Chứng khoán hôm nay (9/4): "Choáng váng" với tốc độ đảo chiều của VN-Index

H.Anh
09/04/2025 10:31 GMT +7
"Choáng" với diễn biến của thị trường chứng khoán Việt Nam sáng 9/4, VN-Index có lúc giảm gần 60 điểm rồi bất ngờ bật tăng hơn 8 điểm chỉ trong vài phút trước khi lại quay đầu giảm trở lại. Cú đảo chiều "tức thì" cho thấy tâm lý nhà đầu tư đang cực kỳ nhạy cảm trước nguy cơ Mỹ áp thuế quan cao lên hàng hóa Việt Nam.


Theo đó, sau nhịp giảm mạnh ngay đầu phiên (có thời điểm giảm gần 60 điểm của chỉ số VN-Index), do ảnh hưởng từ thông tin tăng thuế quan của Mỹ, thị trường chứng khoán Việt Nam thời điểm hiện tại đã có dấu hiệu hồi phục kỹ thuật.

Tính đến 10h sáng nay (9/4), VN-Index đang dừng tại 1.117,58 điểm, giảm 15,21 điểm, tương ứng với mức giảm 1,34%. Thanh khoản toàn thị trường tiếp tục duy trì ở mức cao, với hơn 589 triệu cổ phiếu được khớp lệnh, tương ứng 11.571 tỷ đồng.

VN30-Index – chỉ số đại diện cho nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn – giảm nhẹ hơn, chỉ còn mất 1,64 điểm (-0,14%) về 1.195,87 điểm, cho thấy nhóm bluechip đang là lực đỡ chính cho thị trường.

Dù vậy, số mã giảm trong rổ vẫn vượt trội, với 16 mã giảm và chỉ 13 mã tăng. Trên sàn Hà Nội, HNX-Index giảm 6,08 điểm (-3,02%) còn 194,96 điểm, trong khi HNX30 mất 11,83 điểm (-3,02%) về 380,41 điểm.

Tuy nhiên, chỉ chưa đầy 5 phút sau, VN-Index đảo chiều ngoạn mục khi bật tăng hơn 8 điểm, dòng tiền cuồn cuộn bắt đáy.

Chứng khoán hôm nay cập nhật 10h00

Tính đến 10h05 ngày 9/4, chỉ số VN-Index bật tăng 8,56 điểm (+0,76%), lên mức 1.141,35 điểm – xóa sạch sắc đỏ của đầu phiên và phản ánh tâm lý nhà đầu tư đang dần ổn định trở lại. Khối lượng giao dịch đạt mức cao đột biến với 678 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị 13.287 tỷ đồng, cho thấy dòng tiền bắt đáy đã nhập cuộc mạnh mẽ, đặc biệt là ở nhóm vốn hóa lớn.

Nhóm cổ phiếu bluechip VN30 trở thành tâm điểm hồi phục khi chỉ số này tăng mạnh 23,22 điểm (+1,94%), lên 1.220,73 điểm. Sắc xanh lan rộng trong nhóm này với 20 mã tăng, chỉ có 9 mã giảm.

Trong khi đó, dù HNX-Index vẫn giảm 4,41 điểm (-2,19%), xuống 196,63 điểm, mức giảm đã thu hẹp đáng kể so với đầu phiên. Riêng chỉ số HNX30 hiện còn mất 6,41 điểm (-1,63%), về 385,83 điểm. Dù sàn Hà Nội chưa hoàn toàn hồi phục, nhưng thanh khoản cải thiện với hơn 714 tỷ đồng và số mã tăng đang nhích dần lên.

Tổng giá trị giao dịch toàn thị trường vượt 13.600 tỷ đồng. Việc thị trường đảo chiều nhanh chóng cho thấy tâm lý nhà đầu tư không còn quá hoảng loạn với tin tức tăng thuế quan từ phía Mỹ. Thay vào đó, lực cầu bắt đáy đã vào cuộc mạnh, đặc biệt ở các nhóm ngành như ngân hàng, bất động sản và chứng khoán.

Chứng khoán hôm nay cập nhật 10h10

Tuy nhiên, sau cú hồi kỹ thuật ấn tượng, các chỉ số chính lại đồng loạt điều chỉnh "tức thì". Đến 10h10, chỉ số VN-Index giảm 10,16 điểm (-0,90%), lùi về mức 1.122,63 điểm, bất chấp thanh khoản duy trì ở mức cao với 743 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị giao dịch hơn 14.500 tỷ đồng.

VN30-Index mất 0,90 điểm (-0,08%), còn 1.196,61 điểm. Thanh khoản nhóm này ghi nhận 7.999 tỷ đồng, phản ánh tâm lý giằng co khi dòng tiền đang phân hóa mạnh giữa các cổ phiếu.

Diễn biến tiêu cực tiếp tục ghi nhận ở sàn Hà Nội. Chỉ số HNX-Index giảm 4,39 điểm (-2,18%), xuống còn 196,65 điểm. Trong khi đó, chỉ số HNX30 mất 11,52 điểm (-2,94%), về 380,72 điểm. Thanh khoản sàn này đạt gần 774 tỷ đồng, trong đó nhiều mã midcap bị bán mạnh sau nhịp hồi ngắn buổi sáng.

Số lượng cổ phiếu giảm giá vẫn áp đảo thị trường: HoSE có 298 mã giảm, so với 159 mã tăng, UPCoM ghi nhận 155 mã giảm, gấp đôi số mã tăng (78 mã).

Tổng giá trị giao dịch toàn thị trường tính đến thời điểm này đã đạt gần 14.830 tỷ đồng – một con số rất cao so với mặt bằng chung các phiên gần đây, cho thấy dòng tiền vẫn hoạt động tích cực.

Chia sẻ với PV Etime, ông Đinh Quang Hinh, Trưởng bộ phận vĩ mô và chiến lược thị trường, Công ty cổ phần chứng khoán VnDirect cho biết, thị trường Mỹ chiếm khoảng 30% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, do đó, bất kỳ thay đổi lớn nào về thuế quan của Mỹ sẽ có tác động đáng kể đến triển vọng xuất khẩu của Việt Nam. Hiện tại câu hỏi lớn đặt ra là phía Mỹ sẽ thực sự áp mức thuế đối ứng đối 46% đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam hay sẽ là một mức thuế “thấp hơn” sau đàm phán.

Về ảnh hưởng của mức thuế 46% lên các nhóm ngành và cổ phiếu, phân tích sơ bộ cho thấy các nhóm ngành xuất khẩu chủ lực sang Mỹ như Thủy sản, Gỗ và Bất động sản KCN, đặc biệt nhạy cảm trước các rào cản thương mại gia tăng và nguy cơ suy giảm nhu cầu.

Cụ thể, nhóm ngành Thủy sản có thể chứng kiến biên lợi nhuận bị suy giảm, nhóm Gỗ và sản phẩm gỗ đứng trước nguy cơ dịch chuyển chuỗi cung ứng, và nhóm Bất động sản KCN phải chứng kiến sự chậm lại trong dòng vốn FDI.

Ngược lại, những nhóm ngành với mức độ tập trung vào thị trường Mỹ không đáng kể như Hạ tầng giao thông, Ống nhựa xây dựng và Phân bón, được dự báo sẽ chịu tác động trực tiếp ở mức tối thiểu.

“Mặc dù ảnh hưởng của thuế đối ứng lên triển vọng kinh tế vĩ mô là điều đáng lo ngại, chúng tôi kỳ vọng rằng các biện pháp kích thích kinh tế từ Chính phủ, bao gồm đẩy mạnh đầu tư công và chính sách tiền tệ nới lỏng, sẽ phần nào giảm thiểu được những tác động bất lợi”, ông Hinh đề cập.