PVS nhận nhiệm vụ quan trọng trong chuyến tháp tùng Thủ tướng tại Malaysia

Linh Anh
28/05/2025 11:07 GMT +7
Tại chuyến tháp tùng Thủ tướng tại Malaysia, liên danh Malaysia cùng PVS và Sembcorp Utilities (Singapore) sẽ hợp tác nghiên cứu xuất khẩu điện gió ngoài khơi từ Việt Nam sang Malaysia qua tuyến cáp ngầm kết nối lưới điện quốc gia.

Ngày 26/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim và Thủ tướng Singapore Lawrence Wong đã chứng kiến lễ ký thỏa thuận hợp tác xuất khẩu điện tái tạo từ Việt Nam sang Malaysia và Singapore. Thỏa thuận được ký trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 46 tại Kuala Lumpur.

Thủ tướng ba nước Việt Nam - Malaysia - Singapore chứng kiến lễ ký thỏa thuận hợp tác về xuất khẩu điện (Nguồn ảnh: VGP).

Theo đó, Liên danh Năng lượng Malaysia (gồm Tenaga Nasional Berhad và Petronas), Tổng CTCP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC; HNX: PVS) và Sembcorp Utilities (Singapore) sẽ hợp tác nghiên cứu xuất khẩu điện gió ngoài khơi từ Việt Nam sang Malaysia qua tuyến cáp ngầm kết nối lưới điện quốc gia.

Các bên cũng xem xét bổ sung thêm nguồn điện và hệ thống lưu trữ để đảm bảo nguồn cung ổn định.

"Thỏa thuận này thể hiện vai trò của PTSC nói riêng và PVN nói chung trong việc hiện thực hóa các chiến lược về chuyển dịch năng lượng. Đây sẽ là một dấu mốc quan trọng trong lĩnh vực đầu tư năng lượng tái tạo tại Việt Nam", ông Trần Hồ Bắc – Tổng Giám đốc PTSC chia sẻ.

PVS nhận gói thầu FSO trị giá 600 triệu USD của Lô B

Theo Chứng khoán Vietcombank (VCBS) nhận định, các dự án trong nước của PVS đạt nhiều bước tiến đáng kể trong bối cảnh thượng nguồn ngành dầu khí Việt Nam đang cho thấy nhiều tín hiệu tích cực.

Nhiều dự án khai thác dầu khí lớn trong nước có những bước tiến mới sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp thượng nguồn.

Cụ thể, tại lĩnh vực truyền thống, PVS đang triển khai 3 gói thầu thuộc dự án mỏ khí Lô B với tổng giá trị gần 1 tỷ USD trong đó, gói EPCI#1 hoàn thành 22%, gói EPCI#2 đạt 46%, và gói EPCI#3 (đường ống trên bờ) đang triển khai.

Dự án khí Lô B do Phú Quốc POC điều hành đang được triển khai đúng tiến độ, hướng tới mục tiêu đón dòng khí đầu tiên vào tháng 8/2027. Tính đến ngày 14/2/2025, tiến độ hai gói thầu EPCI#1 và EPCI#2 lần lượt đạt 16,7% và 34%.

Liên danh tổng thầu cam kết hoàn thành toàn bộ chế tạo và lắp đặt các hạng mục ngoài khơi đúng hạn, với mốc hoàn thành trước ngày 31/12/2025 bao gồm: chân đế giàn CPP, giàn LQP, các giàn thu gom và giàn đầu giếng, cùng hệ thống đường ống nội mỏ.

Dự án Lạc Đà Vàng đang được triển khai đúng tiến độ, nhằm đạt được mục tiêu khai thác vào cuối năm 2026. Tập đoàn Murphy Oil dự kiến đầu tư 110 triệu USD trong năm 2025, nhằm phát triển mỏ. Trong đó, 90 triệu USD dành cho phát triển mỏ và 20 triệu USD cho khoan khai thác. Trước đó, năm 2024, Murphy đã đầu tư 40 triệu USD vào dự án này.

Jadestone Energy (Singapore) đã trình kế hoạch phát triển mỏ (FDP) cho mỏ khí Nam Du – U Minh lên PetroVietnam, với tổng vốn đầu tư khoảng 750 triệu USD. Dự án sử dụng giàn đầu giếng không người (WHP) kết nối tàu FPSO, vận chuyển khí qua đường ống 34 km đến cụm công nghiệp Cà Mau. Sau khi được PetroVietnam phê duyệt, FDP sẽ trình lên Bộ Công Thương xin cấp phép cuối cùng.

