Dự báo 2 triệu người Indonesia nhiễm Covid-19, Đông Nam Á có nguy cơ thành ổ dịch tiếp theo

12/04/2020 14:38 GMT+7
Mô hình toán học được xây dựng bởi Pandu Riono, một nhà dịch tễ học tại Đại học Indonesia và các đồng nghiệp của ông gần đây chỉ ra rằng có thể 2 triệu người Indonesia đã nhiễm virus corona, nhưng chỉ 2% trong số đó được phát hiện.

Evawangi, một bác sĩ tại bệnh viện ngoại ô Jakarta, Indonesia đang ngày càng quan ngại khi chứng kiến sự tăng mạnh các ca bệnh nghi nhiễm Covid-19 trong 2 tuần qua.

Nhân viên y tế bệnh viện nơi Evawangi làm việc thậm chí đang rơi vào tình cảnh thiếu đồ bảo hộ trầm trọng. Nhiều người phải mặc những chiếc áo mưa rẻ tiền để che chắn khi tiếp xúc với bệnh nhân nghi nhiễm Covid-19. “Chúng tôi dành khẩu trang y tế, khẩu trang N95, quần áo bảo hộ và tấm chắn mặt cho những nhân viên làm việc tại phòng cấp cứu, phòng cách ly” - cô Evawangi cho hay trong cuộc phỏng vấn với Nikkei Asian Review. “Nguồn cung vật tư y tế rất hạn chế… Chúng tôi chỉ có khoảng 40-50 bộ trang phục bảo hộ mỗi ngày trong khi nhu cầu thực tế lên tới 80 bộ”.

Dự báo 2 triệu người Indonesia nhiễm Covid-19, Đông Nam Á có nguy cơ thành ổ dịch tiếp theo - Ảnh 1.

Các ca nhiễm mới Covid-19 tại 4 quốc gia Đông Nam Á là Malaysia, Philippines, Indonesia và Thái Lan bắt đầu tăng vọt từ cuối tháng 3

Câu chuyện tại bệnh viện của Evawangi không hiếm lạ ở Indonesia. Trên khắp các phương tiện truyền thông, cảnh quay và hình ảnh các bác sĩ, nhân viên y tế mặc áo mưa xanh lá cây thay vì đồ bảo hộ tràn ngập mặt báo. Tính đến sáng 12/4, Indonesia báo cáo 3.842 ca nhiễm Covid-19 và 327 ca tử vong. Khoảng một nửa các ca nhiễm nằm ở thủ đô Jakarta. Đáng nói hơn, có ít nhất 18 bác sĩ là thành viên Hiệp hội bác sĩ Indonesia đã tử vong do dịch bệnh; và ít nhất 100 nhân viên y tế được xác nhận nhiễm bệnh ở Jakarta.

Giai đoạn tồi tệ nhất của dịch bệnh có thể vẫn chưa đến. Khi Trung Quốc thành công giảm thiểu các ca nhiễm mới, Châu Âu và Bắc Mỹ lại trở thành tâm chấn dịch bệnh. Hơn 1,7 triệu người trên toàn thế giới đã được báo cáo nhiễm virus corona, hơn 108.000 ca tử vong được xác nhận. Nằm giáp ranh Trung Quốc, khu vực Đông Nam Á cũng chứng kiến sự leo thang nhanh chóng các ca bệnh, làm dấy lên mối lo ngại về nguy cơ khu vực 650 triệu dân này trở thành điểm nóng dịch bệnh tiếp theo. Trong đó, các quốc gia có hệ thống chăm sóc sức khỏe yếu như Indonesia và Philippines được xem là có nguy cơ bùng phát dịch bệnh cao nhất.

Hơn một nửa các quốc gia Đông Nam Á gồm Việt Nam, Thái Lan, Malaysia và Singapore đã báo cáo các ca nhiễm virus corona ngay cuối tháng 1, thời điểm Trung Quốc vừa phong tỏa Vũ Hán và xem xét phong tỏa hàng loạt tỉnh thành khác. Nhưng số lượng các ca nhiễm tại Đông Nam Á khi đó rất thấp và tăng chậm. Hà Nội thậm chí sắp đủ điều kiện tuyên bố hết dịch vào đầu tháng 3/2020 trước khi làn sóng dịch bệnh thứ hai ập đến.

Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia Đông Nam Á thực hiện nghiêm ngặt nhất biện pháp kiểm dịch với người dân và du khách trong tháng 2. Nhưng làn sóng dịch bệnh thứ 2 vẫn ập đến do hàng chục ngàn công dân từ nước ngoài đổ xô về nước. Đến nay, Việt Nam xác nhận 258 ca nhiễm Covid-19.

Dự báo 2 triệu người Indonesia nhiễm Covid-19, Đông Nam Á có nguy cơ thành ổ dịch tiếp theo - Ảnh 2.

Việt Nam đến nay chỉ xác nhận 258 ca nhiễm Covid-19

Tại Thái Lan, dịch bệnh bắt đầu bùng phát vào đầu tháng 3, với các ổ dịch nghiêm trọng tại một hộp đêm Bangkok và một sự kiện kickboxing tập trung đông người. Cho đến sáng 12/4, Thái Lan báo cáo 2.551 ca nhiễm Covid-19.

Tại Malaysia, một ổ dịch lớn đã bùng phát khi hơn 16.000 người tham dự sự kiện của nhà thờ Sri Petaling ngoại ô Kuala Lumpur, trong đó có nhiều du khách Thái Lan và Indonesia. 

Indonesia hiện đang lo ngại tháng ăn chay Ramanda sắp tới gần, sự kiện này thường tụ tập hàng triệu người hành hương về quê hương hoặc đến các ngôi chùa danh tiếng.

Ban đầu, các chuyên gia phân tích cho rằng khí hậu nhiệt đới với thời tiết ấm áp sẽ là lợi thế cho Đông Nam Á trước dịch Covid-19. Thêm vào đó, tỷ lệ tử vong do virus corona tại các quốc gia khác trên thế giới chủ yếu là người già, trong khi các quốc gia Đông Nam Á có cơ cấu dân số trẻ. Nhưng Indonesia đã cho thấy một kết quả khác hẳn, với tỷ lệ tử vong lên đến 9% - một trong những quốc gia có tỷ lệ tử vong do dịch Covid-19 lớn nhất thế giới. Sự chủ quan và hành động chậm trễ của các quan chức Indonesia khi ca nhiễm đầu tiên được phát hiện vào ngày 2/3 được cho là một trong những lý do dẫn đến tỷ lệ tử vong cao. Bên cạnh đó, khả năng xét nghiệm Covid-19 kém làm trì hoãn thời gian chẩn đoán cùng sự thiếu hụt thiết bị vật tư y tế và năng lực hệ thống chăm sóc sức khỏe hạn chế là những nguyên nhân quan trọng.

Mô hình toán học được xây dựng bởi Pandu Riono, một nhà dịch tễ học tại Đại học Indonesia và các đồng nghiệp của ông gần đây chỉ ra rằng có thể 2 triệu người Indonesia đã nhiễm virus corona, nhưng chỉ 2% trong số đó được phát hiện. Không loại trừ khả năng đã có nhiều trường hợp tử vong ở Jakarta và các tỉnh khác do dịch Covid-19 nhưng không được xét nghiệm và phát hiện.

So với các nền kinh tế trong khu vực, chi phí y tế bình quân trên đầu người của Indonesia là thấp nhất. Số lượng bác sĩ trên đầu người cũng thấp nhất, bình quân 3 bác sĩ/ 10.000 người. Indonesia cũng là quốc gia hạn chế di chuyển công cộng muộn màng nhất ở Đông Nam Á. Cho đến đầu tháng 4, chính phủ Indonesia mới từ chối nhập cảnh du khách quốc tế. Chính quyền chỉ kêu gọi người dân hạn chế di chuyển mà không có biện pháp buộc thực thi hay xử phạt nào. Tổng thống Joko Widodo đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng quốc gia nhưng lại không muốn kinh tế trì trệ, nên vẫn hạn chế các biện pháp cứng rắn như phong tỏa quốc gia hay khu vực.

Bên cạnh Indonesia, Philippines cũng có nguy cơ bùng phát dịch Covid-19 do tỷ lệ tử vong tương đối cao, lên tới hơn 5% với 4.428 ca nhiễm bệnh và 247 ca tử vong.

Thùy Dung
Cùng chuyên mục