Doanh nghiệp chậm, trốn đóng bảo hiểm cho người lao động hơn 8.500 tỷ đồng
Số tiền doanh nghiệp chậm, trốn đóng bảo hiểm cho người lao động tăng vọt
Theo đó, hết năm 2022 tình trạng chậm đóng, trốn đóng, cộng cả lãi và gốc là 8.560 tỷ đồng, tăng 2,69% so với cùng kỳ năm 2021.
Bộ trưởng Dung cho biết, hiện có khoảng 26.670 doanh nghiệp và đơn vị chậm đóng và trốn nghĩa vụ bảo hiểm (trong đó phần lớn là chậm đóng). Số lao động bị ảnh hưởng do doanh nghiệp chậm, trốn đóng bảo hiểm lên đến trên 206.000 người.
Lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH cho biết, nguyên nhân khiến doanh nghiệp chậm, trốn đóng bảo hiểm gia tăng do làm ăn khó khăn, thiếu đơn hàng, cá biệt có đơn vị cố tình chậm, trốn đóng.
Các cơ quan quản lý bảo hiểm chưa quản lý hết đối tượng, sử dụng thiếu hiệu quả và cuối cùng ứng dụng công nghệ thông tin kết nối cơ sở dữ liệu chưa tốt.
Trưởng ngành LĐ-TB&XH cho biết đã triển khai các biện pháp cụ thể, vừa qua chỉ đạo cho bảo hiểm xã hội thực hiện một nguyên tắc, người lao động thu đến đâu thực hiện chế độ, chính sách đến đó. "Cũng có 1 giai đoạn, ví dụ như người lao động mất 2-3 năm bị ngắt quãng, bảo hiểm không tính chế độ cho người lao động, chúng tôi không đồng ý. Tạm thời ghi lại đến mức độ đó và tiếp tục giải quyết chính sách cho người lao động", ông Dung nói.
Bộ LĐ-TB&XH thông tin hiện 206.000 trường hợp lao động bị ảnh hưởng bởi doanh nghiệp chậm, nợ đóng bảo hiểm đã được giải quyết về chính sách, không còn vướng mắc. Hiên chỉ còn lại các khoản nợ sẽ tiếp tục phải tính toán để làm sao người lao động không bị ảnh hưởng. Đây là vấn đề quan trọng nhất.
Về xử lý, khắc phục tình trạng chậm, trốn đóng bảo hiểm, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh: "Trốn đóng hiện nay đã được quy định bằng pháp luật, thậm chí xử lý hình sự, nhưng khái niệm và phạm vi cũng không xác định rõ được. Do đó, hiện nay chưa xử lý được trường hợp nào. Ví dụ như TP.HCM có tới 84 đơn để chuyển sang cơ quan điều tra nhưng không xử lý được, vướng hành vi, chưa xác định rõ sai phạm", ông Dung nói.
Để xử lý tận gốc vấn đề, trưởng ngành LĐ-TB&XH đề xuất có cơ chế sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội, trong đó áp dụng một số chế tài mạnh hơn, kiên quyết hơn và hiệu quả hơn như thông lệ quốc tế cho phép.