Đốc thúc tiêm vaccine phòng cúm gia cầm

Tuấn Linh Thứ năm, ngày 15/09/2022 17:00 PM (GMT+7)
Trước nguy cơ tái xuất hiện, bùng phát dịch cúm gia cầm (CGC), nhiều tỉnh, thành phố đã và đang chỉ đạo, đốc thúc việc tiêm vaccine phòng bệnh cho đàn gia cầm của địa phương.
Bình luận 0

Đốc thúc tiêm vaccine phòng cúm gia cầm

Theo Sở NNPTNT Lai Châu, việc triển khai tiêm phòng vaccine CGC tạo miễn dịch chủ động cho đàn gia cầm của các huyện, thành phố còn chưa đảm bảo theo yêu cầu của công tác phòng chống dịch (từ đầu năm đến tháng 6/2022 mới triển khai tiêm được 92.750 liều vaccine tại 3 huyện Phong Thổ, Sìn Hồ và TP.Lai Châu). 

Bên cạnh đó, điều kiện thời tiết phức tạp làm ảnh hưởng đến sự sinh trưởng, phát triển của vật nuôi tạo nguy cơ bùng phát dịch bệnh CGC cũng như sự xâm nhiễm của chủng virus CGC mới vào địa bàn tỉnh trong thời gian tới là rất cao.

Đốc thúc tiêm vaccine phòng cúm gia cầm - Ảnh 1.

Tiêm vaccine phòng chống bệnh CGC cho đàn gia cầm của hộ nuôi ở xã Thanh Vân, huyện Tam Dương (Vĩnh Phúc). Ảnh: Thế Hùng

Do đó, UBND tỉnh Lai Châu vừa ban hành Công văn số 2101/UBND-KTN về việc triển khai các biện pháp phòng, chống bệnh CGC trên địa bàn tỉnh Lai Châu. Tỉnh yêu cầu UBND các huyện, thành phố khẩn trương chỉ đạo rà soát, tổ chức tiêm vaccine CGC phòng bệnh cho đàn gia cầm trên địa bàn tỉnh 2 đợt/năm theo kế hoạch: Tỷ lệ tiêm phòng đảm bảo đạt tối thiểu 80% diện tiêm trở lên tại khu vực có ổ dịch cũ, địa bàn có nguy cơ cao (thị trấn, thị tứ, trung tâm các xã, nơi chăn nuôi tập trung, nơi có trục đường giao thông chính, khu vực biên giới...). Các khu vực khác, tỷ lệ tiêm phòng đạt ít nhất từ 70% diện tiêm trở lên.

Theo Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến, hiện ở các địa phương vẫn xuất hiện các ổ dịch CGC nhỏ lẻ, ở các hộ chăn nuôi chưa tiêm vaccine cho đàn gia cầm. Do đó, các địa phương vẫn phải chú trọng việc tiêm vaccine cho đàn gia cầm, triển khai các nội dung của kế hoạch quốc gia phòng, chống bệnh CGG.

Tại Thanh Hóa, theo báo cáo của Sở NNPTNT, tính đến ngày 5/5/2022, toàn tỉnh đã triển khai tiêm vaccine CGC cho 5.429.800 con, đạt 90,05% diện tiêm.

Trước diễn biến phức tạp của dịch CGC và nguy cơ bùng phát trên địa bàn, ngành nông nghiệp đã phối hợp chặt chẽ với các huyện, thị xã, thành phố để giám sát, đôn đốc việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch; nhất là tại một số huyện có số lượng đàn gia cầm lớn như Yên Định, Vĩnh Lộc, Thọ Xuân... 

Trong đó, chú trọng đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn người dân chủ động giám sát gia cầm có biểu hiện bị bệnh, nghi bị bệnh, kịp thời phát hiện, báo cáo chính quyền, cơ quan thú y và triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Tổ chức rà soát tổng đàn gia cầm để thực hiện tiêm phòng vaccine CGC.

Đại diện Phòng Quản lý dịch bệnh (Sở NNPTNT) Ninh Thuận cho hay, Sở đã triển khai kế hoạch tiêm phòng bệnh CGC cho gia súc, gia cầm đợt 1/2022 trên địa bàn tỉnh với chỉ tiêu tiêm phòng đạt 80% tổng đàn. Kết quả, đã tiêm vaccine phòng CGC cho gà đạt 868.725 con/959.400 con, đạt 90,55% kế hoạch; trên vịt cho 584.136 con/543.400 con, đạt 107,5% kế hoạch.

Để tiếp tục tạo miễn dịch chủ động cho đàn vật nuôi, sau kết thúc tiêm phòng đợt 1/2022, Sở NNPTNT Ninh Thuận đã đề nghị UBND các huyện, thành phố chỉ đạo các phòng, trạm liên quan phối hợp UBND cấp xã tiếp tục tiêm phòng bổ sung cho đàn gia súc, gia cầm mới phát sinh, tái đàn, chưa được tiêm phòng trong đợt 1/2022 và thực hiện kê khai chăn nuôi trong quý III/2022 để chuẩn bị cho việc xây dựng kế hoạch tiêm phòng đợt 2/2022 tại các địa phương.

Lãnh đạo Sở NNPTNT Lào Cai cho biết, nguy cơ dịch bệnh CGC xảy ra trên địa bàn tỉnh là rất cao, do tổng đàn gia cầm lớn (hơn 5 triệu con), nhưng chủ yếu là chăn nuôi nhỏ lẻ, chưa đảm bảo yêu cầu vệ sinh thú y, an toàn dịch bệnh, nhiều đàn gia cầm chưa được tiêm vaccine phòng bệnh. 

Vì vậy, Sở NNPTNT vừa đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung chỉ đạo các cơ quan chuyên môn cấp huyện và chính quyền cấp xã tăng cường giám sát dịch bệnh trên đàn gia cầm; đẩy nhanh tiến độ tiêm phòng kỳ I/2022 trên đàn gia súc, gia cầm, thực hiện tiêm phòng triệt để, nhất là khu vực ổ dịch cũ, trang trai, hộ chăn nuôi số lượng lớn tại các huyện Bảo Thắng, Bảo Yên, TP.Lào Cai, các xã vùng thấp huyện Bát Xát, Bắc Hà. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem