“Doanh nghiệp không thể mua điện bằng niềm tin”

An Linh
28/05/2025 14:37 GMT +7
Cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, đại biểu Trần Quốc Tuấn (đoàn Trà Vinh) đồng tình việc giao Chính phủ xây dựng cơ chế hỗ trợ phát triển mô hình ESCO

ESCO là hình thức công ty dịch vụ năng lượng, chuyên cung cấp các giải pháp năng lượng toàn diện bao gồm thiết kế và thực hiện các dự án tiết kiệm năng lượng, bảo tồn năng lượng, cho thuê cơ sở hạ tầng năng lượng…

Theo ông Tuấn, đây là mô hình đôi bên cùng có lợi, bên tiết kiệm thì đỡ tốn tiền điện, bên đầu tư thì có thêm lợi nhuận, do vậy nếu không sớm có cơ chế khuyến khích chúng ta sẽ bỏ lỡ một cơ hội lớn.

Đại biểu Trần Quốc Tuấn (Đoàn Trà Vinh)

Hiện thế giới có khoảng 25 quốc gia áp dụng thành công mô hình ESCO, xem đây là công cụ thị trường, là trụ cột quan trọng để thúc đẩy chuyển đổi năng lượng. Ở Trung Quốc nhờ hỗ trợ tài chính và miễn thuế từ năm 1996 đến năm 2000 qua 24 năm thực hiện thì ngành ESCO đã có đến 6.000 doanh nghiệp tạo ra doanh thu hơn 82 tỷ USD, dẫn đầu toàn cầu và giúp giảm hơn 100 triệu tấn CO2 mỗi năm. 

Hàn Quốc thì có trên 300 công ty ESCO hoạt động mạnh nhờ Quỹ tiết kiệm năng lượng của nhà nước. Tại EU và Hoa Kỳ có hợp đồng EPC chuẩn ưu đãi thuế và tín dụng xanh đi kèm kiểm toán độc lập rõ ràng, minh bạch, không lằng nhằng giấy tờ. 

“Còn tại Việt Nam hiện có khoảng 200 doanh nghiệp nhỏ đang hoạt động theo mô hình này, đông thì đông vậy nhưng mạnh ai nấy yếu”, ông Tuấn cho biết.

Nguyên nhân cho điều này, đại biểu Tuấn cho biết xuất phát từ việc thiếu hỗ trợ tài chính và bảo lãnh tín dụng cho các doanh nghiệp ESCO. “Doanh nghiệp không thể mua điện bằng niềm tin được”, ông Tuấn nói.

Bên cạnh đó, Việt Nam đang thiếu hệ thống đo lường, giám sát độc lập. “Làm rồi mà không đo thì chẳng khác nào đi thi mà không cho điểm”, ông Tuấn ví von.

Đại trước thực tế trên, đại biểu Tuấn kiến nghị đề xuất Chính phủ cần quan tâm chỉ đạo khẩn trương thành lập quỹ tín dụng. Vì quỹ thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả như dự thảo luật quy định cho phép doanh nghiệp ESCO được tiếp cận quỹ này và được bảo lãnh tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh, miễn giảm thuế cho các dự án có hiệu suất cao.

Đồng thời xây dựng bộ tiêu chí đo lường xác minh quốc tế và xã hội hóa hoạt động giám sát, từ đó tạo được niềm tin cho thị trường.

“Chúng ta đang sống trong một thế giới không còn nhiều thời gian để trì hoãn, mỗi hành động hôm nay của chúng ta dù nhỏ nhất như việc dán nhãn năng lượng cho vật liệu xây dựng hay thúc đẩy 1 mô hình mới ESCO đều có thể góp phần cứu lấy môi trường sống ngày mai”, ông Tuấn cho biết.

Đề nghị công khai doanh nghiệp vi phạm dán nhãn

Góp ý dự thảo Luật, Đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh (Đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hoà) cho rằng, quy định về dán nhãn năng lượng và công khai thông tin là cần thiết nhưng thiếu cơ chế kiểm tra, giám sát, việc tuân thủ đặc biệt trong thương mại điện tử.

Đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh (Đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hoà)

Do đó, đại biểu đề nghị bổ sung quy định về trách nhiệm của cơ quan quản lý trong việc kiểm tra định kỳ và xử lý vi phạm đối với các doanh nghiệp không tuân thủ dán nhãn năng lượng, đặc biệt trên các nền tảng thương mại điện tử, cần có quy định cụ thể về việc công khai danh sách các doanh nghiệp vi phạm để bảo vệ người tiêu dùng.

Liên quan đến tăng cường chế tài xử lý vi phạm, dự thảo Luật giao UBND các cấp có trách nhiệm kiểm tra, xử lý vi phạm nhưng theo đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh, chưa quy định rõ mức chế tài hoặc khung xử phạt đối với các hành vi phạm trong sử dụng năng lượng.

Do đó, đại biểu đề nghị bổ sung quy định về mức phạt hành chính hoặc xử lý cụ thể như thu hồi giấy phép, đình chỉ hoạt động đối với các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm không tuân thủ quy định về tiết kiệm năng lượng.

"Điều này sẽ tăng tính răn đe và hiệu quả thực thi" - đại biểu nhấn mạnh.