Doanh nghiệp chăn nuôi báo lãi 'khủng' nhờ giá heo hơi lập đỉnh

07/06/2020 14:56 GMT+7
Loạt doanh nghiệp chăn nuôi heo lớn trong nước như Dabaco, Dolico hay Vissan... đều báo lãi 'khủng', có doanh nghiệp lãi quý I gấp 17 lần cùng kỳ.

Tại báo cáo tài chính quý I, Dabaco ghi nhận mức tăng trưởng kỷ lục với doanh thu thuần bán hàng và cung cấp dịch vụ tăng tới 41%, lên gần 2.387 tỷ đồng so với cùng kỳ. Khoản thu này giúp doanh nghiệp chăn nuôi này lãi 348,7 tỷ đồng quý I, gấp 17 lần so với cùng kỳ năm trước.

Giá thịt heo tăng cao thời gian dài giúp doanh thu 2 tháng đầu quý II đạt hơn 2.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt trên 70% quý I, khoảng trên 240 tỷ.

Ngoài chăn nuôi heo đem lại lợi nhuận "khủng", các mảng kinh doanh khác như chế biến trứng ăn liền, gà giống, dầu thực vật... cũng góp đáng kể vào tăng trưởng của Dabaco. Tính chung 5 tháng đầu năm nay, doanh nghiệp này lãi sau thuế hơn 593 tỷ đồng, doanh thu 4.483 tỷ.

Năm nay, Dabaco đặt kế hoạch doanh thu hơn 13.200 tỷ đồng, lãi sau thuế gần 460 tỷ. Những con số này giúp ông Nguyễn Như So - Chủ tịch Dabaco tự tin, năm nay lợi nhuận của Dabaco "có thể bằng vốn điều lệ, hiện ở mức 911 tỷ đồng". Công ty cũng có thể trình điều chỉnh kế hoạch kinh doanh cả năm (hiện ở mức 457 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế) để phù hợp với thực tế sản xuất. Với triển vọng lợi nhuận năm nay, Dabaco đặt kế hoạch chi trả cổ tức tỷ lệ 25%, trong đó 15% bằng tiền và 10% bằng cổ phiếu.

Doanh nghiệp chăn nuôi báo lãi 'khủng' nhờ giá heo hơi lập đỉnh - Ảnh 1.

Heo được nuôi tại một trang trại ở Hà Nội. Ảnh: Thái Anh

Khác với Dabaco, mảng kinh doanh của Công ty cổ phần Nông súc sản Đồng Nai (Dolico) khá cô đặc khi tập trung chính vào chăn nuôi heo và các chế phẩm từ thịt heo. Quý I, doanh nghiệp này lãi trước thuế vượt 141% kế hoạch năm với 39 tỷ đồng, trong khi năm ngoái cả năm chỉ lãi 27 tỷ đồng. doanh thu và lợi nhuận từ các hoạt động sản xuất giống lợn, chăn nuôi lợn, gà tăng giúp lợi nhuận của các công ty con cũng đi lên.

Sang quý II, Dolico đặt mục tiêu sản lượng 855 tấn thịt heo, tổng doanh thu khoảng 65 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 15 tỷ.

Tương tự, doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ của Công ty cổ phần chăn nuôi Mitraco đạt trên 93 tỷ đồng, tăng 34% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận gộp đạt hơn 24 tỷ đồng, cải thiện mạnh so với mức lỗ gộp hơn 4 tỷ đồng cùng kỳ năm 2019, nhờ đó công ty lãi hơn 22 tỷ đồng.

Năm 2020, Mitraco đưa ra mục tiêu doanh thu 255 tỷ đồng, lợi nhuận khoảng 12 tỷ, dựa trên kịch bản giá thịt heo ở mức 55.000 - 60.000 đồng một kg. Giá heo hơi từ đầu năm đến nay luôn đứng mức cao, 80.000 - 100.000 đồng một kg nên ước tính khoản thu, lãi của Mitraco sẽ cao hơn nhiều kế hoạch.

Tương tự, Công ty cổ phần Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (Vissan) cũng tăng lãi từ hoạt động chăn nuôi heo tại các chi nhánh. Công ty có doanh thu thuần quý I tăng gần 21% so với cùng kỳ, đạt hơn 1.453 tỷ đồng. Trong đó, khoản thu thịt tươi sống gần 669 tỷ, doanh thu từ thực phẩm chế biến xấp xỉ 742 tỷ đồng. Từ đó, Vissan báo lãi gần 47 tỷ đồng, tăng gần 20% so với cùng kỳ 2019.

Hiện sản phẩm của Vissan gồm 2 mảng chính là thực phẩm tươi sống và thực phẩm chế biến. Năng lực giết mổ của doanh nghiệp này khoảng 2.400 con heo, 300 con bò Australia một ngày. Năm 2019, công ty cung cấp ra thị trường hơn 24.300 tấn thịt heo và 1.645 tấn thịt bò, 28.000 tấn thịt chế biến mỗi năm. Năm 2019, nhờ giá heo tăng mạnh vào cuối năm, Vissan đạt doanh thu 4.993 tỷ, tăng gần 12% so với năm trước, lợi nhuận trước thuế 226 tỷ, cao nhất 49 năm

Giá thịt heo tăng cao từ cuối năm 2019 và lập đỉnh mới những tháng đầu năm 2020, ở mức 80.000 - 100.000 đồng một kg heo hơi bất chấp "lệnh" giảm giá từ cấp có thẩm quyền. 

Tại cuộc họp đại hội đồng cổ đông thường niên cuối tháng 5, ông Nguyễn Như So - Chủ tịch Dabaco nhận định, phải tới cuối năm nay tổng đàn heo trong nước mới trở về thời điểm trước dịch tả heo châu Phi. Với riêng Dabaco, tổng đàn năm nay dự kiến tăng 15%, là doanh nghiệp Việt có số lượng nuôi lớn nhất cả nước.

Ngoài các giải pháp đẩy mạnh tái đàn, Bộ Nông nghiệp cũng cho phép tăng nhập khẩu thịt từ các nước Canada, Mỹ, Nga, Đức... Từ đầu năm 2020 đến nay khoảng 67.000 tấn thịt và sản phẩm từ thịt được nhập về Việt Nam, với giá nhập bình quân 60.000 đồng một kg. Cùng đó, cơ quan này cũng cho phép nhập khẩu heo giống, heo sống nguyên con từ một số quốc gia về giết thịt, giúp hạ nhiệt giá trên thị trường.

Tuy nhiên, với tình hình thị trường hiện nay, Chủ tịch Dabaco nhận xét, đến hết năm 2020, thịt heo khó có thể quay về giá rẻ như trước, dù Việt Nam tăng nhập khẩu thịt từ các nước bởi giá thịt thế giới cũng đắt ngang Việt Nam. "Không quốc gia nào chuẩn bị thực phẩm trước đại dịch và đủ để mang đi xuất khẩu, ông So nói.


Kỳ Duyên/Vnexpress
Cùng chuyên mục