Doanh nghiệp nhận chuyển nhượng đất vàng giá bèo từ Sagri làm ăn ra sao?
Ngày 6/7, Cơ quan Cảnh sát điều tra ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam bị can Lê Tấn Hùng, nguyên tổng giám đốc Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn - TNHH MTV (Sagri) về hành vi "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí", quy định tại khoản 3, Điều 219 Bộ luật hình sự năm 2015.
Động thái này được đưa ra sau hơn một năm Sagri bị Thanh tra TP HCM và Kiểm toán Nhà nước xác định xảy ra hàng loạt hành vi sai phạm.
Nhận chuyển nhượng đất vàng giá “bèo” từ Sagri thời ông Lê Tấn Hùng
Trong kết luận chuyển sang cơ quan điều tra, Thanh tra TP.HCM xác định, quá trình ông Lê Tấn Hùng quản lý, điều hành hoạt động của Sagri (từ năm 2016) có nhiều thiếu sót, khuyết điểm. Trong đó, nổi bật là sai phạm liên quan dự án khu nhà ở tại khu phố 4, phường Phước Long B (quận 9).
Cụ thể, trong giai đoạn 2016 – 2017, Hội đồng thành viên (HĐTV) Sagri thống nhất phê duyệt chuyển nhượng toàn bộ dự án khu nhà ở tại khu phố 4, phường Phước Long B (quận 9) có tổng diện tích 3,75 ha cho Tổng công ty cổ phần Phong Phú với giá chuyển nhượng hơn 168 tỷ đồng (tương đương hơn 10,5 triệu đồng/m2)
Nghịch lý ở chỗ, mức giá mà Sagri thời ông Lê Tấn Hùng chuyển nhượng dự án này thấp hơn giá mà Tổng công ty Phong Phú huy động vốn từ khách hàng năm 2013 (gần 14 triệu đồng/m2) và chỉ bảng 1/3 so với giá chuyển nhượng của dự án liền kề (khoảng 29 triệu đồng/m2).
Trong dự án này, Sagri thời ông Lê Tấn Hùng sử dụng 3,75 ha đất hợp tác với giá trị vốn góp có tỷ lệ 28%, Tổng công ty Phong Phú là 72%.
Một góc dự án khu nhà ở tại khu phố 4, phường Phước Long B (quận 9)
Theo Thanh tra TP.HCM, Sagri chuyển nhượng vốn góp (quyền sử dụng đất) tại dự án đã hoàn chỉnh hạ tầng kỹ thuật cho Tổng công ty cổ phần Phong Phú nhưng không qua đấu giá để xác định giá trị thị trường là chưa đúng quy định.
Sagri cũng bị cho là báo cáo không trung thực khi đã ủy quyền cho Tổng công ty Phong Phú tìm kiếm đối tác góp vốn, khách hàng mua nhà ở tại dự án (thực hiện phân lô bán nền từ năm 2012) nhưng 5 năm sau lại có văn bản gửi UBND thành phố cam kết "chưa huy động vốn". Việc này có khả năng gây thiệt hại cho doanh nghiệp nếu không phát hiện, ngăn chặn kịp thời.
Liên quan đến sự việc này, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) cũng từng có thông báo kết quả kiểm toán đối với Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn (Sagri) về vấn đề quản lý, sử dụng đất.
Theo KTNN, Sagri thời ông Lê Tấn Hùng đã ký 7 hợp tác (không thành lập pháp nhân mới) với 4 đơn vị để hợp tác kinh doanh trên 7 cơ sở nhà đất có tổng diện tích trên 140ha. Trong đó có 2 hợp đồng hợp tác giữa Sagri và Tổng Công ty CP Phong Phú tại Dự án Cụm công nghiệp Láng Le - Bàu Cò và Khu nhà ở tại phường Phước Long B với nhiều dấu hiệu sai phạm.
Thông báo của KTNN nêu rõ, tại hợp đồng hợp tác Dự án Cụm công nghiệp Láng Le – Bàu Cò, Sagri đã thay đổi đối tác từ Công ty CP Đầu tư xây dựng công trình giao thông Hồng Lĩnh sang Tổng Công ty CP Phong Phú, nhưng không có văn bản chấp thuận chủ trương của UBND TP HCM.
