Doanh nghiệp vượt khủng hoảng đại dịch: Không bỏ trứng vào một giỏ!
Tại tọa đàm "Chia sẻ kinh nghiệm vượt "bão" Covid-19 và những đề xuất từ các doanh nghiệp" do báo Người Lao động vừa tổ chức, nhiều doanh nghiệp bằng thực tế vượt khó của mình đã có những chia sẻ hết sức cho ý nghĩa, trở thành bài học cho nhiều doanh nghiệp có cùng hoàn cảnh đang tìm cách để vượt qua khó khăn do ảnh hưởng từ dịch bệnh.
Là doanh nghiệp du lịch, chịu ảnh hưởng nặng nề do dịch bệnh, ông Phan Xuân Anh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Du ngoạn Việt, cho hay một trong những bí quyết được ông thực hiện từ nhiều năm qua là "không bỏ trứng vào một giỏ".
Ông Phan Xuân Anh cho biết, để ứng phó với đại dịch, Công ty ngay lập tức chuyển đổi cơ cấu dòng khách từ phổ thông sang phân khúc khách cao cấp. Doanh nghiệp trước đây chuyên phục vụ khách quốc tế, nhưng khi thị trường này đóng cửa đã chuyển sang đào tạo thêm cho cán bộ nhân viên để tập trung phục vụ khách nội địa tốt hơn.
"Như tour trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, khách đi tour chuyển sang các nhóm nhỏ từ 4-6-8 người, ngồi trên thuyền được nghe nhạc, có phần ăn riêng… Hay một resort 5 sao của chúng tôi ở Tiền Giang sau chuyển đổi vẫn tiếp tục đón du khách, đến giờ này lượng khách đặt phòng thường xuyên hơn" – ông Phan Xuân Anh nói.
Một doanh nghiệp khác trong ngành du lịch cũng đã có những chia sẻ về những giải pháp xoay sở để hoạt động trong bối cảnh dịch bệnh căng thẳng. Ông Trần Văn Long, Tổng giám đốc Công ty Du lịch Việt cho biết, đại dịch khiến công ty điêu đứng, từ hơn 1.000 nhân sự cho các chuỗi lữ hành, nhà hàng, khách sạn… chỉ còn vài chục người.
"Mỗi ngày, từng nhân sự nghỉ việc. Để cầm cự, chúng tôi phải bán từng cái nhà, bán từng chiếc xe… nhưng dịch vẫn tiếp diễn nên bài toán ứng phó là không dễ. Mục tiêu làm cách nào để nhân viên có việc làm, không phải nghỉ việc trở thành cốt lõi. Vậy là chúng tôi làm thêm việc bán dưa hấu giải cứu, bán nước rửa tay, bán gạo… nhưng cũng không dễ. Sau đó, một công ty khác của chúng tôi là Ecom Net trước đây chỉ chuyên đầu tư nay được tập trung cho hoạt động khác là sản xuất khẩu trang" - ông Trần Văn Long nói.
Lĩnh vực xuất nhập khẩu cũng là một trong những lĩnh vực chịu tác động nặng nề nhất của dịch Covid-19. Đã có hàng nghìn doanh nghiệp trong lĩnh vực này phải tạm ngừng hoạt động trong suốt thời gian qua do các thị trường xuất nhập khẩu của Việt Nam đều đang phải có những biện pháp đối phó với sự lây lan của dịch bệnh.
Ông Nguyễn Đình Tùng, Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Xuất nhập khẩu Vina T&T chia sẻ, khi dịch Covid-19 bùng phát đợt đầu và tập trung chủ yếu từ Trung Quốc, những thị trường xuất khẩu của chúng tôi hầu như chưa ảnh hưởng, không tránh khỏi tư tưởng chủ quan. Tuy nhiên, sớm nhận ra tác động của đại dịch đã lan tới toàn cầu và đằng sau doanh nghiệp là hàng ngàn hộ nông dân, lãnh đạo Vina T&T đã nhanh chóng có giải pháp ứng phó.
"Câu hỏi nếu dịch bệnh xảy ra ở những thị trường xuất khẩu của công ty thì sẽ như thế nào? Không thể bán hàng ở nội địa và cũng không chuyển hướng sang Trung Quốc được. Lúc đó, tôi suy nghĩ phải gặp gỡ nông dân, nói họ hy sinh, tạm thời điều chỉnh để không cho ra trái và họ rất đồng cảm, chấp nhận. Tôi cũng tin rằng thời điểm đầu bùng phát dịch, có thể các thị trường ngưng nhập khẩu nhưng nếu sống chung lâu dài, họ vẫn phải tiêu thụ để phục vụ nhu cầu. Rất may là mọi việc đã đi đúng hướng" - ông Tùng kể.
Mặc dù đã nhanh nhạy trong việc tìm giải pháp vượt khó nhưng hầu hết các doanh nghiệp hiện vẫn đang gặp khó khăn trong việc tìm nguồn vốn để tiếp tục trụ vững và phát triển. Ngân hàng Nhà nước đã hạ lãi suất điều hành nhiều lần trong năm để giảm lãi vay cho doanh nghiệp nhưng thực tế, thời gian qua rất ít doanh nghiệp tiếp cận được lãi suất giảm. Do vậy, để thực sự "cứu" doanh nghiệp lúc này, nhiều kiến nghị cho rằng, Ngân hàng Nhà nước cần cố gắng đưa lãi suất hợp lý đến tay doanh nghiệp như là một giải pháp tiếp sức trong giai đoạn khó khăn.