Đóng góp của doanh nghiệp FDI vào GDP gấp đôi tư nhân

03/11/2020 08:44 GMT+7
Theo TS. Nguyễn Thị Luyến – Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), đóng góp của doanh nghiệp tư nhân vào GDP rất hạn chế dưới 10% giai đoạn 2011-2019 trong khi tỷ trọng của khu vực FDI trong GDP đã tăng lên trên 20%.

Đóng góp của doanh nghiệp FDI vào GDP gấp đôi tư nhân - Ảnh 1.

TS Nguyễn Thị Luyến

Doanh nghiệp tư nhân đã ghi được dấu ấn

Khu vực doanh nghiệp tư nhân trong nước ngày càng phát triển cả về số lượng và quy mô, phủ rộng hầu hết các ngành, lĩnh vực, địa bàn. Đã có những doanh nghiệp tư nhân lớn. Trong danh mục 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam năm 2019, có tới 291 doanh nghiệp tư nhân (con số này năm 2016 là 263).

Còn theo danh sách "100 công ty đại chúng lớn nhất" do Forbes Việt Nam công bố vào cuối năm 2019, top 10 ghi nhận dấu ấn của khối doanh nghiệp tư nhân khi chiếm đến 5/10 vị trí. Trong nhóm 20 cổ phiếu có vốn hóa vượt mức 1 tỷ USD tính đến ngày 17/7/2020 thì có 13 mã cổ phiếu thuộc doanh nghiệp tư nhân.

Theo đánh giá của TS Nguyễn Thị Luyến – Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), doanh nghiệp tư nhân đã và đang tham gia đầu tư xây dựng các công trình lớn, thay đổi diện mạo đất nước. Đặc biệt, một số tập đoàn kinh tế tư nhân đã và đang góp phần làm mới "chân dung" đất nước như Sungroup với sân bay Vân Đồn, Vingroup với Vinfast, THACO,…

"Doanh nghiệp tư nhân đã tham gia vào những lĩnh vực trước đây độc quyền nhà nước như hàng không với Vietjet Air, Bamboo Airway đã làm cho thị trường cạnh tranh hơn và đông đảo người dân được hưởng lợi" – TS Nguyễn Thị Luyến nhấn mạnh.

Nhiều doanh nghiệp tư nhân lớn đã thực hiện nhiều công trình lớn, phức hợp về xây dựng, bất động sản, cầu cảng, sân bay, đóng góp quan trọng cho phát triển đất nước, đặc biệt làm thay đổi bộ mặt hạ tầng như sân bay Vân Đồn, hầm đường bộ Đèo Cả, hầm Hải Vân, cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, cầu Bạch Đằng...

Đặc biệt, có những doanh nghiệp tư nhân đã thực hiện đầu tư ra nước ngoài với quy mô vốn ngày càng tăng. Theo báo cáo đầu tư ra nước ngoài năm 2019, có 2 doanh nghiệp tư nhân đầu tư ra nước ngoài với vốn đăng ký vượt 1 tỉ USD, gồm Công ty cổ phần Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai cùng với Công ty cổ phần ôtô Trường Hải (THACO) và Công ty cổ phần Golf Long Thành. Bên cạnh đó, số lượng dự án quy mô vừa và nhỏ tăng dần.

Cần tạo không gian phát triển

Mặc dù được đánh giá đã có những bước phát triển, từng bước khẳng định vai trò trong cơ cấu các loại hình doanh nghiệp, song doanh nghiệp tư nhân còn bộc lộ rất nhiều hạn chế.

Đóng góp của doanh nghiệp FDI vào GDP gấp đôi tư nhân - Ảnh 3.

Theo TS Nguyễn Thị Luyến, đóng góp của doanh nghiệp tư nhân vào GDP rất hạn chế (dưới 10%) và hầu như ít được cải thiện trong suốt thời gian qua, đặc biệt giai đoạn 2011-2019 dù số lượng doanh nghiệp tăng nhanh. Trong khi đó, cùng giai đoạn 2011-2019, tỷ trọng của khu vực FDI trong GDP đã tăng gần 5% (từ 15,66% lên 20,34%).

Doanh nghiệp tư nhân hầu hết có quy mô nhỏ. Có thể nói doanh nghiệp Việt Nam thiếu vắng lực lượng doanh nghiệp quy mô vừa và lớn, đặc biệt là các doanh nghiệp lớn, có tầm quốc tế.

"Trong khi đó, cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển các doanh nghiệp tư nhân quy mô lớn chưa được chú trọng, vẫn có sự phân biệt đối xử giữa các loại hình kinh doanh, làm cho doanh nghiệp không lớn được, thậm chí không muốn lớn" – TS. Luyến nói.

Đáng chú ý, hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp tư nhân chưa cao. Hiệu suất sinh lời khá thấp. Các chỉ số tỷ suất lợi nhuận trước thuế của doanh nghiệp tư nhân đều thấp hơn nhiều so với mức chung của toàn khu vực doanh nghiệp, của DNNN và doanh nghiệp FDI.

Bình quân giai đoạn 2016-2018, tỷ suất lợi nhuận trước thuế trên tài sản của doanh nghiệp tư nhân chỉ đạt 1,6%, thấp hơn mức chung của toàn bộ doanh nghiệp (gần 2,7%). Tỷ suất sinh lời thấp ảnh hưởng đến khả năng tự tích lũy và mở rộng quy mô của khu vực kinh tế tư nhân.

Cùng với đó năng suất lao động xã hội của doanh nghiệp tư nhân ở mức khá thấp. Trung bình giai đoạn 2011-2018, năng suất lao động xã hội của doanh nghiệp tư nhân chỉ bằng khoảng 30% của DNNN và khoảng 40% của doanh nghiệp FDI. Riêng năm 2018, năng suất lao động xã hội của doanh nghiệp tư nhân đã được cải thiện rõ rệt nhưng cũng chỉ bằng 40% của DNNN và 70% của doanh nghiệp FDI.

Trước thực trạng còn quá nhiều hạn chế của doanh nghiệp tư nhân, theo đại diện CIEM, muốn phát huy vai trò doanh nghiệp tư nhân cần tạo không gian phát triển, tạo cơ hội cho kinh tế tư nhân, đặc biệt doanh nghiệp tư nhân khai thác, sử dụng nguồn lực quốc gia phân bổ lại từ khu vực kinh tế nhà nước cho phát triển.

"Tiếp tục đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp mà nhà nước không cần nắm giữ vốn, giảm tối đa mức nắm giữ cổ phần nhà nước. Việc cổ phần hóa, thoái vốn sẽ giúp tạo không gian cho doanh nghiệp tư nhân khai thác, sử dụng các nguồn lực thoái lui từ khu vực kinh tế nhà nước (ngành, lĩnh vực kinh doanh, vốn, tài nguyên, nhân lực, thị trường...)" – bà Luyến cho hay.

Đồng thời nhấn mạnh: "Cần đẩy mạnh hơn nữa tốc độ cải cách, cắt giảm và minh bạch hơn nữa các thủ tục hành chính, cắt giảm chi phí đối với hoạt động sản xuất kinh doanh. Bên cạnh đó, hoàn thiện khung pháp luật và chính sách đào thải doanh nghiệp yếu kém, đặc biệt chính sách về phá sản, để các doanh nghiệp có năng suất thấp dễ dàng thoái lui khỏi thị trường, dễ dàng quay vòng vốn, tái đầu tư mới.

Đức Minh
Cùng chuyên mục