World Bank dự báo tăng trưởng kinh tế Nam Á năm 2020 thấp nhất trong 4 thập kỷ

12/04/2020 14:33 GMT+7
Ngân hàng thế giới hôm 12/4 cảnh báo Ấn Độ và các quốc gia Nam Á khác có khả năng chứng kiến mức tăng trưởng hàng năm tồi tệ nhất trong 4 thập kỷ do ảnh hưởng của sự bùng phát đại dịch Covid-19.
World Bank dự báo tăng trưởng kinh tế Nam Á năm 2020 thấp nhất trong 4 thập kỷ - Ảnh 1.

Kể từ hôm 25/3; Ấn Độ tuyên bố phong tỏa quốc gia 1,3 tỷ dân trong vòng 3 tuần trong nỗ lực kiểm soát dịch Covid-19 đang bùng phát trên toàn cầu. Nền kinh tế Ấn Độ cho đến nay gần như trì trệ vì lệnh phong tỏa

Trong báo cáo kinh tế Nam Á mới công bố gần đây, Ngân hàng Thế giới World Bank dự báo khu vực Nam Á bao gồm 8 quốc gia có nguy cơ chứng kiến mức tăng trưởng kinh tế dao động trong khoảng 1,8% đến 2,8% trong năm nay, giảm mạnh so với ước tính 6,3% trong báo cáo 6 tháng trước đó.

Nền kinh tế Ấn Độ - nền kinh tế lớn nhất Nam Á - dự kiến tăng trưởng 1,5-2,8% trong năm tài chính bắt đầu vào 1/4 vừa qua. World Bank ước tính mức tăng trưởng 4,8-5% cho năm tài chính kết thúc vào ngày 31/3, do dữ liệu thời điểm đó chưa phản ánh nhiều ảnh hưởng mà đại dịch Covid-19 gây ra cho nền kinh tế.

“Những tín hiệu phục hồi kinh tế trong các tháng cuối năm 2019 đã bị cuộc khủng hoảng dịch Covid-19 trên toàn cầu thổi bay toàn bộ” - trích báo cáo của Ngân hàng Thế giới World Bank.

Trái ngược với dự báo kinh tế lao dốc tại Ấn Độ, World Bank chỉ ra 4 nền kinh tế Nam Á là Sri Lanka, Nepal, Bhutan và Bangladesh sẽ chứng kiến tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ trong năm tài chính 2020. Trong khi đó, 3 quốc gia còn lại của Nam Á gồm Pakistan, Afghanistan và Maldives dự kiến sẽ rơi vào suy thoái. Chung quan điểm với World Bank, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) trước đó đã chỉ ra Maldives - quốc đảo 400.000 dân ngoài khơi Ấn Độ Dương - là quốc gia Châu Á có ngành du lịch bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch Covid-19. 

Tính đến nay, Nam Á ghi nhận hơn 13.000 ca nhiễm Covid-19, thấp hơn nhiều so với các khu vực khác của Châu Á như Đông Á, Đông Nam Á… Nhưng những biện pháp phong tỏa hoặc cách ly xã hội nhằm kiểm soát đại dịch Covid-19 đã gần như phá vỡ chuỗi cung ứng toàn cầu, trong đó có chuỗi cung ứng ở Nam Á. 

Ấn Độ đã thực hiện phong tỏa nhiều ngày nay khiến hàng ngàn doanh nghiệp lớn nhỏ phải đóng cửa, hàng triệu người lao động mất việc. World Bank dự báo trong trường hợp lệnh phong tỏa quốc gia tiếp tục kéo dài, toàn bộ nền kinh tế Ấn Độ nói riêng và Nam Á nói chung sẽ trải qua một đợt suy thoái hẹp trong năm nay.

Để giảm thiểu những thiệt hại kinh tế gây ra do đại dịch Covid-19, Ngân hàng Thế giới kêu gọi các quốc gia trong khu vực tăng cường gói hỗ trợ tài chính, nới lỏng chính sách tiền tệ để hỗ trợ một phần thu nhập cho người lao động thất nghiệp; cũng như xóa nợ hoặc giãn nợ cho doanh nghiệp để hạn chế tình trạng phá sản, vỡ nợ…

Cho đến nay, Ấn Độ đã công bố gói cứu trợ kinh tế trị giá 23 tỷ USD để hỗ trợ tiền mặt trực tiếp cho người nghèo đang quằn quại vì thất nghiệp, không có thu nhập do lệnh phong tỏa quốc gia. Tại nước láng giềng Pakistan, chính phủ cũng công bố gói tài chính 6 tỷ USD để hỗ trợ nền kinh tế xoa dịu những tác động của dịch Covid-19.

Quan chức cấp cao của Ngân hàng Thế giới, ông Hartwig Schafer nhận định: “Ưu tiên lớn nhất của tất cả các chính phủ Nam Á lúc này là ngăn chặn sự lây lan virus corona và bảo vệ người dân khỏi dịch Covid-19; đặc biệt là những người nghèo đang phải đối mặt với nguy cơ lớn từ sức khỏe cộng đồng và tình trạng kinh tế”. 

Tính đến sáng 12/4, toàn thế giới xác nhận 1.779.190 ca nhiễm Covid-19 và 108.879 ca tử vong, với tâm chấn dịch bệnh nằm ở Mỹ và một số quốc gia Châu Âu bao gồm Tây Ban Nha, Italy, Pháp, Đức… 

Thùy Dung
Cùng chuyên mục