Đơn Dương, Lâm Đồng: Dồn nhiều nguồn lực công tư phục vụ giảm nghèo

Thùy Anh Thứ năm, ngày 16/03/2023 08:44 AM (GMT+7)
Là huyện còn nhiều khó khăn, nhiều năm qua, huyện Đơn Dương (Lâm Đồng) đã có những giải pháp hiệu quả để thực hiện giảm nghèo, trở thành huyện kiểu mẫu, đạt nhiều thành tựu trong công tác giảm nghèo của tỉnh Lâm Đồng.
Bình luận 0

Hơn 17,8 tỷ đồng giảm nghèo bền vững

Thống kê trong 5 năm vừa qua, huyện Đơn Dương đã thực hiện hơn 17,8 tỷ đồng lồng ghép các nguồn vốn giảm nghèo bền vững trên địa bàn. Trong đó, gần 14,8 tỷ đồng hỗ trợ UBND các xã, thị trấn đầu tư xây dựng mới 58 công trình, duy tu bảo dưỡng 4 công trình.

Đồng thời hỗ trợ hơn 3 tỷ đồng đầu tư, nhân rộng mô hình phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế cho 322 hộ nghèo và hộ cận nghèo thuộc 14 thôn đặc biệt khó khăn. Huyện đã xây dựng được nhiều mô hình điểm về phát triển kinh tế giảm nghèo bền vững như: Mô hình chăn nuôi bò sữa giảm nghèo; mô hình nông nghiệp công nghệ cao… huyện đang phấn đấu trở thành huyện nông thôn mới kiểu mẫu.

giảm nghèo đơn dương

Mô hình nuôi bò sữa cho thu nhập cao, giúp giảm nghèo bền vững tại Đơn Dương. Ảnh: NN

Ngoài ra, huyện Đơn Dương đã tổ chức 6 lớp tập huấn công tác truyền thông về giảm nghèo, thu hút trên 900 cán bộ cấp xã, thôn, tổ dân phố và hộ nghèo, hộ cận nghèo tham gia.

Đến nay hệ thống truyền thông thông tin của huyện Đơn Dương đạt 100% xã, thôn phủ sóng phát thanh truyền hình; 100% xã có trạm truyền thanh không dây; 100% thôn có loa truyền thanh. Đặc biệt, 35/35 thôn đồng bào dân tộc thiểu số có mạng internet, nhà sinh hoạt cộng đồng…

Phấn đấu tỷ lệ hộ nghèo giảm mỗi năm bình quân từ 0,05 - 0,06%

Ông Trần Hùng Dũng - Phó chủ tịch UBND huyện Sơn Dương (Lâm Đồng) cho biết, để tiếp tục triển khai công tác giảm nghèo bền vững, huyện đã ban hành kế hoạch số 487 tháng 3/2022 Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn huyện Đơn Dương.

Trước đó, huyện đã ban hành Kế hoạch số 1510/KH-UBND ngày 01/9/2021 về việc rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo cuối năm 2021. Kết quả rà soát toàn huyện có 41 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 0,17% so với tổng số hộ dân cư. trong đó đồng bào dân tộc thiểu số 24 hộ chiếm tỷ lệ 0,37%.

Theo Nghị quyết số 07/2021/QĐ-CP ngày 27/1/2021 của Chính phủ về việc Quy định chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022 – 2025 thi thu nhập của hộ nghèo ở khu vực nông thôn: 1.500.000 đồng/người/tháng; hộ nghèo ở khu vực thành thị: 2.000.000 đồng/người/tháng. Ngoài ra hộ nghèo là hộ có các tiêu chí thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản như: việc làm; y tế; giáo dục; nhà ở; nước sinh hoạt và vệ sinh; thông tin. Trong đó, các chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản (12 chỉ số), gồm: việc làm; người phụ thuộc trong hộ gia đình; dinh dưỡng; bảo hiểm y tế; trình độ giáo dục của người lớn; tình trạng đi học của trẻ em; chất lượng nhà ở; diện tích nhà ở bình quân đầu người; nguồn nước sinh hoạt; nhà tiêu hợp vệ sinh; sử dụng dịch vụ viễn thông; phương tiện phục vụ tiếp cận thông tin.

"Thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo; hỗ trợ người nghèo, tiếp cận với việc làm tăng thu nhập, đảm bảo cuộc sống. Đồng thời giúp họ xóa nghèo ở các tiêu chí thông tin, y tế; giáo dục; nước sạch...", ông Dũng nói.

Toàn huyện phấn đấu tới năm 2025, tỷ lệ hộ nghèo giảm hàng năm từ 0,05-0,06%/năm, trong đó tỷ lệ hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số giảm từ 0,09-0,1%/năm. Đảm bảo nguồn vốn cho 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ thoát nghèo đủ điều kiện, có nhu cầu vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh; phấn đấu 100% người nghèo trong độ tuổi lao động, có nhu cầu học nghề được hỗ trợ đào tạo nghề, tập huấn và định hướng nghề nghiệp, được ưu tiên giới thiệu việc làm để có việc làm ổn định, tăng thu nhập. 

Xác định mục tiêu 100% cán bộ làm công tác giảm nghèo được bồi dưỡng, tập huấn kiến thức, kỹ năng cơ bản về quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình, chính sách, dự án giảm nghèo. Giải quyết cơ bản các chỉ tiêu mức độ thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản - Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 cùng với hệ thống chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội góp phần giải quyết mức độ thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản.

Đơn Dương giảm nghèo

Ngày càng có nhiều mô hình giảm nghèo nhờ phát triển kinh tế nông nghiệp theo chuỗi giá trị. Ảnh: NN

Đặc biệt chương trình cũng đặt mục tiêu 100% người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo có nhu cầu được hỗ trợ kết nối, tư vấn, định hướng nghề nghiệp, cung cấp thông tin thị trường lao động, hỗ trợ tìm việc làm; Người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, vùng khó khăn được hỗ trợ kết nối việc làm thành công...

"Để giảm nghèo địa phương sẽ chú trọng tới việc xây dựng, phát triển mô hình sinh kế, làm kinh tế, ví dụ như sản xuất nông nghiệp chuỗi giá trị, nuôi bò sinh sản; sản xuất rau an toàn... để nâng cao thu nhập cho bà con, cùng với đó tăng cường các nguồn lực công tư phát huy vai trò của các tổ chức đoàn thể, tổ chức... vào giảm nghèo bền vững cho người dân", ông Dũng nói.                                       

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem