Chủ tịch Techcombank "bật mí" về IPO TCBS
“Đánh giá ban đầu từ các nhà đầu tư là rất tích cực, cho thấy họ nhìn nhận cao tiềm năng và vị thế của công ty. Tuy nhiên, các thông tin cụ thể hơn tôi xin phép chưa thể công bố vào lúc này. Dù vậy, hy vọng trong thời gian tới, chúng tôi sẽ có thể chính thức thông tin đến quý cổ đông”, ông Hồ Hùng Anh chia sẻ.

Về thời điểm IPO, theo Chủ tịch Techcombank, dự kiến thực hiện trong năm nay, có thể vào cuối năm. Tuy nhiên, điều này còn phụ thuộc rất lớn vào điều kiện thị trường tài chính, yếu tố đối ứng quốc tế cũng như việc nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam.
“Chúng tôi đã chuẩn bị nhiều kịch bản khác nhau và đã thuê các đơn vị tư vấn chuyên nghiệp để sẵn sàng cho việc này”, ông nói.
Vị Chủ tịch của Techcombank cũng lưu ý thêm rằng, vấn đề quan trọng hơn nữa là sau khi phát hành thành công, việc sử dụng nguồn vốn thu về như thế nào để đảm bảo hiệu quả đầu tư và duy trì tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) cao, cũng là một bài toán mà chúng tôi phải tính toán kỹ lưỡng.
“Bên cạnh việc tạo giá trị cho ngân hàng, chúng tôi cũng phải
cân nhắc đến quyền lợi của các cổ đông và sự phát triển bền vững trong dài hạn”,
ông nói.
Liên quan đến tính năng kiểm thử danh mục của TCBS hiện chỉ
cho tái cân bằng theo tháng. Câu hỏi đặt ra, liệu có thể rút ngắn chu kỳ này xuống
theo tuần để tối ưu hóa hơn cho nhà đầu tư? TCBS có kế hoạch mở rộng API (giao
diện lập trình ứng dụng) kết nối với các phần mềm như AmiBroker, Metastock
không, tương tự như một số công ty khác như SSI, BSC? Chính sách margin của
TCBS có gì khác biệt giữa các nhóm khách hàng?
Ông Nguyễn Xuân Minh, Chủ tịch TCBS cho rằng, một số ý kiến đóng góp, đặc biệt là góp ý về việc thử nghiệm tính năng tại TCInvest, là rất đáng giá. Sau tháng 5, TCBS sẽ triển khai một số tính năng mới theo tuần, nhằm phục vụ tốt hơn cho nhà đầu tư có nhu cầu giao dịch ngắn hạn.
“Hiện nay, chúng tôi đang tập trung nguồn lực để ra mắt một nền tảng giao dịch quan trọng. Đặc biệt, chúng tôi sẽ mở rộng các tính năng API cho nhà đầu tư có nhu cầu giao dịch tự động, thông qua thuật toán hay robot. Thực ra những công nghệ này đã được phát triển từ lâu, nhưng trước đây chỉ cung cấp giới hạn cho một số nhà đầu tư chọn lọc. Sắp tới, chúng tôi sẽ linh hoạt hơn, tuy nhiên vẫn phải kiểm soát chặt chẽ để tránh ảnh hưởng đến thanh khoản hoặc sự ổn định thị trường”, ông Minh nói.

Cũng theo ông Minh, phí giao dịch, mức 0,03% mà một số nhà đầu tư đề cập thực chất không phải là phí do TCBS thu, mà là khoản thu hộ cho Sở Giao dịch. Đối với giao dịch tại TCBS hiện nay, cổ đông sẽ thấy mức phí đã được tối ưu hóa.
Về lãi suất margin, TCBS áp dụng chính sách giá theo từng nhóm khách hàng, dựa trên mức độ gắn bó và lịch sử giao dịch. Ví dụ, có những khách hàng đã đồng hành với Techcombank và TCBS nhiều năm được hưởng lãi suất margin chỉ 9,5%, thấp hơn nhiều so với mặt bằng chung.
“Chúng tôi mong muốn xây dựng quan hệ lâu dài, để từ đó nhà đầu tư có thể hưởng thêm nhiều quyền lợi và ưu đãi theo thời gian”, ông nhấn mạnh.
Ngoài ra, TCBS cũng cung cấp các công cụ giúp nhà đầu tư tối ưu phần tiền nhàn rỗi khi chưa sử dụng để đầu tư, giúp dòng tiền được vận hành hiệu quả hơn.
Tại sao TCBS không cung cấp margin cho cổ phiếu TCB, trong khi đây là cổ phiếu nền tảng của Techcombank và nhiều CTCK khác vẫn cấp margin?
Ông Minh nêu rõ: Việc TCBS không cho vay margin và chuyển khoản trực tiếp sang Techcombank, điều này là do quy định pháp lý. Theo luật hiện hành, các công ty con, công ty liên kết không được thực hiện cho vay margin với ngân hàng mẹ hoặc các tổ chức liên quan.
Thậm chí, TCBS cũng không được phép vay bất kỳ khoản nào từ Techcombank, mà buộc phải huy động vốn từ các ngân hàng, tổ chức tín dụng khác trên thị trường. Điều này cũng là một biện pháp đảm bảo minh bạch, tránh xung đột lợi ích trong hệ sinh thái.