Doanh nghiệp thủy sản trầy trật vì “thẻ vàng” IUU
Trầy trật vì "thẻ vàng"
Ngày 23/10/2017, EU chính thức cảnh báo "thẻ vàng" đối với hải sản Việt Nam xuất khẩu sang thị trường này vì chưa đáp ứng quy định chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU). Các doanh nghiệp cho rằng, "thẻ vàng" IUU đã gây ra nhiều tác động xấu, ảnh hưởng trực tiếp đến việc xuất khẩu hải sản sang EU và kéo theo sau là ảnh hưởng đến thị trường Mỹ và các thị trường tiềm năng khác. Cụ thể, xuất khẩu hải sản sang EU sẽ giảm do khách hàng tại EU e ngại việc bị phạt theo quy định IUU nên sẽ giảm hoặc ngừng mua hàng của Việt Nam. Tên quốc gia bị cảnh báo cũng được công khai trên các tạp chí và website chính thức của EU làm xấu đi hình ảnh và ảnh hưởng xấu đến uy tín, thương hiệu của ngành hải sản Việt Nam.
Trong thời gian bị "thẻ vàng", toàn bộ container hàng hải sản xuất khẩu sang EU đều bị giữ lại kiểm tra nguồn gốc khai thác gây mất thời gian và phát sinh thêm chi phí kiểm tra nguồn gốc 500 bảng Anh/container, phí lưu cảng. Nhưng rủi ro lớn nhất là tỷ lệ lớn các container hàng bị từ chối trả lại, tổn thất cho việc xuất khẩu hải sản sang EU khi bị "thẻ vàng" trung bình có thể lên đến 10.000 Euro/container.
Ông Dương Viết Hoài, Phó Tổng giám đốc Công ty Baseafood (Vũng Tàu) cho rằng, "thẻ vàng" IUU là lực cản lớn nhất đối với việc xuất khẩu hải sản Việt Nam vào EU hai năm qua và trong thời gian tới. Trong đó, chi phí xuất khẩu hải sản vào EU tăng cao khiến hải sản Việt Nam khó cạnh tranh với các nước khác và dần mất ưu thế về thị phần; mức độ rủi ro, thiệt hại lớn bởi nếu lô hàng không vượt qua khâu kiểm tra nguồn gốc khai thác, doanh nghiệp mất trắng chứ không được trả hàng về. "Thẻ vàng" IUU cũng khiến nhiều mặt hàng như tôm khô, ruốc khô Việt Nam mất cơ hội xuất khẩu do không thể làm được giấy chứng nhận khai thác hợp pháp, mặc dù thị trường EU đang có nhu cầu cao.
Bà Cao Thị Kim Lan, Giám đốc Công ty Cổ phần Thủy sản Bình Định cho biết, Bình Định là một trong những tỉnh có số tàu thuyền khai thác hải sản lớn ở khu vực miền Trung, phần lớn tàu thuyền đều đánh bắt xa bờ, phục vụ xuất khẩu. Trong đó, EU là thị trường xuất khẩu chính, chiếm từ 60-70% kim ngạch xuất khẩu hải sản của Bidifisco nhưng từ khi hải sản Việt Nam bị cảnh báo "thẻ vàng" IUU, việc xuất khẩu vào EU cực kỳ khó khăn.
Cụ thể, nếu như trước đây hải sản xuất vào EU được thông quan tự động thì nay bị chặn lại từ cảng để kiểm tra nguồn gốc khai thác khiến thời gian thông quan kéo dài lên 10 -15 ngày. Điều này không chỉ phát sinh chi phí lưu cảng, chi phí kiểm tra mà còn ảnh hưởng đến thời gian nhận hàng, kế hoạch kinh doanh của nhà nhập khẩu. Sau 2 năm, tỷ trọng xuất khẩu hải sản vào EU chỉ còn 40% tổng trị giá xuất khẩu, đạt khoảng 30 triệu USD/năm, doanh nghiệp phải tìm kiếm thị trường thay thế và tăng chế biến để giải quyết đầu ra.
Cửa nào cho thủy sản vào EU
Theo ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), EU là thị trường xuất khẩu thủy hải sản lớn thứ hai của Việt Nam, chỉ đứng sau Mỹ và chiếm trên 17% trong tổng giá trị xuất khẩu thủy sản cả nước trong 3 năm qua. Sau 2 năm EU cảnh báo "thẻ vàng" đối với hải sản khai thác của Việt Nam, xuất khẩu hải sản của Việt Nam sang thị trường EU đã bị tác động rõ rệt, giảm 6,5% còn gần 390 triệu USD trong năm 2018 và tiếp tục chững lại trong 8 tháng đầu năm 2019 với 251 triệu USD. Từ vị trí thứ hai trong các thị trường nhập khẩu hải sản Việt Nam, sau "thẻ vàng", EU đã tụt xuống đứng thứ 5 và tỷ trọng của thị trường sụt giảm từ 18% xuống 13%.
Do bị ảnh hưởng, các DN đã tìm nhiều cách xoay xở, duy trì đưa mặt hàng xuất khẩu chủ lực vào thị trường này. Mặt hàng xuất khẩu chủ lực cá tra sang EU cũng đáng lo ngại. Tính đến hết tháng 8/2019, tổng giá trị XK cá tra sang thị trường EU đạt 174,3 triệu USD, tăng 8,8% so với năm trước. Trong đó, 4 thị trường nhập khẩu đơn lẻ lớn nhất là Hà Lan giảm 8,3%, Anh tăng 28,9%, Đức tăng 33,3% và Bỉ tăng 26% so với cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, so với hai quý đầu năm, bắt đầu từ tháng 5/2019, tốc độ tăng trưởng XK tại một số thị trường lớn tại EU đã chậm lại. Hiện nay, một số doanh nghiệp XK cá tra vẫn duy trì sản phẩm cá tra giá trị gia tăng và organic sang Hà Lan, Đức. Đây là những sản phẩm có giá nhập khẩu trung bình cao hơn so với sản phẩm cá tra phile đông lạnh truyền thống.
Bà Nguyễn Thị Thu Sắc, Phó Chủ tịch VASEP, Chủ tịch Ủy ban Hải sản VASEP cho rằng, cả Chính phủ, bộ, ngành và doanh nghiệp hải sản đã nỗ lực hết sức mình trong việc chống khai thác IUU. Đến nay đã có 62 doanh nghiệp hải sản cam kết chống khai thác IUU bằng việc tuân thủ nguyên tắc chỉ thu mua hải sản từ những tàu đánh bắt có đầy đủ giấy phép, nhật ký khai thác và chứng nhận của cảng cá.
Tuy nhiên, vẫn khó xác định thời gian lấy lại "thẻ xanh" vào EU cho hải sản Việt Nam do những bất cập trong quản lý hoạt động khai thác, đánh bắt và ý thức tuân thủ của ngư dân chưa cao.
Theo bà Nguyễn Thị Thu Sắc, quy định tất cả tàu đánh bắt xa bờ phải gắn thiết bị định vị và giám sát hành trình hiện nay đang gặp nhiều khó khăn, một phần từ kinh phí mua thiết bị, phần khác là do ngư dân chưa ý thức được trách nhiệm của mình trong việc tuân thủ chống khai thác IUU. Hơn nữa, việc quản lý thông tin truy xuất nguồn gốc hải sản chưa được thực hiện đồng bộ do chưa có phần mềm cập nhật thông tin từ tàu cá đến cảng, doanh nghiệp thu mua.
Đại diện chi cục thủy sản các địa phương cũng cho rằng, việc khắc phục "thẻ vàng" IUU thời gian tới cần tập trung vào việc tuyên truyền trong cộng đồng ngư dân, chủ vựa về các hoạt động khai thác bất hợp pháp, trong việc ghi và nộp nhật ký khai thác; bổ sung công cụ và chế tài hợp lý đối với các trường hợp không tuân thủ. Đồng thời, cần sớm nâng cấp cơ sở dữ liệu quốc gia về tàu cá, ngư cụ khai thác, vùng khai thác, cảng cá, sản lượng nguyên liệu hải sản, doanh nghiệp thu mua, chứng nhận khai thác để việc giám sát tuân thủ pháp luật quốc gia, quốc tế đạt được hiệu quả tối đa...