Đời sống người dân Hiệp Đức ở Quảng Nam khấm khá nhờ kinh tế vườn rừng

Trần Hậu - Đoàn Hồng Thứ bảy, ngày 01/10/2022 11:55 AM (GMT+7)
Là huyện miền núi, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, song đến nay qua chặng đường hơn 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM), huyện Hiệp Đức đã đạt nhiều thành tựu quan trọng, cơ sở hạ tầng được đầu tư khang trang, nhất là đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng cao.
Bình luận 0

"Đòn bẩy" từ đầu tư hạ tầng

Ông Nguyễn Ngọc Hoàng Việt – Phó Chủ tịch UBND huyện Hiệp Đức cho biết: Bước vào thực hiện Chương trình NTM, mức độ đạt chuẩn các tiêu chí ở các xã của huyện Hiệp Đức là rất thấp. Xã đạt cao nhất chỉ là 2 tiêu chí, từ thực trạng đó, trên cơ sở các văn bản hướng dẫn của Trung ương, tỉnh về thực hiện NTM, huyện đã ban hành nhiều văn bản quan trọng để lãnh đạo, điều hành thực hiện chương trình và đã đạt được nhiều kết quả ấn tượng.

Quảng Nam: Đời sống người dân Hiệp Đức khấm khá nhờ phát huy lợi thế kinh tế vườn rừng - Ảnh 1.

Hạ tầng được đầu tư đồng bộ, nhất là giao thông giúp cho huyện miền núi Hiệp Đức (Quảng Nam) thay "áo mới". Ảnh: Trần Hậu.

Hiệp Đức xác định đầu tư cơ sở hạ tầng là bước đi mang tính đột phá trong xây dựng NTM. Những năm qua, Hiệp Đức huy động mọi nguồn lực để xây dựng hạ tầng, nhất là giao thông, từ đó đã tạo được sự khớp nối giữa các vùng, giao thương đi lại thuận lợi đã "kích thích" sự phát triển toàn diện kinh tế - xã hội cho địa phương.

Quảng Nam: Đời sống người dân Hiệp Đức khấm khá nhờ phát huy lợi thế kinh tế vườn rừng - Ảnh 2.

Đại diện lãnh đạo huyện Hiệp Đức chia sẻ với phóng viên Dân Việt. Ảnh: Trần Hậu.

Sau hơn 10 năm thực hiện chương trình huyện Hiệp Đức có 5 xã về đích NTM gồm: Bình Lâm, Quế Thọ, Hiệp Thuận, Hiệp Hòa, Bình Sơn; bình quân tiêu chí đạt 15,2 tiêu chí/xã và không có xã dưới 10 tiêu chí. Huyện Hiệp Đức phấn đấu đến năm 2025 có thêm 3 xã đạt chuẩn NTM gồm Quế Lưu, Thăng Phước và Sông Trà (lũy kế đến năm 2025 là 8 xã).

"Những kết quả mà huyện Hiệp Đức đạt được hôm nay là thành quả từ những nỗ lực rất lớn của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện nhà trong suốt chặng đường xây dựng NTM đã qua. Chúng tôi sẽ tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được và sẽ quyết tâm xây dựng quê hương Hiệp Đức ngày càng đi lên…", ông Nguyễn Ngọc Hoàng Việt – Phó Chủ tịch UBND huyện Hiệp Đức cho hay.

Đổi thay ấn tượng nhất của Hiệp Đức hôm nay là diện mạo nông thôn đã có những chuyển biến rõ nét: Hệ thống tổ chức thực hiện từ huyện đến cơ sở được thiết lập, kiện toàn; ngoài ra nhận thức đến việc làm trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là vai trò chủ thể của người dân được thể hiện.

Các công trình thiết yếu phục vụ sản xuất, dân sinh, các thiết chế văn hóa được tập trung đầu tư xây dựng ngày một khang trang và đồng bộ. Đến nay, đã bê tông hóa 49,83km, sửa chữa, xây mới 3 cây cầu, 72 cống với tổng kinh phí hỗ trợ 30,793 tỷ đồng; kiên cố hóa 18,832km kênh mương và 7 đập với tổng kinh phí hỗ trợ 23,085 tỷ đồng.

Quảng Nam: Đời sống người dân Hiệp Đức khấm khá nhờ phát huy lợi thế kinh tế vườn rừng - Ảnh 3.

Trường học tại Hiệp Đức được xây dựng khang trang. Ảnh: Trần Hậu.

Xây mới 7 nhà văn hóa xã, 41 nhà văn hóa thôn, 50 khu thể thao xã, thôn, 2 khu vui chơi cho người già và trẻ em với tổng kinh phí hỗ trợ 30,616 tỷ đồng; xây dựng 37 phòng học, tường rào, cổng ngõ, mương thoát nước với tổng kinh phí hỗ trợ 18,259 tỷ đồng.

Ông Việt cho hay, Chương trình NTM đã giúp cho Hiệp Đức "thay áo mới", nhất là đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng cao; tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội ổn định; hệ thống chính trị được củng cố kiện toàn…

Giai đoạn 2021-2025 huyện Hiệp Đức đề ra mục tiêu có thêm ít nhất 3 xã đạt chuẩn NTM (lũy kế 8 xã); có ít nhất 1 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; có 50% số thôn đạt chuẩn thôn NTM kiểu mẫu. Bình quân chung số tiêu chí đạt chuẩn NTM trên địa bàn huyện là 18,2 tiêu chí/xã và không còn xã đạt dưới 15 tiêu chí.

Để đạt được mục tiêu đó, Hiệp Đức sẽ tiếp tục tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền tạo sự đồng thuận xã hội trong xây dựng NTM, đẩy mạnh phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân; Thực hiện tốt công tác quy hoạch, đẩy mạnh phát triển các ngành công nghiệp, ngành nghề dịch vụ, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn.

Quảng Nam: Đời sống người dân Hiệp Đức khấm khá nhờ phát huy lợi thế kinh tế vườn rừng - Ảnh 4.

Hiệp Đức xác định giao thông là bước đi mang tính đột phá phát triển toàn diện kinh tế - xã hội. Ảnh: Trần Hậu.

Bên cạnh đó, tập trung huy động nguồn lực, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng xây dựng NTM; Năng động, sáng tạo vận dụng các cơ chế, chính sách xây dựng phát triển NTM; Nâng cao chất lượng giáo dục, y tế và các hoạt động văn hóa, thông tin, thể thao.

Thực hiện tốt công tác chính sách và đảm bảo an sinh xã hội; Tăng cường quốc phòng an ninh; Nâng cao năng lực, hiệu quả hệ thống chính trị các cấp, tiếp cận pháp luật; Bảo vệ môi trường và cải tạo cảnh quan nông thôn....

Kinh tế vườn rừng tạo bứt phá cho Hiệp Đức

Ông Nguyễn Tấn Nghiệp – Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Hiệp Đức cho biết, song song với xây dựng hạ tầng đồng bộ, Hiệp Đức cũng đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, triển khai các dự án, mô hình phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa theo Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp; khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Đồng thời, huyện luôn tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở kinh doanh, doanh nghiệp hoạt động.

Quảng Nam: Đời sống người dân Hiệp Đức khấm khá nhờ phát huy lợi thế kinh tế vườn rừng - Ảnh 5.

Kinh tế vườn rừng là điểm sáng trong phát triển kinh tế huyện Hiệp Đức. Ảnh: Trần Hậu.

Thời gian qua, triển khai thực hiện cơ chế hỗ trợ phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại, huyện đã hỗ trợ cho 313 vườn với kinh phí hỗ trợ gần 2,6 tỷ đồng. Đầu tư, hỗ trợ có 31 vườn có thu nhập trên 50 triệu đồng/năm, có nhiều mô hình kinh tế vườn cho hiệu quả kinh tế cao như mô hình kinh tế vườn rừng của hộ anh Hồ Văn Thám (xã Sông Trà); mô hình trồng keo của hộ anh Hồ Văn Xanh (xã Phước Gia)…

Quảng Nam: Đời sống người dân Hiệp Đức khấm khá nhờ phát huy lợi thế kinh tế vườn rừng - Ảnh 6.

Anh Hồ Văn Thám ở xã Sông Trà, huyện Hiệp Đức, tỉnh Quảng Nam đã xây dựng được mô hình kinh tế vườn rừng cho hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Trần Hậu.

Bình quân giá trị thu nhập từ kinh tế vườn trên địa bàn huyện đạt hơn 17,5 triệu đồng/vườn/năm. Đến nay, toàn huyện có 4.774 vườn với tổng diện tích khoảng 769,22ha, số lượng được cải tạo, chỉnh trang 3.387 vườn, số vườn có tiềm năng phát triển làm du lịch khoảng 18 vườn.

Về giá trị thu nhập, số vườn có thu nhập trên 100 triệu đồng/năm có 38 vườn, vườn có thu nhập từ 50-100 triệu đồng/năm có 91 vườn, vườn có thu nhập dưới 50 triệu đồng/năm có 1.810 vườn và 1.448 vườn đã cải tạo còn lại đang trong thời kỳ kiến thiết cơ bản, chưa có thu nhập.

Ông Nghiệp cho biết thêm, kinh tế trang trại cũng đang là điểm sáng của Hiệp Đức, toàn huyện có 365 trang trại (237 trang trại lâm nghiệp, 124 trang trại tổng hợp, 1 trang trại chăn nuôi, 2 trang trại thuỷ sản và 1 trang trại cây hồ tiêu) với tổng diện tích 3.871ha.

Quảng Nam: Đời sống người dân Hiệp Đức khấm khá nhờ phát huy lợi thế kinh tế vườn rừng - Ảnh 7.

Hiệp Đức đã phát huy lợi thế kinh tế vườn rừng để nâng cao thu nhập cho người dân. Ảnh: Trần Hậu.

Chúng tôi đến thăm mô hình kinh tế vườn rừng của anh Hồ Văn Thám (người đồng bào Ca Dong) ở thôn Trà Huỳnh, xã Sông Trà, huyện Hiệp Đức, anh Thám là một tấm gương điển hình về làm kinh tế giỏi tại địa phương.

Anh Thám chia sẻ: Năm 2014, từ nguồn vốn tích góp được và vay thêm Ngân hàng Chính sách xã hội, vợ chồng anh đầu tư trồng 3ha keo, đến năm 2018 anh thu hoạch keo được hơn 100 triệu đồng; số tiền trên anh sử dụng sửa chữa lại nhà cửa, trang bị đồ dùng gia đình và trở thành hộ thoát nghèo.

Nhận thấy hiệu quả từ mô hình nên năm 2020 anh tiếp tục mở rộng quy mô trang trại, đến nay gia đình anh đã có gần 5ha keo, 5 con bò và đàn dê hơn 30 con, cùng ao nuôi cá.

"Với mô hình kinh tế vườn rừng như thế này, mỗi năm tôi thu nhập hơn 150 triệu đồng, nhờ đó mà cuộc sống gia đình đã khá giả hơn trước rất nhiều, nuôi con ăn học, xây dựng được ngôi nhà mới khang trang...", anh Thám phấn khởi nói.

Quảng Nam: Đời sống người dân Hiệp Đức khấm khá nhờ phát huy lợi thế kinh tế vườn rừng - Ảnh 8.

Mô hình kinh tế tổng hợp của anh Hồ Văn Sư ở thôn Trà Huỳnh, xã Sông Trà, huyện Hiệp Đức, tỉnh Quảng Nam cho lãi hơn 170 triệu đồng/năm. Ảnh: Trần Hậu.

Quảng Nam: Đời sống người dân Hiệp Đức khấm khá nhờ phát huy lợi thế kinh tế vườn rừng - Ảnh 9.

Thời gian tới, anh Sư dự định mở rộng quy mô trang trại để nâng cao thu nhập. Ảnh: Trần Hậu.

Một mô hình khác hiệu quả không kém đó là mô hình kinh tế trang trại tổng hợp của anh Hồ Văn Sư ở thôn Trà Huỳnh, xã Sông Trà, huyện Hiệp Đức. Anh Sư chia sẻ: Để nâng cao thu nhập, năm 2020 anh đã vay 150 triệu đồng từ ngân hàng để mở rộng quy mô trang trại, chủ yếu cải tạo vườn cao su, trồng keo, nuôi heo và gà. Trước đây vợ chồng anh chăn nuôi nhỏ lẻ, ngoài ra còn làm các công việc tự do khác, cuộc sống chỉ đủ ăn. 

"Được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương và các hội đoàn thể, đến nay mô hình kinh tế trang trại của gia đình tôi đã cho thu nhập hơn 170 triệu đồng/năm. Giờ đây gia đình đã có thu nhập ổn định, có của ăn của để. Tôi đang dự tính mở rộng thêm chuồng trại để nuôi heo đen, đặc sản miền núi huyện Hiệp Đức để nâng cao thu nhập cho gia đình…", anh Sư vui mừng nói.

Điều đáng mừng là những năm qua, không chỉ có hộ anh Hồ Văn Thám; Hồ Văn Sư mà có hàng nghìn hộ dân trên địa bàn huyện Hiệp Đức đã phát huy lợi thế về phát triển kinh tế vườn rừng, xây dựng được các mô hình kinh tế mới, cho thu nhập cao. Nhờ đó đời sống của người dân tại các vùng nông thôn ở huyện miền núi được nâng lên.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem