Mỹ hoãn thuế, VN-Index "phi mã": Chuyên gia cảnh báo điều gì sau 90 ngày tới?

Thưa bà, sắc tím bao phủ TTCK phiên giao dịch ngày (10/4) sau quyết định hoãn thời hạn áp dụng thuế đối ứng 90 ngày. Bà đánh giá như thế nào về phản ứng thị trường? Dự báo xu hướng thị trường thời gian tới?
- Ngay sau khi Tổng thống Trump công bố tạm hoãn áp dụng thuế đối ứng trong 90 ngày đã đẩy tâm lý thị trường trở nên hưng phấn hơn. Đây là lần đầu tiên chúng ta chứng kiến VN-Index tăng hơn 70 điểm (+6.77%), ghi nhận mức tăng nhanh nhất lịch sử.
Trong ngắn hạn, thị trường sẽ có những phiên sắp tới đầy tích cực vì tâm lý đã được cởi trói từ những phiên bán tháo trước đó, nhưng để đánh giá xu hướng dài hạn, chúng ta cần theo dõi sát sao kết quả của các cuộc đàm phán thương mại giữa Việt Nam và Mỹ trong 90 ngày tới.
Nếu Việt Nam tận dụng tốt cơ hội này để đạt được các thỏa thuận giảm thiểu mức thuế hoặc đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, thị trường có thể hướng tới vùng 1.300 điểm trong quý III/2025.
Ngược lại, nếu không có tiến triển rõ ràng hoặc hành vi trả đũa của các quốc gia trong cuộc thương chiến tăng lên, áp lực bán có thể quay lại khi nhà đầu tư quay về tâm lý phòng thủ.
Xin bà chia sẻ quan điểm đầu tư trong giai đoạn thị trường biến động này, đặc biệt các nhà đầu tư cá nhân?
Trong giai đoạn biến động như hiện nay, nhà đầu tư cá nhân – vốn chiếm hơn 90% giao dịch trên thị trường – cần giữ một tâm lý thận trọng nhưng không nên hoảng loạn.
Phản ứng "thái quá" như bán tháo khi tin xấu xuất hiện hoặc mua đuổi khi thị trường tăng nóng đều có thể dẫn đến rủi ro lớn. Quan điểm của tôi là nhà đầu tư đầu tiên nên bình quân giá vốn và hạ margin về mức an toàn, sau đó giảm về mức thấp vì giai đoạn 90 ngày tới rất khó đoán định. Nên giải ngân một phần vào các tài sản có thu nhập cố định để giảm rủi ro.
Về dài hạn, nên tập trung các doanh nghiệp có nền tảng cơ bản tốt và giá đã được discount nhiều trong giai đoạn quá bán vừa rồi, các ngành ít phụ thuộc vào xuất khẩu sang Mỹ hoặc có khả năng thích ứng nhanh với biến động chính sách.
Cụ thể, các ngành như công nghệ thông tin ư, đầu tư công, và tiêu dùng nội địa, sẽ là điểm sáng trong bối cảnh này. Đồng thời, nhà đầu tư nên phân bổ danh mục hợp lý, tránh "all-in" vào một nhóm ngành hay cổ phiếu cụ thể, và giữ một tỷ lệ tiền mặt nhất định để tận dụng cơ hội "bắt đáy" nếu thị trường điều chỉnh sâu.
Quan trọng hơn, cần theo dõi sát thông tin từ các cuộc đàm phán thương mại và chính sách hỗ trợ từ Chính phủ để có quyết định kịp thời.

Việc hoãn thời hạn áp dụng thêm 90 ngày sẽ có ý nghĩa như thế nào với Việt Nam? Chúng ta cần chạy đua với thời gian để có những giải pháp ứng phó như thế nào?
- Việc hoãn thời hạn áp dụng thuế đối ứng thêm 90 ngày là một khoảng thời gian quan trọng cho Việt Nam, giúp giảm áp lực tức thời lên xuất khẩu và tăng trưởng kinh tế. Đây là cơ hội để Chính phủ và doanh nghiệp Việt Nam đàm phán nhằm giảm mức thuế dự kiến từ 46% xuống dưới mức quanh 10-20% hoặc tìm cách cân bằng cán cân thương mại. Đồng thời, nó cũng tạo tiền đề để doanh nghiệp điều chỉnh chiến lược, giảm phụ thuộc vào thị trường Mỹ – vốn chiếm tỷ trọng lớn trong xuất khẩu của Việt Nam.
Chúng ta có thể cân nhắc 3 hướng giải pháp:
Thứ nhất, đẩy mạnh đối thoại song phương với Mỹ, thể hiện thiện chí bằng cách tăng nhập khẩu các mặt hàng Mỹ có thế mạnh như nông sản, dầu khí, hoặc thiết bị công nghệ, nhằm giảm thâm hụt thương mại. Đồng thời, tăng cường kiểm soát thương mại để ngăn chặn rủi ro trung chuyển và đảm bảo nguồn gốc xuất xứ.
Thứ hai, các doanh nghiệp Vietnam cần đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tận dụng các hiệp định thương mại tự do như CPTPP hay EVFTA để hướng tới châu Âu, Nhật Bản, và ASEAN.
Thứ
ba, cơ cấu nền kinh tế Vietnam trong thời gian tới sẽ có nhiều thay đổi, ưu
tiên tập trung các nhóm ngành mang lại nhiều giá trị trong chuỗi cung ứng toàn
cầu và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong tương lai. Chính phủ có thể tập trung
cải thiện khu vực tư nhân, đổi mới công nghệ và thúc đẩy nền kinh tế số. Các biện
pháp tài khóa như đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, tiếp tục giảm thuế VAT
có thể kích thích tiêu dùng, cũng như xem xét hạ lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp
và đạt được mục tiêu tăng trưởng tín dụng.
Mặc dù phiên hôm qua khối ngoại quay lại bắt đáy nhưng áp lực rút vốn trong ngắn hạn vẫn còn. Từ đầu năm đến nay khối ngoại đã bán ròng 1.3 tỷ đô la Mỹ. Chênh lệch lãi suất lớn, áp lực tỷ giá tăng, rủi ro suy thoái kinh tế Mỹ sẽ là những yếu tố khiến dòng tiền ngoại trong ngắn hạn chưa thể quay về Việt Nam. Tuy nhiên về dài hạn, chúng ta vẫn có nhiều điểm sáng so với các nước trong khu vực, thanh khoản duy trì ở mức tốt, forward P/E chỉ ở mức 10-11x là vùng đáy 10 năm, đây chính là cơ hội để đầu tư dài hạn vào các cổ phiếu đầu ngành chất lượng cao.
Xin trân trọng cảm ơn bà!