Doanh nghiệp phá sản, nền kinh tế khó khăn, thu ngân sách giảm hàng trăm nghìn tỷ đồng

03/10/2023 10:17 GMT+7
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, thu ngân sách Nhà nước trong tháng 9 và 9 tháng năm 2023 giảm rất mạnh hơn 103.600 tỷ đồng (tương ứng mức giảm 4 tỷ USD). Nguyên nhân đến từ nền kinh tế khó khăn, số doanh nghiệp phá sản

Thu ngân sách giảm mạnh

Đáng nói, tình hình giảm thu trong tháng 9 có chiều hướng tăng so với 8 tháng năm 2023, trong đó số thu ngân sách tháng 9 suy giảm 52.200 tỷ đồng so với mức bình quân 8 tháng qua.

Bộ Tài chính vừa có báo cáo về tình hình thu chi ngân sách Nhà nước tháng 9 và 9 tháng đầu năm, theo đó, số thu ngân sách tháng 9 chỉ đạt 89.600 tỷ đồng, giảm 52.200 tỷ đồng so với số thu bình quân 8 tháng.

Doanh nghiệp phá sản, nền kinh tế khó khăn, thu ngân sách giảm mạnh hàng trăm nghìn tỷ đồng - Ảnh 1.

Thu ngân sách khó khăn do doanh nghiệp phá sản cao, xuất nhập khẩu suy giảm (Ảnh: NT).

Trong đó thu nội địa ước đạt 73.900 tỷ đồng, bằng 62,9% mức thu bình quân 8 tháng; thu từ dầu thô ước đạt 5,6 nghìn tỷ đồng, thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu ước đạt khoảng 10 nghìn tỷ đồng, bằng 52% mức thu bình quân 8 tháng.

Lũy kế 9 tháng thu NSNN ước đạt 1.223,8 nghìn tỷ đồng, bằng 75,5% dự toán, giảm 8,3% so cùng kỳ năm 2022 (thu ngân sách trung ương ước đạt khoảng 77,9% dự toán, thu ngân sách địa phương ước đạt khoảng 72,6% dự toán).

Trong khi đó, cùng kỳ năm 2022, tổng thu ngân sách Nhà nước (NSNN) ước đạt 1.327,3 nghìn tỷ đồng. Như vậy, số thu thực tế 9 tháng của năm 2023 giảm hơn 103.600 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước, tương ứng 8%.

Bộ Tài chính thông tin, hiện vẫn còn một số khoản thu chưa đảm bảo tiến độ dự toán và giảm khá mạnh so với cùng kỳ, trong đó đáng chú ý là thu thuế bảo vệ môi trường ước đạt 42,7% dự toán, giảm 26,6% so cùng kỳ; các loại phí, lệ phí ước đạt 72,1% dự toán, giảm 11,8% so cùng kỳ; các khoản thu về nhà, đất ước đạt 55,5% dự toán, giảm 48,5% so cùng kỳ.

Riêng các khoản thu trực tiếp từ 3 khu vực sản xuất - kinh doanh (chiếm 53,3% dự toán tổng số thu nội địa) ước đạt 75,4% dự toán, tăng 5% so cùng kỳ. Tuy nhiên, không kể thuế thu nhập doanh nghiệp (chiếm gần 46,4% tổng số thu từ khu vực sản xuất - kinh doanh đạt khá so dự toán và tăng 24,4% so cùng kỳ do doanh nghiệp đã tạm nộp 4/5 kỳ theo quy định), thì số thu của 3 khu vực này chỉ bằng 92,5% cùng kỳ.

Về số thu trên địa bàn, ước tính có 25/63 địa phương thực hiện thu nội địa 9 tháng đạt trên 76% dự toán; 11/63 địa phương có tăng trưởng thu so cùng kỳ, trong khi có tới 52 địa phương thu thấp hơn so cùng kỳ.

Theo Bộ Tài chính, tình hình kinh tế những tháng gần đây đã có những dấu hiệu khởi sắc, nhưng hoạt động sản xuất kinh doanh của một số ngành công nghiệp chủ lực vẫn còn khó khăn, trong khi thị trường bất động sản chậm phục hồi, kết hợp với thực hiện các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phi, tiền thuê đất mới ban hành đã làm giảm thu ngân sách.

Mặt khác hoạt động xuất nhập khẩu 9 tháng cũng giảm so cùng kỳ. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu tính đến 15/9/2023 đạt 461,1 tỷ USD, giảm 11,9%, trong đó kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hoá có thuế giảm 18,8% so cùng kỳ. 

Một số mặt hàng nhập khẩu có thuế đóng góp số thu lớn cho ngân sách giảm mạnh, tác động làm giảm nguồn thu NSNN khoảng 34 nghìn tỷ đồng so cùng kỳ năm trước. Cụ thể, nhóm các mặt hàng nhập khẩu nguyên liệu, máy móc thiết bị, phụ tùng nhập khẩu phục vụ sản xuất giảm thu khoảng 31,2 nghìn tỷ đồng; 16 nhóm xăng dầu nhập khẩu giảm thu khoảng 0,5 nghìn tỷ đồng; nhóm ô tô nguyên chiếc nhập khẩu giảm thu khoảng 2,4 nghìn tỷ đồng.

Thời gian qua, để đảm bảo tiến độ thu, toàn ngành đã triển khai quyết liệt đồng bộ nhiều giải pháp nhằm đảm bảo tiến độ thu theo dự toán. Trong đó, cơ quan Thuế đã thực hiện 42 nghìn cuộc thanh tra, kiểm tra; kiểm tra 411,5 nghìn hồ sơ khai thuế của DN. Qua đó kiến nghị xử lý tài chính khoảng 41,5 nghìn tỷ đồng, trong đó thu nộp NSNN khoảng 10,9 nghìn tỷ đồng (đã nộp vào ngân sách khoảng 7,8 nghìn tỷ đồng), giảm khấu trừ và giảm lỗ gần 30,6 nghìn tỷ đồng; đôn đốc thu hồi và xử lý nợ đọng thuế ước đến hết tháng 9 đạt khoảng 34,6 nghìn tỷ đồng.

Tính đến ngày 15/9/2023, cơ quan Hải quan đã thực hiện khoảng 1,44 nghìn cuộc thanh tra, kiểm tra, xử lý thu vào NSNN 896 tỷ đồng; phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, bắt giữ 12,9 nghìn vụ vi phạm với giá trị hàng hóa khoảng 5 nghìn tỷ đồng, xử lý thu vào NSNN 385 tỷ đồng.

Mới đây, Tổng cục Thống kê vừa công bố số doanh nghiệp khó khăn, phá sản, ngừng hoạt động trong tháng 9 và 9 tháng đầu năm, theo đó, trong tháng 9, có 4.124 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, giảm 20,4% và tăng 40,5%; 5.273 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 1,1% và tăng 25,9%; 1.441 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 4,8% và giảm 4,9%.

Luỹ kế hết 9 tháng năm 2023, cả nước có 75,8 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 21,2%; 46,1 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 26,9%; 13,2 nghìn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, giảm 4,3%.

Tổng số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, chờ giải thể, hoàn tất phá sản lên đến hơn 135.000 doanh nghiệp, bằng 82% số doanh nghiệp lập mới. Điều này cho thấy tình hình và sức khoẻ doanh nghiệp vẫn tiếp tục khó khăn.

An Linh
Cùng chuyên mục