Doanh nghiệp cần “bắt tay” vực dậy nền kinh tế

Quang Dân Thứ năm, ngày 31/12/2020 06:07 AM (GMT+7)
Nhận định năm 2021 vẫn sẽ là một năm đầy khó khăn và thách thức, nên Quốc hội đã thông qua mục tiêu tăng trưởng GDP 2021 là 6%. Tuy nhiên, để cả nước đạt mục tiêu GDP này, cả nước sẽ trông chờ rất nhiều ở sự nỗ lực, chung tay của các doanh nghiệp…
Bình luận 0

2020 là năm cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam gánh chịu nhiều khó khăn "chưa từng có": Dịch Covid-19 lây lan trên quy mô toàn cầu, thương chiến Mỹ-Trung có nhiều diễn biến phức tạp, cùng những thiệt hại to lớn do thiên tai xảy ra... đã ảnh hưởng lớn tới hoạt động sản xuất kinh doanh.

Những "điểm sáng" 2020

Tuy vậy, trong năm qua, đa phần các doanh nghiệp lớn đã có những bước chuyển mình để đạt được những kết quả kinh doanh thuận lợi, cán đích lợi nhuận cả năm nhờ những hoạt động cốt lõi của mình. Dù chưa có báo cáo kết quả kinh doanh quý IV/2020, nhưng chỉ sau 11 tháng năm nay, một số công ty đã tăng vọt về lợi nhuận. Trong đó, đáng kể nhất là Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (GVR) có doanh thu hợp nhất đạt 23.032 tỷ đồng, thực hiện 93% kế hoạch cả năm, tăng gần 3% so với doanh thu năm 2019. Lợi nhuận trước thuế của GVR đạt 4.955 tỷ đồng, hoàn thành 100% kế hoạch và tăng 6% so với năm 2019.


img

TS Lê Xuân Nghĩa - Viện trưởng Viện Nghiên cứu - Phát triển kinh doanh (BDI): Sống được nhờ chuyển đổi số

Trong bối cảnh nền kinh tế bị suy thoái do dịch Covid-19 thì việc chuyển đổi số và sự ra đời của các công ty số hóa đã góp phần vào việc phát triển kinh tế. Do dịch Covid-19, doanh nghiệp nước ngoài không vào được Việt Nam nên doanh nghiệp nội sống sót được nhờ vào chuyển đổi số, thay đổi cách thức kinh doanh qua công nghệ số.

img

TS Nguyễn Đình Cung - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM): Nên có thêm chính sách khuyến khích

Năm 2021 Nhà nước phải ưu tiên ngoài cải cách thì cần phục hồi kinh tế, đẩy nhanh tốc độ phục hồi hơn nữa. Do vậy, Nhà nước nên có chính sách khuyến khích chứ không phải chỉ là chính sách hỗ trợ. Hiện tại, chúng ta cần khuyến khích doanh nghiệp mới, ngành nghề mới xuất hiện nhiều hơn nữa chứ không chỉ cứu những doanh nghiệp đã chết. Bởi cứu những doanh nghiệp này sẽ tốn kém hơn rất nhiều.

Sau 11 tháng đầu năm 2020, Công ty CP Thế giới Di động đạt doanh thu thuần hợp nhất 99.304 tỷ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ 2019. Lợi nhuận sau thuế đạt 3.599 tỷ đồng, tăng 2%; biên lợi nhuận ròng giữ ở mức 3,6%...

Một điểm sáng vượt khó nữa của các ngành hàng trong năm 2020 là các doanh nghiệp thuộc khối ngân hàng. ACB, MSB, Sacombank, VIB, ABBank là những ngân hàng thông báo hoàn thành và vượt kế hoạch lợi nhuận năm 2020 chỉ sau 10 - 11 tháng. Trong đó, một số ngân hàng kỳ vọng lợi nhuận thực hiện sẽ vượt xa kế hoạch đề ra.

Trước những kết quả đáng ghi nhận đó, nhiều công ty đặt kỳ vọng vào sự phục hồi và phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong năm 2021.

Bên cạnh những điểm sáng, nhiều doanh nghiệp thuộc một số ngành lại có mức độ sụt giảm nghiêm trọng so với cùng kỳ năm trước, như dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành, vận chuyển hành khách... do tác động của đại dịch Covid-19. Trong 11 tháng 2020, đã có gần 93,5 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 15,6% so với cùng kỳ năm trước.

Liên kết với nhau để vực dậy nền kinh tế

Dịch Covid-19 tiếp diễn, những cảnh báo về biến đổi khí hậu, tình hình kinh tế - chính trị thế giới diễn biến phức tạp đặt ra cho doanh nghiệp trong nước nhiều bài toán phải giải quyết để kỳ vọng năm 2021 phục hồi và phát triển hơn.

TS Vũ Đình Ánh - chuyên gia kinh tế cho rằng, trong bối cảnh này, tạm gác qua những yếu tố khách quan khác, chính ban lãnh đạo doanh nghiệp hơn ai hết phải là người hiểu rõ những khó khăn của doanh nghiệp, từ đó điều chỉnh chiến lược kinh doanh dựa trên những vấn đề đang gặp phải, mới có thể đặt ra những kỳ vọng về phát triển trong năm 2021. Đơn cử, nếu doanh nghiệp gặp khó về thị trường, cần lưu ý rằng, trong năm 2021 nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã ký bắt đầu có hiệu lực, do vậy một bộ phận doanh nghiệp nếu gặp khó ở thị trường trong nước có thể tìm kiếm thêm các thị trường mới để xuất khẩu.

Đối với khó khăn gặp phải liên quan đến vấn đề về vốn, doanh nghiệp tính đến khả năng về huy động vốn thông qua các kênh ngân hàng, chứng khoán...

Đặc biệt, lãnh dạo doanh nghiệp cần lưu tâm, tìm hiểu về thủ tục, điều kiện các gói hỗ trợ về thuế, vốn của Chính phủ để có thể tận dụng được ưu đãi, kinh phí duy trì trong sản xuất kinh doanh.

Đồng tình với quan điểm của TS Ánh, TS Võ Trí Thành -nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, trước "cú sốc" lớn như đại dịch Covid-19, vai trò hỗ trợ của Nhà nước với doanh nghiệp là rất quan trọng. Song dù thế nào, nỗ lực của bản thân doanh nghiệp vẫn có ý nghĩa quyết định. Vấn đề không chỉ là cách ứng phó với khủng hoảng mà còn là phục hồi và bứt phá khi dịch Covid-19 qua đi.

Giai đoạn đầu của đại dịch, doanh nghiệp có nhiều phương thức để vượt khó, từ cách đơn giản nhất là "ngủ đông" cho đến cắt giảm chi phí nhân công, chuyển đổi sản phẩm... đặc biệt, các doanh nghiệp đã bắt đầu liên kết cùng nhau vượt khó. Giai đoạn tiếp theo, các doanh nghiệp phải thay đổi chiến lược, tìm kiếm cơ hội kinh doanh gắn với thị trường, với hội nhập quốc tế, nhất là với các FTAs mà Việt Nam tham gia. Cần nỗ lực tham gia chuỗi giá trị, lựa chọn đối tác hiệu quả và "cùng thắng".

Nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển cho rằng năm 2021 là năm đầu tiên Việt Nam thực hiện nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII. Chúng ta chờ đợi rằng, đại hội này sẽ đưa ra các quyết sách rất phù hợp trong bối cảnh mới. Năm 2021 cũng là năm đất nước có cơ hội lớn, đồng thời phải đối đầu với thách thức lớn. Cơ hội lớn là việc nhiều FTA mở rộng thêm thị trường cho doanh nghiệp Việt, nhưng thách thức ở chỗ cạnh tranh cũng cao lên. "Nhưng chỉ có thông qua cạnh tranh doanh nghiệp mới có thể trưởng thành và phát triển được. Muốn làm được như vậy thì doanh nghiệp cần tái cấu trúc lại nội bộ. Trong đó tập trung tái cấu trúc, bộ máy làm thế nào để hoạt động hiệu quả hơn" - ông Tuyển nhận định.

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh nhấn mạnh, doanh nghiệp phải tập trung vào chuyển đổi số. Không chuyển đổi số sẽ không thể kết nối được với chuỗi giá trị đồng nghĩa với việc sẽ bị đào thải. Đồng thời, đổi mới tư duy bán hàng, tập trung vào công nghệ thông tin, các sàn thương mại điện tử... Trong đó, cần lưu ý rằng thị trường 100 triệu dân trong nước còn rất nhiều tiềm năng để khai thác.

"Câu chuyện nguồn nguyên liệu tự cung, tự cấp cũng cần phải được các doanh nghiệp chú ý đến. Điều kiện tự nhiên, khí hậu, nguồn lực và con người của Việt Nam đủ để các doanh nghiệp có thể trồng, phát triển và cung cấp nguyên liệu cho các ngành như dệt may, da giày, gỗ… hạn chế phụ thuộc vào các nước khác" - ông Lê Đăng Doanh nêu quan điểm. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem