nguyễn Duy Dự ở xã Thụy Thanh, huyện Thái Thụy (tỉnh Thái Bình), trước đây là vùng úng trũng, cấy lúa kém hiệu quả. Ảnh: T.L

Trao đổi với PV Dân Việt, ông Lê Thanh Tùng cho biết: Diện tích trồng mít Thái tăng nhanh, đột biến trong khoảng 2 - 3 năm trước và hiện nay những diện tích này đã cho thu hoạch trái. Diện tích trồng mới trong năm vừa qua, theo tôi biết thì không nhiều, vì diện tích mở rộng cây sầu riêng chiếm nhiều hơn so với cây mít. 

Người dân trồng trọt cây gì chủ yếu họ theo tín hiệu thị trường, chỉ khi nào nhận thấy diện tích một cây trồng nào đó tăng quá nóng, đầu ra bất ổn thì ngành nông nghiệp sẽ lên tiếng cảnh báo. 

Theo ông Tùng, diện tích cây mít Thái tăng nhanh chủ yếu phụ thuộc vào nhu cầu từ phía thị trường Trung Quốc. "Nếu xuất khẩu được nhiều thì xu hướng diện tích tăng, còn khi không bán được thì diện tích sẽ không thể tăng, thậm chí người dân sẽ đốn bỏ trồng cây khác. Đó là chuyện bình thường" - ông Tùng nói.

Thêm vào đó, quả mít hiện đang là 1 trong những mặt hàng nông sản của Việt Nam được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, cùng với thanh long, chuối, dưa hấu, nhãn, vải, chôm chôm... Một số doanh nghiệp Việt Nam cũng thu mua mít tươi để chế biến mít sấy, kem mít... Do vậy, có ý kiến cho rằng mặt hàng mít tươi vẫn có tiềm năng phát triển, thị trường ngoài Trung Quốc có thể xuất khẩu đi các thị trường lân cận khác.

Đổ xô trồng mít Thái, vì sao Cục Trồng trọt khẳng định không nên "ác cảm" chuyện trồng - chặt? - Ảnh 3.

Quả mít hiện là 1 trong những mặt hàng nông sản của Việt Nam được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc. Ảnh: T.L

Ông Lê Thanh Tùng cho biết, hiện nay, người dân chủ yếu trồng mít Thái (mít Chanrai) vì giống mít này nhanh cho trái, năng suất cao. Chỉ sau trồng khoảng 1,5 - 2 năm là mít Thái có trái thu hoạch. 

Tuy nhiên hầu hết diện tích mít ở ĐBCSL hiện nay không phải là trồng chuyên canh, mà người dân trồng xen canh trong các vườn mới trồng sầu riêng, bưởi, xoài... Nhiều người tận dụng diện tích đất trống trong vườn, đất bờ kênh... để trồng mít nhằm có thêm thu nhập. 

"Cây sầu riêng, bưởi có thời gian kiến thiết dài, thường 3-4 năm mới cho trái, trong khi có những giống mít siêu ngắn ngày chỉ khoảng 12 - 16 tháng đã cho thu hoạch rồi. Phương pháp trồng xen bây giờ không có gì mới lạ, mà là lựa chọn của hầu hết nông dân ĐBSCL vì cho hiệu quả kinh tế cao hơn so với trồng độc canh. 

Trong khi đó, mít Thái là cây trồng rất hay, dễ tính, bởi nó thích hợp với tất cả các loại đất, trừ những vùng đất nhiễm mặn cao. Còn trên đất phèn, đất ruộng cây mít Thái đều có thể phát triển, thích nghi tốt" - ông Tùng cho biết. 

Đổ xô trồng mít Thái, vì sao Cục Trồng trọt khẳng định không nên "ác cảm" chuyện trồng - chặt? - Ảnh 4.

Nông dân xã Tân Phú, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang tận dụng đất bờ kênh trồng mít Thái. Ảnh: Minh Tân

Nói về việc người dân nhiều tỉnh ĐBSCL ồ ạt trồng cây mít Thái trong khoảng 2-3 năm gần đây, ông Tùng cho rằng, khi thị trường có nhu cầu cao thì việc tăng diện tích là chuyện bình thường. 

"Mọi người cũng không nên có "ác cảm" với việc người dân trồng cây này, chặt cây kia. Tôi cho rằng đó cũng là cách kinh doanh của người nông dân. Xu hướng trồng cây ăn trái phổ biến hiện nay không phải để khai thác tới 40 - 50 năm, mà phần lớn người nông dân sẽ lựa chọn những cây trồng có lợi nhuận, phù hợp với điều kiện đầu tư. 

Khi thấy cây trồng nào có lợi nhuận cao hơn, người ta sẽ nghĩ đến chuyện thay thế cây cũ. Thường là bà con nông dân sẽ tính toán kế hoạch sản xuất trong 5-7 năm" - ông Tùng phân tích. 

Tuy nhiên, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt cũng cảnh báo, đến nay, cây mít chưa được các địa phương ĐBSCL xác định là cây ăn quả chủ lực. Những loại cây ăn trái chủ lực vẫn là xoài, thanh long, sầu riêng, chôm chôm, nhãn, cam... Do đó, việc đầu tư, hỗ trợ cho phát triển sản xuất cây mít hầu như chưa có. Phần lớn nông dân trồng mít tự phát, chưa có quy trình sản xuất cụ thể cho các loại hình trồng xen mít, trồng thuần, chuyển đổi từ đất lúa sang trồng mít...

Bên cạnh đó, thị trường tiêu thụ mít hiện nay chủ yếu vẫn phụ thuộc vào Trung Quốc, ở dạng quả tươi nên nếu phát triển ồ ạt, không kiểm soát có thể dẫn đến rủi ro khi thị trường biến động. 

Khoảng 2-3 năm gần đây, mít Thái thương phẩm được thương lái thu mua xuất khẩu trái tươi sang thị trường Trung Quốc, với giá dao động từ 20.000 - 45.000 đồng/kg. Thời điểm khan hiếm, thậm chí giá mít Thái còn tăng lên 60.000 - 70.000 đồng/kg.

Mỗi quả mít Thái loại 1 thường nặng 10-12kg, tính ra nông dân có thu nhập tới nửa triệu đồng/quả mít. Tùy theo trọng lượng của quả, năng suất vườn mà lợi nhuận nhà vườn thu được từ 400 triệu đồng đến 600 triệu đồng/năm/ha.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem