Dự án Trung tâm điện khí LNG Hải Lăng gần 54.000 tỷ đồng có 4 “ông lớn” đầu tư
Sáng 8/10, ông Phạm Ngọc Minh - Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Quảng Trị cho biết, tối qua tại Hà Nội, Ban này vừa trao quyết định chủ trương đầu tư dự án Trung tâm điện khí LNG Hải Lăng, giai đoạn 1. Đồng thời, chấp thuận nhà đầu tư dự án Trung tâm điện khí LNG Hải Lăng, giai đoạn 1 có công suất 1.500 MW, tổng mức đầu tư gần 54.000 tỷ đồng cho tổ hợp các nhà đầu tư: Tập đoàn T&T Group, Công ty Cổ phần Năng lượng Hanwha, Tổng Công ty điện lực Nam Hàn Quốc và Tổng Công ty khí Hàn Quốc.
Theo quyết định chủ trương đầu tư, Trung tâm điện khí LNG Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị là dự án hợp tác đầu tư giữa một tập đoàn kinh tế tư nhân hàng đầu Việt Nam với tiềm lực kinh tế vững mạnh và 3 doanh nghiệp Hàn Quốc uy tín hàng đầu trong lĩnh vực năng lượng tại châu Á, trong đó T&T Group góp vốn đầu tư 40% và 3 doanh nghiệp còn lại góp 60% vốn đầu tư vào dự án năng lượng trọng điểm của tỉnh Quảng Trị.
Dự án nằm ở địa phận hai xã Hải An và Hải Ba, huyện Hải Lăng có quy mô hơn 120 ha, thuộc Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị, giai đoạn 1 sẽ xây dựng trung tâm kho cảng LNG Hải Lăng, công suất tiếp nhận 1,5 triệu tấn LNG/năm và Trung tâm điện lực Hải Lăng có công suất phát điện 1.500 MW.
Tại lễ trao quyết định chủ trương đầu tư dự án Trung tâm điện khí LNG, ông Đỗ Quang Hiển - Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn T&T Group đại diện các nhà đầu tư cho biết, Quảng Trị là địa phương có sức hấp dẫn với nhiều nhà đầu tư lớn nhờ môi trường đầu tư thuận lợi, cơ chế thông thoáng.
Dự án Trung tâm điện khí LNG Hải Lăng mang tầm quốc tế với giá trị phát triển bền vững, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, góp phần vào nguồn năng lượng sạch quốc gia cũng như ngân sách cho Quảng Trị và thúc đẩy kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam.
Ông Võ Văn Hưng - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho biết, lễ trao quyết định chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư dự án là mốc son quan trọng khởi đầu cho dự án Trung tâm điện khí LNG Hải Lăng.
Ông Hưng đề nghị tổ hợp các nhà đầu tư, Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh, các Sở, ngành và địa phương tích cực phối hợp để làm việc với các Bộ, ngành Trung ương hoàn thiện các thủ tục theo quy định để sớm khởi công triển khai thực hiện dự án bảo đảm đúng mục tiêu, tiến độ, hiệu quả.
Được biết, Hanwha Energy là công ty năng lượng trực thuộc Tập đoàn Hanwha, 1 trong 10 tập đoàn lớn nhất Hàn Quốc và nằm trong top 500 tập đoàn kinh tế lớn nhất thế giới. Còn KOSPO được thành lập tháng 2/2001, sau khi tách ra từ Công ty Điện lực Hàn Quốc (KEPCO) - công ty hàng đầu của Hàn Quốc trong lĩnh vực nhiệt điện, điện gió. Tập đoàn KOGAS hiện là nhà nhập khẩu LNG độc lập lớn nhất thế giới. Còn Tập đoàn T&T đã được biết đến từ lâu, và nay đang đẩy mạnh đầu tư năng lượng. Bầu Hiển cho biết, theo kế hoạch, trong 10 năm tới năng lực cung cấp điện của T&T Group (LNG và năng lượng tái tạo) dự kiến sẽ đạt khoảng 10.000 – 11.000 MW, chiếm khoảng 8% tổng công suất lắp đặt các nguồn điện của hệ thống điện Việt Nam.