Nhóm phân tích Vietcombank Securitíe đánh giá, hoạt động kinh doanh của PVS được bảo vệ tốt nhờ vào lượng hợp đồng đã ký (backlog) lớn từ các dự án Lô B và điện gió ngoài khơi.

Về thuế đối ứng của Mỹ đối với Việt Nam lên nhóm doanh nghiệp dầu khí thượng nguồn nói chung và PVS nói riêng, các chuyên gia đánh giá có tác động ở mức độ TRUNG LẬP.

Về tác động tỷ giá, PVS hưởng lợi khi tỷ giá USD/VND tăng do phần lớn nguồn thu từ các dự án nước ngoài được thanh toán bằng USD. PVS không có dư nợ vay bằng USD, nên không bị ảnh hưởng bởi chi phí tài chính tăng do chênh lệch tỷ giá.

Chứng khoán Maybank cho biết, tháng 5/2025, PVS tiếp tục nhận thư trao thầu gói FSO Lô B trị giá 600 triệu USD, bao gồm 14 năm thuê chính thức (480 triệu USD) và 9 năm tùy chọn gia hạn (120 triệu USD).

FSO này dự kiến hoạt động từ quý IV/2027. Cùng với FSO mỏ Lạc Đà Vàng đã nhận thầu trước đó, đội tàu FSO của PVS sẽ nâng lên 8 chiếc trong vòng hai năm.

Hiện tại, hoạt động FSO/FPSO mang lại tới 75% lợi nhuận sau thuế hợp nhất của PVS. Ngoài ra, PVS đang theo đuổi thêm gói thầu EPC trị giá khoảng 400 triệu USD tại mỏ Sư Tử Trắng.

Kho nổi chứa, xử lý và xuất dầu thô (FSO/FPSO). Ảnh: PVS.

Với việc dự án Lô B đã bước vào giai đoạn xây dựng chính thức, cùng tiến độ ổn định của các dự án lớn như 33 chân đế cho Greater Changhua 2a & 4a, Baltica 2, và 35 chân đế điện gió cho khách hàng Đài Loan- Formosa (trúng thầu vào cuối năm 2024), các chuyên gia nhận định PVS có cơ sở vững chắc để đạt mức tăng trưởng doanh thu ấn tượng trong năm 2025, được hỗ trợ bởi khối lượng backlog M&C đáng kể.

Dự án điện gió ngoài khơi với Sembcorp sẽ tiến hành nghiên cứu các thông số biển vào giữa năm 2025, tiến triển theo đúng kế hoạch.

Dự án điện gió ngoài khơi Việt Nam–Singapore, do liên doanh Sembcorp và PVS phát triển, đang triển khai đúng tiến độ. Hệ thống đo gió và hải dương Lidar dự kiến lắp đặt vào giữa năm 2025, phục vụ công tác khảo sát kỹ thuật (2024–2026) và hỗ trợ thiết kế kỹ thuật tổng thể (FEED).

Nghiên cứu hoàn tất vào quý III/2026, FID dự kiến vào 2027–2028 và vận hành thương mại (COD) vào 2032–2033. Dự án có công suất lắp đặt 2.300 MW, với sản lượng thương mại dự kiến đạt 1.200–1.400 MW.

PVS là thành viên của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN). Lĩnh vực hoạt động chính của công ty là cung cấp các loại hình dịch vụ kỹ thuật cho các ngành dầu khí, năng lượng, công nghiệp.

Một số dịch vụ tiêu biểu của PVS là: EPCI công trình biển, EPC công trình công nghiệp; Kho nổi chứa, xử lý và xuất dầu thô FSO/FPSO; tàu dịch vụ dầu khí; khảo sát địa chấn, địa chất, công trình ngầm; cảng dịch vụ; dịch vụ cung ứng nhân lực kỹ thuật và dịch vụ cho các dự án năng lượng tái tạo.

PVS là doanh nghiệp nổi bật về cung cấp các dịch vụ kỹ thuật liên quan đến dầu khí tại Việt Nam.