Doanh nghiệp Nhật muốn xây chuỗi cung ứng, công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam
Sáng nay, tại Tokyo (Nhật Bản), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc Tọa đàm bàn tròn với các tập đoàn kinh tế lớn của Nhật Bản về các chủ đề công nghiệp phụ trợ, cơ sở hạ tầng, cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gặp gỡ nhiều doanh nghiệp, tập đoàn và ngân hàng lớn của Nhật Bản
Tại buổi tiếp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kêu gọi các doanh nghiệp Nhật đầu tư nhiều hơn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI chất lượng cao vào Việt Nam, với các dự án đầu tư thân thiện với môi trường, hạ tầng chất lượng cao, áp dụng và chuyển giao công nghệ cao, tiết kiệm năng lượng, năng lượng tái tạo, hợp tác với các doanh nghiệp Việt Nam phát triển công nghiệp hỗ trợ, đưa hàng hóa của Việt Nam tham gia vào các kênh phân phối khu vực, toàn cầu.
Người đứng đầu Chính phủ khẳng định: “Sẵn sàng trao đổi thẳng thắn, cởi mở về các vấn đề cùng quan tâm”.
Phía doanh nghiệp Nhật, đại diện nhiều tập đoàn lớn cho biết, một số lĩnh vực doanh nghiệp Việt Nam chưa có khả năng cung ứng nên phía Nhật Bản mong muốn hợp tác liên kết với doanh nghiệp Việt để nâng cao tỷ lệ nội địa hóa. Đồng thời, các doanh nghiệp cũng mong Chính phủ quan tâm đến công tác đào tạo nhân lực trong ngành này.
Về vấn đề cơ sở hạ tầng, doanh nghiệp Nhật Bản nhìn nhận, lĩnh vực vận tải ở Việt Nam có sự phát triển mạnh mẽ, cho rằng cần giảm chi phí vận tải, nâng cao hiệu quả thủ tục thông quan. Trong bối cảnh nợ công của Việt Nam đã giảm nhiều, doanh nghiệp Nhật Bản muốn biết định hướng sử dụng vốn ODA của Việt Nam thời gian tới.
Ông Kanetsugu Mike, Tổng Giám đốc Ngân hàng MUFG, ngân hàng lớn nhất Nhật Bản cho biết, sau hội nghị xúc tiến đầu tư lần trước tại Nhật Bản, một số doanh nghiệp Nhật Bản đã đầu tư và mở rộng đầu tư vào Việt Nam.
Ông Kanetsugu Mike mong muốn MUFG được làm cầu nối phối hợp với các cơ quan chức năng của Việt Nam để chuyển các đề xuất của doanh nghiệp Nhật Bản đến Chính phủ.