Còn tại dự án chuyển nhượng Khu nhà ở tại phường Phước Long B, KTNN cho hay, Sagri đã không thực hiện nghĩa vụ tài chính bổ sung khi điều chỉnh các chỉ tiêu quy hoạch dự án; cam kết chưa huy động vốn của khách hàng không đúng thực tế; xác định giá trị chuyển nhượng không đúng, làm giảm số thuế phải nộp Ngân sách Nhà nước.
Tại thời điểm cuối năm 2017, khoản đầu tư cho dự án này được ghi nhận là chi phí xây dựng cơ bản dở dang gần 162,7 tỷ đồng, vốn thực góp của 2 bên cũng tương ứng với khoản chi phí này.
Còn tại báo cáo tài chính năm 2018 của Phong Phú, doanh nghiệp này đang ghi nhận khoản chi phí sản xuất kinh doanh dở dang lên tới gần 610 tỷ đồng. Theo thuyết minh trong báo cáo tài chính, trong năm 2018, Tổng công ty đã ký hợp đồng nhận chuyển nhượng toàn bộ Dự án Khu nhà ở công nhân Phước Long B, Quận 9 và trở thành chủ đầu tư của dự án theo Hợp đồng số 123/HĐCN ngày 22/12/2017 và phụ lục Hợp đồng số 01/PLHĐ ngày 5/1/2018 giữa Tổng công ty cổ phần Phong Phú và Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn TNHH MTV.
Nợ vay gần gấp đôi vốn chủ sở hữu
Tổng Công ty cổ phần Phong Phú tiền thân là doanh nghiệp Nhà nước trong ngành dệt may trực thuộc Bộ Công Thương nhưng đã cổ phần hóa từ năm 2009 do ông Trần Quang Nghị (sinh năm 1960) làm Chủ tịch HĐQT.
Hiện Tập đoàn Dệt may Việt Nam nắm giữ khoảng 50% cổ phần của Phong Phú và số cổ phần còn lại do tư nhân nắm giữ.
Báo cáo tài chính quý I/2019 của Tập đoàn Phong Phú cho thấy, doanh thu thuần về hoạt động bán hàng và cung cấp dịch vụ của doanh nghiệp đạt gần 779 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2018.
Đáng chú ý, doanh thu đến từ BĐS đạt 13 tỷ đồng. Cùng kỳ năm ngoái Phong Phú chưa ghi nhận khoản doanh thu từ lĩnh vực này.
Tổng lợi nhuận trước thuế của doanh nghiệp quý I/2019 đạt 65,3 tỷ đồng, tăng 5,1 tỷ so với cùng kỳ năm ngoái. Vì vậy, lợi nhuận sau thuế cũng ghi nhận mức tăng trưởng khoảng 8% so với cùng kỳ.
Trong kỳ, Tổng công ty Phong Phú ghi nhận khoản lãi từ công ty liên kết, liên doanh lên tới gần 104 tỷ đồng, tăng 76% so với cùng kỳ. Chưa kể, lợi nhuận khác cũng tăng đột biến từ 352 triệu lên trên 6 tỷ đồng.
Cùng với đó, chi phí từ lãi vay cũng tăng vọt thêm 10 tỷ đồng so với cùng kỳ, từ 28 tỷ lên gần 38 tỷ đồng trong kỳ.
Lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh âm gần 161 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái âm 96 tỷ. Ngược lại, lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động đầu tư âm 5 tỷ đồng, từ mức âm 33 tỷ của cùng kỳ năm trước.
Tính tới 31/3/2019, Tổng công ty Phong Phú có tổng tài sản lên tới 5.513 tỷ đồng, tăng nhẹ so với cùng kỳ. Nợ phải trả 3.770 tỷ, chiếm 68% tổng tài sản của doanh nghiệp.
Trong đó, vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn là trên 1.960 tỷ đồng, vay và nợ thuê tài chính dài hạn 1.302 tỷ đồng. Nếu so với vốn chủ sở hữu 1.743 tỷ đồng, nợ vay của tập đoàn Phong Phú gần gấp đôi vốn chủ sở hữu doanh nghiệp.