Ngày càng nhiều DN Nhật Bản rút khỏi Trung Quốc, ông Tập vội buông "lời mật ngọt" giữ chân

03/08/2020 14:34 GMT+7
Những lời ngợi khen các doanh nghiệp Nhật Bản của chính quyền ông Tập Cận Bình có vẻ như là một phần của chiến dịch giữ chân dòng vốn khi nhiều đại công ty hưởng ứng lời kêu gọi rời Trung Quốc của Thủ tướng Abe.
Ông Tập nói "lời mật ngọt" với DN Nhật Bản khi ngày càng nhiều công ty rút khỏi Trung Quốc - Ảnh 1.

Chính quyền Bắc Kinh đang quan ngại về làn sóng doanh nghiệp Nhật Bản rời Trung Quốc

Tại một hội nghị chuyên đề hồi tháng 7 qua, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã ngợi ca nhà sáng lập tập đoàn điện tử Nhật Bản Panasonic là người có tầm nhìn, sánh vai với những nhà sáng chế nổi tiếng nhân loại như Thomas Edison. "Konosuke Matsushita không chỉ là một nhà quản lý tài ba, mà còn là một chuyên gia sáng chế” - ông Tập Cận Bình tuyên bố.

Đáng lưu ý, nhà sáng lập Panasonic là một trong bảy doanh nhân được Bắc Kinh trưng cầu ý kiến về việc cuộc khủng hoảng đại dịch Covid-19 đã tàn phá nền kinh tế như thế nào. Trước đó, ông Matsushita đã gặp nhà lãnh đạo tối cao Trung Quốc Đặng Tiểu Bình vào năm 1978 và ra mắt liên doanh đầu tiên tại Trung Quốc gần một thập kỷ sau đó, năm 1987.

Chỉ hai ngày sau khi ông Tập ngợi ca Konosuke Matsushita, Thứ trưởng Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin của Trung Quốc Xin Guobin cũng khuyến khích các phóng viên đến thăm Toyota Motor của Nhật Bản để chứng kiến cách tập đoàn này liên tục đổi mới và nâng cao chất lượng sản phẩm.

Những lời ngợi khen đến trong bối cảnh Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe hồi tháng 4 kêu gọi các tập đoàn Nhật Bản dịch chuyển về nước hoặc đa dạng hóa chuỗi cung ứng sang các quốc gia khác, tránh phụ thuộc quá nhiều vào thị trường Trung Quốc. “Đại dịch Covid-19 đã khiến các sản phẩm từ Trung Quốc ít đến được Nhật Bản. Chúng ta đều đang lo lắng về chuỗi cung ứng trong nước” - ông Abe cho hay. “Chúng ta nên cố gắng di chuyển dây chuyền sản xuất các mặt hàng có giá trị gia tăng cao trở về Nhật Bản. Với các sản phẩm khác, chúng ta nên đa dạng hóa chuỗi cung ứng tại các quốc gia như các nước ASEAN”. 

Trong bối cảnh căng thẳng Mỹ Trung leo thang và đại dịch Covid-19 đang làm nổi bật rủi ro từ việc quá phụ thuộc vào chuỗi cung ứng từ Trung Quốc, các doanh nghiệp Nhật Bản đang làm theo lời kêu gọi của Thủ tướng Abe. Cho đến giữa tháng 7, theo Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản, đã có 87 công ty trong nước đủ điều kiện nhận khoản trợ cấp tổng cộng 70 tỷ JPY (653 triệu USD) để chuyển dây chuyền sản xuất từ Trung Quốc về quê hương hoặc sang các quốc gia Đông Nam Á khác như Việt Nam.

Và những lời ngợi khen các công ty Nhật Bản của chính quyền ông Tập Cận Bình có vẻ như là một phần của chiến dịch giữ chân dòng vốn. Nguồn tin của tờ Nikkei Asian Review từ Bộ Công nghiệp & Công nghệ Thông tin Trung Quốc cho hay: “Khi các nhà lãnh đạo Bắc Kinh đối mặt với căng thẳng Mỹ Trung, ưu tiên chính của họ là xây dựng chuỗi cung ứng Trung Quốc không bị Washington chặn đứng… Trong nỗ lực đó, điều quan trọng là hợp tác với các công ty Nhật Bản, những doanh nghiệp lớn mạnh trong lĩnh vực sản xuất”.

Nhiều doanh nghiệp Nhật Bản đã xiêu lòng. “Trung Quốc đang phục hồi nhanh chóng từ đại dịch Covid-19, điều đó thúc đẩy doanh số bán hàng tăng lên. Chúng tôi không thể xây dựng một chiến lược tăng trưởng mà không có thị trường Trung Quốc. Nhưng đồng thời, chúng tôi cũng muốn tránh khỏi nguy cơ bị Mỹ đưa vào tầm ngắm” - đại diện cấp cao của một công ty Nhật Bản có trụ sở tại Bắc Kinh cho hay.

Trong khi đó, nhiều công ty Mỹ vẫn tiếp tục đổ tiền vào Trung Quốc. Trong một cuộc điện đàm với Bí thư Thượng Hải Li Qiang hồi đầu năm nay, CEO Tesla Elon Musk hứa hẹn sẽ mở rộng đầu tư vào thành phố Trung Quốc này và đẩy nhanh tốc độ nội địa hóa sản xuất. Intel Capital, công ty liên doanh của nhà sản xuất chip Intel (Mỹ) hồi tháng 5 cũng tiết lộ đã đầu tư vào 3 công ty khởi nghiệp Trung Quốc. Qualcomm Ventures, bộ phận đầu tư mạo hiểm của nhà sản xuất chip Qualcomm (Mỹ) cũng hành động tương tự khi rót vốn vào 3 doanh nghiệp Trung Quốc là Redtea Mobile, Tensor Technology và Dalongyun.

Tất nhiên, chính quyền Tổng thống Trump sau đó đã lên tiếng thể hiện sự không hài lòng khi nhiều doanh nghiệp Mỹ đầu tư vào Trung Quốc. “Các đại công ty công nghệ Mỹ đang biến mình thành những con tốt để Trung Quốc nâng tầm ảnh hưởng” - Tổng chưởng lý Mỹ William Barr nói trong một bài phát biểu hồi tháng 7.

Nhưng ở góc nhìn doanh nghiệp, họ phải chịu trách nhiệm với các cổ đông. CEO phụ trách khu vực Trung Quốc của một doanh nghiệp Mỹ cho hay: “Chúng tôi sẽ tránh các giao dịch liên quan đến sản phẩm và dịch vụ gây tổn hại cho an ninh quốc gia và rủi ro chính trị. Chúng tôi sẽ tìm cách kiếm lợi nhuận ở cả hai quốc gia”.

Đại diện một công ty châu Âu hoạt động tại thị trường Trung Quốc cũng đưa ra quan điểm tương tự: “Chúng tôi có kinh nghiệm làm ăn với cả hai bên trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Chúng tôi sẽ tìm cách tối đa hóa lợi nhuận nhưng vẫn tuân thủ luật pháp và quy định."


Thùy Dung
Cùng chuyên mục