Doanh nghiệp nhỏ Trung Quốc “chết mòn”, sa thải hàng loạt lao động vì dịch virus corona

12/02/2020 12:30 GMT+7
Nằm cách thành phố Vũ Hán khoảng 200km, trang trại nuôi cua tại tỉnh Hồ Bắc của ông Peng Guobing đang lao đao vì dịch virus corona.
Doanh nghiệp nhỏ Trung Quốc “chết mòn”, sa thải hàng loạt lao động vì dịch virus corona - Ảnh 1.

Quang cảnh vắng vẻ tại các thành phố Trung Quốc giữa dịch virus corona

“Không gì giúp trang trại cua của tôi tránh được những tổn thất nặng nề lúc này. Hơn 2/3 sản lượng cua (khoảng 10.000 kg) chưa kịp khai thác và đang mắc kẹt trong ao. Thiệt hại ước tính lên tới 600.000 NDT (hơn 2,1 tỷ VNĐ)”. Đây chắc chắn là một con số khổng lồ với hộ kinh doanh nhỏ như ông Peng Guobing.

Thông thường, trước mỗi kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, ông Peng sẽ cho thu hoạch cua và chuyển đến bán cho các nhà buôn thủy hải sản tại Vũ Hán, thủ phủ tỉnh Hồ Bắc. Nhưng năm nay, dịch virus corona đã làm đảo lộn mọi kế hoạch.

Tệ hơn, việc không thể khai thác cua kịp thời cũng ảnh hưởng đến thời vụ nuôi cua mùa xuân sắp tới. Nếu 10.000kg cua hiện tại không được đánh bắt trước tháng 3, khi mùa sinh sản bắt đầu, ông Peng sẽ bị lỡ mùa nuôi cua tiếp theo.

Phải đối mặt với nỗi lo lắng tương tự như ông Peng Guoping là Xie Jun, quản lý một doanh nghiệp xuất khẩu đồ nội thất dệt may có trụ sở tại tỉnh Chiết Giang. Xie Jun cho hay doanh nghiệp của ông buộc phải ngừng hoạt động sản xuất cho đến hôm 10/2 vừa qua để đáp ứng công tác kiểm dịch của chính quyền địa phương. Nhưng ngay cả khi doanh nghiệp mở cửa trở lại, những người lao động từ địa phương khác (chiếm khoảng 50% lực lượng lao động của doanh nghiệp) cũng chưa thể trở lại làm việc tức thời cho đến khi họ hoàn thành thời hạn cách ly 14 ngày bắt buộc. Cũng theo ông Xie Jun, hàng loạt hoạt động triển lãm, hội chợ thương mại, trưng bày quảng bá sản phẩm mà doanh nghiệp lên kế hoạch cũng bị trì hoãn hoặc hủy bỏ do dịch bệnh.

Trường hợp của ông Peng Guoping hay Xue Jun chỉ là một ví dụ cho thấy nỗi ám ảnh dịch bệnh đang dồn hàng chục triệu doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh nhỏ vào “cửa tử”. Đáng nói hơn, những doanh nghiệp nhỏ này được đánh giá là nền tảng kinh tế chính của Trung Quốc, giúp đảm bảo trật tự và ổn định của xã hội.

Zhao Jian, chuyên gia đứng đầu Viện nghiên cứu tài chính Atlantis của Trung Quốc nhận định các ngành dịch vụ như bán lẻ, du lịch, ăn uống, giải trí, bất động sản… sẽ là những ngành chịu tác động lớn nhất từ cơn chấn động virus corona. 

Một cuộc khảo sát được thực hiện mới đây bởi các nhà nghiên cứu từ hai trường đại học hàng đầu Trung Quốc là Thanh Hoa và Bắc Kinh cũng chỉ ra rằng khoảng 2/3 doanh nghiệp vừa và nhỏ được khảo sát chỉ có đủ nguồn lực tài chính để duy trì hoạt động trong khoảng 2 tháng tiếp theo nếu doanh thu tiếp tục cạn kiệt vì dịch virus corona. Khảo sát cũng chỉ ra khoảng 30% trong số 995 doanh nghiệp được hỏi dự kiến doanh số công ty sẽ giảm ít nhất một nửa so với năm 2019.

Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp và chưa có dấu hiệu được kiểm soát, nhiều doanh nghiệp tại Trung Quốc đã buộc phải sa thải hàng loạt lao động. King of Party, chuỗi karaoke nổi tiếng tại Bắc Kinh xác nhận sẽ chấm dứt hợp đồng lao động với 200 nhân viên. Xinchao Media, một công ty truyền thông quảng cáo cũng buộc phải cắt giảm 500 lao động kể từ hôm 10/2. Xibei Restaurant, một chuỗi cửa hàng ăn uống với 300 cơ sở trên toàn quốc cũng dự kiến sẽ đóng cửa trong 3 tháng nếu doanh thu tiếp tục chạm đáy như hiện tại. 

Theo kết quả điều tra mới nhất của Cục Thống kê Quốc gia tính đến hết năm 2018, trên toàn Trung Quốc có tới 63 triệu doanh nghiệp tư nhân, cung cấp 150 triệu việc làm cho nền kinh tế và đóng góp hơn 60% vào sản lượng kinh tế đất nước. Trong khi các doanh nghiệp nhà nước được tiếp cận dễ dàng với nguồn tín dụng lãi suất thấp và nhiều nguồn lực ưu đãi từ Chính phủ, các doanh nghiệp tư nhân lại không nhận được ưu ái như vậy. Đó cũng là nguyên nhân khiến dịch virus corona tác động đến các doanh nghiệp nhỏ mạnh mẽ hơn nhiều doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp nhà nước.

Zhang Ming, một nhà nghiên cứu làm việc tại Viện Nghiên cứu Khoa học Xã hội Trung Quốc nhận định dịch virus corona có thể khiến tăng trưởng GDP Trung Quốc quý I/2020 giảm xuống 5% hoặc thấp hơn. Còn Louis Kuijs, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu châu Á tại Oxford Economics cho rằng tăng trưởng của Trung Quốc dự kiến sẽ chỉ đạt 5,4% trong năm 2020.

Thùy Dung
Cùng chuyên mục