Động cơ nào khiến chính phủ Nhật Bản sẵn sàng chi tiền rút doanh nghiệp khỏi Trung Quốc?
Doanh nghiệp Nhật Bản di cư, Bắc Kinh quan ngại
Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Nhật Bản. Do đó, làn sóng dịch Covid-19 bùng phát đầu tiên ở Trung Quốc rõ ràng đã mang đến những tác động trực tiếp làm gián đoạn nghiêm trọng chuỗi cung ứng. Đó là nguyên nhân khiến chính phủ Nhật Bản lên tiếng kêu gọi các doanh nghiệp đa dạng hóa chuỗi cung ứng bằng cách rời Trung Quốc trở về nước hoặc sang các thị trường khác.
“Đại dịch Covid-19 đã khiến các sản phẩm từ Trung Quốc ít đến được Nhật Bản. Chúng ta đều đang lo lắng về chuỗi cung ứng trong nước” - Thủ tướng Shinzo Abe nhấn mạnh. “Chúng ta nên cố gắng di chuyển dây chuyền sản xuất các mặt hàng có giá trị gia tăng cao trở về Nhật Bản. Với các sản phẩm khác, chúng ta nên đa dạng hóa chuỗi cung ứng tại các quốc gia như các nước ASEAN”.
Trong số 87 doanh nghiệp rời Trung Quốc, 57 doanh nghiệp dự kiến trở về Nhật Bản và 30 doanh nghiệp còn lại sẽ mở rộng sản xuất ở các nước Đông Nam Á như Việt Nam, Myanmar và Thái Lan. Khoảng 70% trong đó đều là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, với 2/3 số doanh nghiệp đang hoạt động trong mảng sản xuất thiết bị vật tư y tế.
Nguồn tin từ các quan chức Nhật Bản với tờ Nikkei Asian Review cho hay nước này đang soạn danh sách thứ hai về các công ty nhận trợ cấp rời Trung Quốc cũng với điều kiện tương tự như danh sách đầu tiên.
87 công ty Nhật Bản vừa nhận trợ cấp để rời Trung Quốc chỉ chiếm chưa đầy 1% tổng vốn đầu tư từ Nhật Bản vào Trung Quốc, tức là tác động kinh tế sẽ không đến ngay lập tức hoặc lớn đáng kể. Nhưng chính quyền Bắc Kinh đang quan ngại nếu xu hướng này tiếp tục, nó có thể làm lung lay nền tảng tăng trưởng của Trung Quốc trong dài hạn, đe dọa sự phát triển của một số cơ sở công nghiệp trong nước và chảy máu dòng vốn FDI.
Một khảo sát thực hiện bởi Teikoku Databank, nhà nghiên cứu tín dụng hàng đầu của Nhật Bản cho thấy tính đến cuối tháng 5/2019, trước thời điểm thương chiến Mỹ Trung leo thang có 13.685 công ty Nhật Bản đang hoạt động tại Trung Quốc. Con số này đã giảm so với đợt cao điểm năm 2012, thời điểm có 14.394 công ty Nhật Bản hoạt động tại thị trường tỷ dân.
Nhưng hàng loạt căng thẳng địa chính trị cùng đại dịch Covid-19 đã thúc đẩy hàng loạt doanh nghiệp Nhật Bản dịch chuyển sang các quốc gia khác như Việt Nam.
Một số doanh nghiệp sản xuất máy in của Nhật Bản bao gồm Brother, Kyocera và Fuji Xerox rời Trung Quốc để sang Việt Nam. Sharp cũng lên kế hoạch chuyển một phần dây chuyền sản xuất máy in đa chức năng từ tỉnh Giang Tô, Trung Quốc sang Thái Lan.
Liu Zhibiao, giáo sư kinh tế công nghiệp tại Đại học Nam Kinh, Giang Tô; đồng thời là một thành viên cố vấn chính phủ Trung Quốc cho hay chính quyền địa phương đang ngày càng lo ngại về những cuộc di cư của doanh nghiệp Nhật Bản, điều có thể khơi dậy làn sóng di cư cho hàng loạt công ty nước ngoài đang hoạt động tại đây. “Tại Giang Tô, chúng tôi đang chứng kiến xu hướng các doanh nghiệp Nhật Bản di dời hàng loạt. Chúng tôi hiểu động thái của chính phủ Nhật Bản (kêu gọi các doanh nghiệp rời Trung Quốc), đặc biệt là sau đại dịch Covid-19” - ông Liu cho hay.
Động cơ nào khiến chính phủ Nhật Bản đưa doanh nghiệp di cư?
Động thái của Nhật Bản đến trong bối cảnh quan hệ Mỹ - Trung tồi tệ bậc nhất mọi thời đại. Với một số nhà quan sát, việc chính phủ Nhật Bản khuyến khích doanh nghiệp rút khỏi Trung Quốc được coi là động thái gia nhập với Washington trong một mặt trận thống nhất chống lại Bắc Kinh.
Tuy nhiên, ông Scott Kennedy, một chuyên gia về Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (Washington) nhận định: “Thay vì cắt đứt quan hệ (với Bắc Kinh), mục tiêu của Tokyo chỉ là đa dạng hóa chuỗi cung ứng, hạn chế sự phụ thuộc vào Trung Quốc, đồng thời khuyến khích sản xuất mở rộng trong nước để kích thích nền kinh tế đang chậm lại.
Ông Hideo Kawabuchi, phó tổng giám đốc Tổ chức Ngoại thương Nhật Bản (JETRO) cũng nhận định mục đích chính của các khoản trợ cấp di dời của chính phủ Nhật Bản là đa dạng hóa chuỗi cung ứng cho các doanh nghiệp, củng cố sức mạnh của chuỗi cung ứng chứ không phải tập trung rút khỏi thị trường Trung Quốc. “Chính sách này không bắt buộc, quyết định di dời hoàn toàn phụ thuộc vào các công ty”.
Một cuộc khảo sát được JETRO thực hiện hồi tháng 4 với 424 doanh nghiệp Nhật Bản có trụ sở tại miền Đông Trung Quốc cho thấy 86% số doanh nghiệp được hỏi không có kế hoạch di dời sang các nước khác. Tại miền Nam Trung Quốc, chỉ có 8,6% trong số 361 doanh nghiệp Nhật Bản được hỏi cho biết sẽ giảm quy mô hoạt động tại Trung Quốc trong khi 69,1% đang theo dõi các diễn biến tiếp theo của môi trường thương mại toàn cầu và chưa đưa ra quyết định.
Thực tế, các nhà quản lý doanh nghiệp Nhật Bản quyết định di dời trong nỗ lực đa dạng hóa chuỗi cung ứng để giảm thiểu rủi ro gián đoạn nguồn cung trong trường hợp khủng hoảng không lường trước được như đại dịch Covid-19 vừa qua.