Doanh nghiệp ở miền Tây cần vaccine cho công nhân và hỗ trợ về vốn để tiếp tục hoạt động

Duy Khánh Thứ sáu, ngày 17/09/2021 14:57 PM (GMT+7)
Các doanh nghiệp ở các tỉnh, thành ĐBSCL cần tiêm vaccine cho công nhân đủ 2 mũi và hỗ trợ về vốn để có thể duy trì hoạt động trong thời gian tới, nhất là trong điều kiện bình thường mới.
Bình luận 0

Cần tiêm 2 mũi vaccine cho công nhân

Bà Huỳnh Thiên Trang - Phó Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh tại Cần Thơ (VCCI Cần Thơ) vừa thông tin với ông Trần Việt Trường - Chủ tịch UBND TP.Cần Thơ về một số khó khăn cũng như các yêu cầu hỗ trợ của doanh nghiệp trong thời gian tới.

Doanh nghiệp ở miền Tây cần vaccine cho công nhân và hỗ trợ về vốn để tiếp tục hoạt động  - Ảnh 1.

Các doanh nghiệp ở các tỉnh, thành ĐBSCL cần tiêm vaccine cho công nhân đủ 2 mũi và hỗ trợ về vốn để có thể duy trì hoạt động trong thời gian tới, nhất là trong điều kiện bình thường mới. Trong ảnh, đường vào khu công nghiệp Trà Nóc, TP.Cần Thơ (Ảnh: Huỳnh Xây)

Theo đó, bà Trang cho biết, các doanh nghiệp đề nghị thành phố quan tâm, tăng cường nguồn vaccine hơn nữa cho người lao động, có chính sách hoặc quy định cụ thể cho người lao động tiêm đủ 2 mũi vaccine được xem là giấy thông hành để họ được đi lại làm việc từ nhà tới công ty.

Các doanh nghiệp đề nghị thành phố trao quyền kiểm soát cho doanh nghiệp, bởi giấy phép đi lại giữa nơi cư trú và nơi làm việc thì doanh nghiệp nắm chặt hơn và công nhân sẽ phải cam kết, vi phạm sẽ bị sa thải thay vì mức phạt hành chính. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng yêu cầu thành phố nghiên cứu lộ trình nghiên giải pháp sống chung với dịch.

Ông Phạm Duy Tín - Trưởng Ban Quản lý Khu chế xuất và công nghiệp TP.Cần Thơ vừa đề xuất các giải pháp khôi phục sản xuất cho doanh nghiệp trong các khu công nghiệp gửi đến lãnh đạo UBND TP.Cần Thơ. Trong đó, đặc biệt nhấn mạnh trường hợp TP.Cần Thơ đạt miễn dịch cộng đồng và trở lại bình thường mới thì doanh nghiệp chỉ tuyển dụng lao động đã tiêm 2 mũi vaccine và cam kết thực hiện phòng chống dịch Covid-19. Theo đó, người lao động tiêm đủ 2 mũi vaccine được làm việc và đi về bình thường nhưng khai báo y tế tại doanh nghiệp, địa phương.

Ông Trần Ngọc Hiếu, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Mía đường Cần Thơ (Casuco) cho biết, để doanh nghiệp hoạt động trong điều kiện bình thường mới thì các công nhân phải được tiêm vaccine. Do đó, thời gian qua, doanh nghiệp đã đề xuất chính quyền các địa phương hỗ trợ tiêm vaccine cho công nhân tại các nhà máy thuộc công ty.

Riêng nhà máy đường Phụng Hiệp tại tỉnh Hậu Giang, ngoài việc được tiêm vaccine, công ty cũng sẽ triển khai bố trí cho công nhân làm việc có khoảng cách nhất định, không tập trung, sao cho hoạt động an toàn, tránh lây lan dịch bệnh. Vụ mía mới này, công ty cố gắng sẽ mua hết mía cho người dân tỉnh Hậu Giang.

Theo Tiến sĩ Trần Khắc Tâm - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Sóc Trăng, việc các doanh nghiệp mở lại sản xuất kinh doanh phụ thuộc vào tốc độ tiêm vaccine. Độ bao phủ của vaccine sẽ quyết định cho việc sớm mở lại các hoạt động kinh tế. Rất mừng là có nhiều tín hiệu cho thấy, thời gian tới Việt Nam sẽ nhận được lượng lớn vaccine từ những nỗ lực của Chính phủ.

Hỗ trợ tín dụng để DN kinh doanh

Theo ông Tâm, trong thời gian tới, Chính phủ cần chỉ đạo thực hiện các chính sách tài chính, tín dụng thật tốt để tạo đòn bẩy mạnh mẽ khi các hoạt động sản xuất, kinh doanh được mở lại.

Ông Tâm cũng rất mừng là trong thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có nhiều văn bản về vấn đề chính sách hỗ trợ, một số ngân hàng thương mại lớn tuyên bố đã có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp bằng biện pháp hạ lãi suất cho vay.

Thế nhưng, theo ông Tâm, chính sách cần mạnh mẽ hơn nữa, đặc biệt là cơ cấu lại các khoản nợ của doanh nghiệp. Ngoài cam kết của ngân hàng, Chính phủ nên hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp, cùng với đó là các chính sách miễn giảm thuế hợp lý.

Ông Phạm Thái Bình - Tổng giám đốc Công ty cổ phần nông nghiệp công nghệ cao Trung An có trụ sở tại TP.Cần Thơ cho biết, công nhân trong công ty đều đã tiêm vaccine và thực hiện nhiều cách làm khác để bảo vệ sức khoẻ. Trong thời gian tới, công ty ông cũng như các công ty lương thực khác cần được lãnh đạo TP.Cần Thơ và ngân hàng thương mại cho vay ngoài hạn mức để mua lúa giúp nông dân.

"Không riêng gì công ty tôi, rất nhiều doanh nghiệp lương thực đã đầy kho chưa bán được, tiền chưa về do ảnh hưởng của dịch Covid-19 thời gian qua. Tuy nhiên, hiện nay thành phố có không dưới 70.000ha lúa thu đông gần thu hoạch nên tôi đề nghị được vay ngoài hạn mức, để chúng tôi mua lúa giúp dân" - ông Bình nói.

Ngày 16/9, 14 hiệp hội doanh nghiệp đại diện cho nhiều ngành hàng chủ lực của Việt Nam cũng đã gửi kiến nghị tới Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, các Phó Thủ tướng Chính phủ đề xuất chiến lược "Phòng chống dịch theo điểm" phục hồi sản xuất, kinh doanh an toàn trong bối cảnh chống dịch mới.

Một trong các đề xuất mà các hiệp hội đưa ra là Chính phủ chỉ đạo các bộ ngành và các đơn vị có liên quan thực hiện miễn, giảm các loại thuế, phí, tiền điện, nước. Hỗ trợ các nhà máy, cụm nhà máy, khu công nghiệp lập các cơ sở lưu trú, trạm y tế tại chỗ hoặc lưu động để triển khai phòng chống dịch.

Đồng thời, cho phép doanh nghiệp vừa và nhỏ cộng lãi suất ngân hàng vào dư nợ gốc trong 24 tháng, gia hạn nợ 12 tháng đối với dư nợ ngắn hạn, 24 tháng đối với nợ trung, dài hạn...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem