Đối tác lớn của Apple lên kế hoạch sản xuất iPhone tại Việt Nam
Theo nguồn tin từ Bloomberg, Tập đoàn Pegatron của Đài Loan – một đối tác lắp ráp lớn của Apple đang lên kế hoạch thành lập cơ sở sản xuất tại Việt Nam.
Pegatron được biết đến là nhà sản xuất và lắp ráp iPhone lớn thứ hai sau Foxconn, chiếm khoảng 30% tổng số đơn hàng iPhone của Apple. Pegatron trước đó từng có ý định mở nhà máy mới ở Việt Nam, tuy nhiên quyết định này đã được thay đổi. Pegatron đã đầu tư 300 triệu USD để xây dựng hai nhà máy mới tại Indonesia.
Hiện tại, Pegatron lại đang có ý định mở nhà máy mới tại Việt Nam và lên kế hoạch tìm kiếm địa điểm xây dựng nhà máy sản xuất mới ở phía Bắc Việt Nam. Trước đó, Pegatron cũng đã thuê một cơ sở sản xuất riêng ở thành phố Hải Phòng. Bút cảm ứng stylus cho điện thoại thông minh của Samsung Electronics cũng được được Pegatron sản xuất tại đây.
Ngoài Pegatron, hai nhà máy lắp ráp iPhone khác của Apple là Wistron và Hon Hai đang mở rộng các cơ sở sản xuất hoặc xây dựng thêm nhà máy tại Việt Nam. Tuy nhiên, cả 3 nhà sản xuất hiện chưa sản xuất iPhone tại Việt Nam cũng như không có kế hoạch thực hiện điều này.
Đầu năm ngoái, Goertek một hãng lắp ráp tai nghe AirPods của Apple đã đầu tư 260 triệu USD để xây dựng nhà máy tại Khu công nghiệp Quế Võ (Bắc Ninh).
Foxconn – một trong những nhà sản xuất thiết bị điện tử lớn nhất trên thế giới cũng đã đầu tư vào Việt Nam kể từ tháng 3/2007 để xây dựng nhiều nhà máy lớn tại các tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh và một số tỉnh thành khác. Các nhà máy này chủ yếu gia công thiết bị, linh kiện điện tử và một trong những sản phẩm sản xuất nổi bật của Apple là tai nghe Apple Earpods.
Hai đối tác lắp ráp khác của Apple là Compal Electronics và Luxshare Precision Industry cũng có mặt tại Việt Nam.
Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung kéo dài đã khiến cho các nhà máy sản xuất tại Trung Quốc lâm nguy, phá hoại chuỗi cung ứng toàn cầu hàng thập kỷ, đẩy các nhà sản xuất buộc phải tìm kiếm các cơ sở sản xuất khác bên ngoài Trung Quốc để thay thế.
Mặc dù chính phủ hai nước đã ký thỏa thuận thương mại giai đoạn một, tuy nhiên việc đa dạng hóa chuỗi cung ứng vẫn rất cần thiết trong chiến lược dài hạn do căng thẳng khó có thể giảm bớt hoàn toàn và chi phí lao động đang leo thang ở Trung Quốc.
Việt Nam là một trong số những quốc gia được hưởng lợi hàng đầu từ làn sóng dịch chuyển nhà máy từ Trung Quốc sang Việt Nam do các vấn đề liên quan đến thuế quan.