Dự án “ngâm” đất ven biển, dân khổ sở, chủ đầu tư đòi kiện ra tòa

Dũ Tuấn Thứ tư, ngày 03/10/2018 16:33 PM (GMT+7)
Không có chuyện ồ ạt thi công không phép như các địa phương khác, nhưng việc dự án du lịch ven biển ở tỉnh Bình Định được “trải thảm đỏ” vẫn không chịu triển khai đã gây lãng phí tài nguyên và tạo ra những hệ lụy rất lớn đối với đời sống người dân, bức xúc trong dư luận. Trớ trêu thay, khi chính quyền địa phương ra quyết định thu hồi dự án thì liền bị chủ đầu tư phản ứng gay gắt, khởi kiện đến tòa án quốc tế.
Bình luận 0

Lấp 12ha biển, hậu quả khó lường

Hình thành cách đây hàng trăm năm, thiên nhiên bồi đắp tạo nên bãi biển Quy Nhơn thơ mộng, rất giống “vầng trăng khuyết” hấp dẫn du khách tứ phương. Từ khi chính quyền cho phép doanh nghiệp đổ đất, đá san lấp lấn biển làm dự án rồi bỏ hoang, bãi biển này đã mất đi một phần vẻ đẹp tự nhiên vốn có.

Cách đây 5 năm, để phục vụ xây dựng Khu du lịch Hải Giang (xã Nhơn Hải, TP.Quy Nhơn), UBND tỉnh Bình Định đã đồng ý để một doanh nghiệp lấn biển Quy Nhơn khu vực Mũi Tấn (phường Hải Cảng) với mục đích ban đầu là xây cáp treo. Từ tháng 10.2013, nhà đầu tư đã triển khai thi công san lấp mặt bằng, ồ ạt đổ đất đá lấn biển với diện tích rộng hơn 12ha. Trái với sự mong đợi, sau khi hoàn thành việc lấn biển, nhà đầu tư đã không triển khai xây dựng công trình như dự kiến. Đặc biệt, vành đai xung quanh khu đất lấp biển không có chân kè kiên cố, đất đá chài tự do ra biển, khiến người dân bất bình.

img

Khu đất san lấp lấn biển Quy Nhơn lên đến hơn 12ha nhưng đến nay vẫn bỏ trống. Ảnh: Dũ Tuấn

Trong khi đó, dọc bãi biển từ khu vực lấn biển đoạn Mũi Tấn đến tượng đài Chiến Thắng liên tục xuất hiện tình trạng nước biển đục ngầu gần bờ, màu đen kéo thành vệt dài tấp vào bờ. Trả lời Dân Việt, ông Ngô Hoàng Nam, Chủ tịch UBND TP.Quy Nhơn cho rằng, nguyên nhân chính là do bùn hữu cơ lắng đọng theo các sông đổ về khiến nước biển bị đục, bãi biển xuất hiện vệt đen kéo dài.

“Cái này một phần cũng liên quan đến dự án đổ đất lấn biển trước đây, đổ đất nhưng nhiều năm rồi chưa triển khai xây dựng. Tỉnh đang cho kiểm tra và nhờ đơn vị tư vấn đánh giá lại, tính phương án nạo vét thành vòng cung để dòng chảy đưa bùn ra ngoài vì khu đất đã chặn dòng chảy không đưa bùn trong bờ ra được. Chúng tôi giao nhiệm xử lý rác cho công ty môi trường, còn bùn thì rất khó vì xuất hiện theo dòng chảy, cần giải pháp lâu dài”, ông Nam nói.

Theo Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định, trong số 12ha đất đá đã san lấp, đơn vị tư vấn đã đề xuất giữ lại 6,4ha để làm công viên, còn lại nạo vét khoảng 5,8ha sát mép biển. Lên phương án xây dựng hệ thống bờ kè dọc theo khu vực nạo vét để khắc phục hiện tượng bùn đen xuất hiện trên biển. Tuy nhiên, phương án này cần chỉnh sửa lại một số điểm chưa hợp lý, trước khi được phê duyệt triển khai.

img

Gần đây, các vệt bùn đen liên tục xuất hiện gân bờ ở biển Quy Nhơn gần khu đất lấn biển. Ảnh: Dũ Tuấn

Dân khổ sở, lãnh đạo chưa quyết được?

Còn tại vị trí “đắc địa” ven biển thôn Vĩnh Hội (xã Cát Hải, huyện Phù Cát), dự án Khu du lịch Khách sạn nghỉ dưỡng Vĩnh Hội do Công ty TNHH MTV Du lịch và Khách sạn Việt - Mỹ làm chủ đầu tư có diện tích 300 ha, tổng vốn đầu tư 4.000 tỉ đồng (tương đương 250 triệu USD), tiến độ xây dựng từ năm 2006-2014. Thế nhưng, đến nay công tác bồi thường giải phóng mặt bằng vẫn chưa hoàn thành, dự án không thể triển khai theo đúng kế hoạch.

Theo người dân, sự chậm trễ này gây ảnh hưởng rất lớn đến đời sống sản xuất, khiến bức xúc kéo dài, nhiều nỗi khổ phải chịu đựng hàng chục năm, kêu trời không thấu. Tại buổi đối thoại mới đây với người dân Vĩnh Hội (26.9), rất nhiều ý kiến bức xúc được đặt ra nhưng ông Nguyễn Phi Long, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định vẫn chưa thể đưa ra câu trả lời, thời điểm chính xác dự án sẽ tái khởi động trở lại.

“Người dân đã mất đi cái quyền lợi hợp pháp vốn được nhà nước bảo hộ vì dự án Vĩnh Hội bị “treo” quá lâu. Vì vậy, khi dự án mới có thì dân đồng tình nhưng giờ ai cũng bức xúc. Dân với dân cũng có mâu thuẫn, dân với cán bộ địa phương càng mâu thuẫn hơn, giờ nói chẳng ai nghe nữa”, ông Võ Hữu Đức, Bí thư chi bộ thôn Vĩnh Hội bức xúc.

img

Sau hơn 10 năm, dự án Khu du lịch Khách sạn nghỉ dưỡng Vĩnh Hội không triển khai đúng tiến độ. Ảnh: Dũ Tuấn

Ông Phạm Ngọc Trình, Bí thư Huyện ủy Phù Cát cũng bày tỏ sự bất bình trước việc dự án chậm trễ kéo dài 13 năm, khiến cuộc sống người dân rơi vào cảnh khổ sở.

“Mọi nơi khác đều phát triển nhưng riêng thôn Vĩnh Hội thì chẳng phát triển gì cả, đời sống, điều kiện dân sinh, công trình phúc lợi, cơ sở hạ tầng không được xã đầu tư vì chúng tôi cứ nghĩ đây là khu vực dự án. Nhiều gia đình có ba đến bốn thế hệ phải ở chung nhà, ngôi nhà chỉ khoảng 30m2 mà có 4 đến 5 cặp vợ chồng, con cháu thì họ phải sống làm sao? Người dân lâm cảnh “chết dở, sống dở”, tới đây cần phải giải quyết việc tái định cư, đất ở cho họ, khi đó mới yên dân được”, ông Trình lên tiếng.

img

Khi bị thu hồi dự án Khu du lịch Khách sạn nghỉ dưỡng Vĩnh Hội, chủ đầu tư đòi kiện ra tòa án quốc tế. Ảnh: Dũ Tuấn

Theo ông Phan Viết Hùng, Phó trưởng Ban Quản lý khu kinh tế tỉnh Bình Định nguyên nhân chính khiến dự án chậm tiến độ là chi phí giải phóng mặt bằng rất lớn, trong khi đó ngân sách tỉnh quá khó khăn, chủ đầu tư lại không chịu hợp tác vì năng lực yếu.

“Khi tỉnh đề nghị nhà đầu tư ứng tiền để giải phóng mặt bằng họ không đáp ứng. Vì thế, tỉnh tạm giao trước 130ha để họ nộp tiền thuế đất với số tiền 37 tỷ, họ không đủ khả năng chi trả. Cuối năm 2015, Ban đã ra quyết định thu hồi nhưng rà soát lại cơ sở pháp lý, tỉnh phải đàm phám xây dựng lại tiến độ dự án. Sau nhiều lần nhà đầu tư thất hứa, Ban tiếp tục ra quyết định thu hồi thì bị họ khởi kiện ra tòa quốc tế vì đây là nhà đầu tư nước ngoài, tỉnh dự định theo kiện nhưng vì nhiều lý do khác nhau, sắp tới cần phải đàm phán lại”, ông Hùng thông tin.

img

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Phi Long: "Đã có rất nhiều bài học kinh nghiệm cho UBND tỉnh trong việc lựa chọn, đánh giá năng lực của nhà đầu tư". Ảnh: Dũ Tuấn

Ngày 26.6, Văn phòng Chính phủ có văn bản thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Trương Hòa Bình về giải quyết tranh chấp với Công ty Việt Mỹ. Theo đó, Phó thủ tướng giao UBND tỉnh Bình Định khẩn trương kiểm tra, xử lý các nội dung liên quan đến tranh chấp đầu tư của Công ty Việt Mỹ, không để xảy ra khiếu kiện quốc tế. Do vậy, UBND tỉnh Bình Định đã chỉ đạo cơ quan cấp dưới khẩn trương thực hiện biện pháp theo chỉ đạo của Phó thủ tướng.

“Đã có rất nhiều bài học kinh nghiệm cho UBND tỉnh trong việc lựa chọn, đánh giá năng lực của nhà đầu tư. Lãnh đạo tỉnh tiếp tục đàm phán lần thứ 2 một cách cương quyết với nhà đầu tư về dự án Vĩnh Hội để sớm có câu trả lời cho người dân. Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh ngay trong tháng 10 phải lên được phương án giải quyết tái định cư tại chỗ hay di dời đến khu tái định cư tại xã Cát Tiến đối với những người dân bị ảnh hưởng”, ông Nguyễn Phi Long, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định yêu cầu.

img

Ông Hồ Quốc Dũng - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định: "Lòng dân không yên nên tỉnh phải dừng lại để nghe dân nói". Ảnh: Dũ Tuấn.

Doanh nghiệp lấp biển, lòng dân không yên

Ông Hồ Quốc Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định thừa nhận, việc địa phương đồng ý để doanh nghiệp san lấp lấn biển Quy Nhơn khu vực Mũi Tấn là điều tồn tại khiến người dân bất bình từ nhiều năm trước mà chính quyền đang cố gắng giải quyết.

“Thời điểm đó, phải cho nhà đầu tư làm khoảng 200 căn biệt thự ở khu vực Mũi Tấn thì họ mới thực hiện dự án bên Hải Giang, tỉnh đang rất cần nhà đầu tư lớn để tạo đột phá du lịch, cuối cùng phải chấp nhận để họ làm. Nhưng khi làm thì lòng dân không yên dẫn đến xích mích, người dân không đồng ý việc này nên tỉnh phải dừng lại, cân nhắc nghe dân nói, đánh giá kỹ để đưa giải pháp phù hợp, quy hoạch lại không cho làm biệt thự nữa. Nếu bây giờ đỗ lỗi trách nhiệm cho “ông này, ông kia” thì cũng không được gì vì thực tế bối cảnh lúc đó là như vậy. Khi làm có những cái đúng, cái sai và biết sai phải nhận khuyết điểm để chỉnh sửa, chứ không ai tư lợi gì trong việc này cả?”, ông Dũng khẳng định.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem