Dự báo "nóng" mới nhất về giá và xuất khẩu cà phê trong năm 2022

05/01/2022 09:26 GMT+7
Năm 2021, xuất khẩu cà phê của Việt Nam ước đạt 1,52 triệu tấn, trị giá xấp xỉ 3 tỷ USD, giảm 2,7% về lượng nhưng tăng 9,4% về trị giá so với năm 2020...

Giá cà phê lên cao nhất sau 10 năm...

Dự báo "nóng" mới nhất về giá và xuất khẩu cà phê trong năm 2022 - Ảnh 1.

Năm 2021 chứng kiến những giai đoạn tăng trưởng đột biến của nhiều nhóm hàng như nông sản, trong đó có cà phê. (Nguồn: Rodeo West)

Tháng 12/2021, giá cà phê Robusta tiếp tục duy trì đà tăng khi nguồn cung giảm. Xuất khẩu từ 2 quốc gia sản xuất cà phê Robusta lớn nhất Đông Nam Á là Việt Nam và Indnesia giảm. Nguồn cung hàng vụ mới cho thị trường bị chậm lại do thời tiết bất lợi và dịch bệnh tại Việt Nam kéo dài. 

Trong khi đó, giá cà phê Arabica giảm trở lại sau báo cáo kết quả khảo sát vụ mùa lần thứ 4 và cũng là lần cuối cùng của năm 2021 của Cơ quan cung ứng và dự báo nông sản Conab thuộc Bộ Nông nghiệp Brazil. Theo đó, Conab điều chỉnh tổng sản lượng cà phê Brazil năm 2021 tăng 0,8 triệu bao, lên mức 47,7 triệu bao; trong đó Arabica tăng 0,7 triệu bao, lên 31,4 triệu bao và Robusta tăng 0,2 triệu bao so với dự báo hồi tháng 9/2021, lên mức kỷ lục 16,3 triệu bao. 

Báo cáo của Conab thường được cho là thấp hơn sản lượng thực tế khoảng từ 6 – 10%, nên việc điều chỉnh tăng kỳ này càng chứng tỏ sản lượng cà phê Brazil không thiếu hụt nghiêm trọng do ảnh hưởng của thời tiết. 

Xuất khẩu cà phê của Brazil các tháng gần đây giảm có thể do vấn đề logistics. Theo Hiệp hội Xuất khẩu cà phê Brazil (Cecafé), từ đầu năm 2021 đến nay, khoảng 222 nghìn tấn cà phê xuất khẩu bị giao trễ do đợt đình công trước đây tại cảng Santos và khủng hoảng chuỗi cung ứng toàn cầu. 

Trong khi đó, người trồng cà phê Brazil tăng xuất khẩu nhằm tránh rủi ro trước kỳ nghỉ Lễ Giáng Sinh và Năm mới 2022. 

Ghi nhận của Etime, trước giờ đóng cửa phiên giao dịch liền trước (ngày 4/1), giá cà phê Robusta trên sàn ICE Futures Europe - London kỳ hạn giao tháng 3/2022 giảm 21 USD (0,89%), giao dịch tại 2.349 USD/tấn; Trong khi, giá cà phê Robusta kỳ hạn giao tháng 5/2022 giảm 17 USD (0,74%), giao dịch tại 2.293 USD/tấn. Khối lượng giao dịch trung bình.

Giá cà phê Arabica trên sàn ICE Futures US - New York bất ngờ tăng mạnh, kỳ hạn giao tháng 3/2022 tăng 8,45 Cent (3,78%), giao dịch tại 231,75 Cent/lb. Giá cà phê Arabica kỳ hạn giao tháng 5/2022 tăng 8,50 Cent (3,81%), giao dịch tại 231,80 Cent/lb. Khối lượng giao dịch tăng mạnh.

Dự báo "nóng" mới nhất về giá và xuất khẩu cà phê trong năm 2022 - Ảnh 2.

Nguồn: Sàn giao dịch London

Trước đó, trên sàn giao dịch London, kết thúc phiên giao dịch ngày 24/12/2021, giá cà phê Robusta giao kỳ hạn tháng 1/2022, tháng 3/2022, tháng 5/2022 và tháng 7/2022 tăng lần lượt 6,7%, 5,2%, 4,5% và 3,9% so với ngày 29/11/2021, lên mức 2.462 USD/tấn, 2.353 USD/ tấn, 2.301 USD/tấn và 2.285 USD/tấn.

Dự báo "nóng" mới nhất về giá và xuất khẩu cà phê trong năm 2022 - Ảnh 3.

Nguồn: Sàn giao dịch New York

Trên sàn giao dịch New York, ngày 24/12/2021, giá cà phê Arabica giao kỳ hạn tháng 3/2021, tháng 5/2021, tháng 7/2021 giảm lần lượt 4,8%, 4,6%, 4,5% so với ngày 29/11/2021, xuống còn 231,2 Uscent/lb; 231,1 Uscent/lb và 230,4 Uscent/lb. 

Trên sàn giao dịch BMF của Brazil, ngày 28/12/2021, giá cà phê Arabica giao kỳ hạn tháng 3/2022, tháng 5/2022 và tháng 9/2022 giảm lần lượt 5,2%, 6,2% và 8,0% so với ngày 29/11/2021, xuống mức 272 Uscent/lb, 266,4 Uscent/lb và 271 Uscent/lb.

Tại cảng khu vực thành phố Hồ Chí Minh, cà phê Robusta xuất khẩu loại 2, tỷ lệ đen vỡ 5% giao dịch ở mức giá 2.408 USD/ tấn, chênh lệch +55 USD/tấn, tăng 45 USD/ tấn (tương đương mức tăng 1,9%) so với ngày 29/11/2021.

Tính chung cả năm 2021, giá cà phê Robusta trên sàn London đã tăng tới 899 USD/tấn, tương đương 61,11 USD. Giá cà phê arabica trên sàn New York tăng 89,85 Cent/lb, tương đương 65,94%. Giới đầu cơ chốt lời đến phút chót của năm.

Sau 10 năm, kể từ siêu chu kỳ hàng hóa năm 2011, thế giới lại bước vào giai đoạn mà giá cả tăng cao ở mức kỷ lục. Năm 2021 cũng chứng kiến những giai đoạn tăng trưởng đột biến của nhiều nhóm hàng như nông sản, trong đó có cà phê. Đà tăng vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại, khi mà các yếu tố hỗ trợ cho giá vẫn có thể tiếp tục duy trì cho giai đoạn sắp tới.

Chiến lược ngành cà phê Việt Nam thời gian tới ra sao? 

Dự báo "nóng" mới nhất về giá và xuất khẩu cà phê trong năm 2022 - Ảnh 4.

Theo cơ quan chuyên môn, đất trồng cà phê đang bị suy thoái chất lượng. (Trong ảnh: Một vườn cà phê có sản lượng thấp tại huyện Cư M'gar (Đắk Lắk). Ảnh: Duy Hậu.

Trong nước: Thị trường cà phê trong nước bắt đầu sôi động, nhưng không được như những năm trước. Sản lượng thu mua ở mức thấp do thu hoạch chậm (đạt khoảng 80% sản lượng vụ mới). Hiện tại, cà phê tại huyện Di Linh, Bảo Lộc và Lâm Hà của tỉnh Lâm Đồng hôm nay (5/1) đang thu mua ở giá 40.500 đồng/kg.

Dự báo "nóng" mới nhất về giá và xuất khẩu cà phê trong năm 2022 - Ảnh 5.

Nguồn: giacaphe.com

Tại huyện Cư M'gar (Đắk Lắk), giá cà phê hôm nay giữ ở mức 41.400 đồng/kg. Tại huyện Ea H'leo (Đắk Lắk) và Buôn Hồ (Đắk Lắk), giá cà phê hiện cùng giữ mức 41.300 đồng/kg.

Tại Gia Nghĩa và Đắk R'lấp của tỉnh Đắk Nông, giá cà phê hôm nay lần lượt thu mua ở mức 41.300 và 41.200 đồng/kg.

Giá cà phê hôm nay tại Chư Prông tỉnh Gia Lai đang ở mức 41.300 đồng/kg, ở Pleiku và La Grai cùng mức 41.200 đồng/kg. Còn, giá cà phê tại tỉnh Kon Tum đang thu mua với mức 41.200 đồng/kg.

Theo chuyên gia, hiện nay cà phê Việt Nam đang rẻ nhất thế giới, thay vì Brazil trước đây do cơ chế trừ lùi. Giá của Việt Nam phải trừ lùi tới 450 - 500 USD/tấn. Lịch sử ngành cà phê Việt Nam chưa bao giờ phải trừ lùi nhiều như thế. Trong khi đó, giá cà phê của Brazil là giá cộng.

Giãn cách xã hội được nới lỏng, hoạt động thông quan thuận lợi hơn, nhu cầu thế giới tăng là những yếu tố giúp xuất khẩu cà phê của Việt Nam phục hồi cuối năm 2021. Theo ước tính, xuất khẩu cà phê của Việt Nam tháng 12/2021 đạt 130 nghìn tấn, trị giá 305 triệu USD, tăng 21% về lượng và tăng 26,2% về trị giá so với tháng 11/2021, so với tháng 12/2020 giảm 6,5% về lượng, nhưng tăng 20,3% về trị giá. Tính chung cả năm 2021, xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt 1,52 triệu tấn, trị giá xấp xỉ 3 tỷ USD, giảm 2,7% về lượng, nhưng tăng 9,4% về trị giá so năm 2020.

Dự báo "nóng" mới nhất về giá và xuất khẩu cà phê trong năm 2022 - Ảnh 6.

Nguồn: Tính toán từ số liệu của Tổng cục Hải quan

Diễn biến giá cà phê cũng ấn tượng. Theo ước tính, giá xuất khẩu bình quân cà phê của Việt Nam đạt mức 2.344 USD/tấn – mức cao nhất kể từ tháng 6/2017, tăng 4,3% so với tháng 11/2021 và tăng 28,7% so với tháng 12/2020. Tính chung cả năm 2021, giá xuất khẩu bình quân cà phê của Việt Nam ước đạt mức 1.969 USD/tấn, tăng 12,4% so với năm 2020.

Dự báo "nóng" mới nhất về giá và xuất khẩu cà phê trong năm 2022 - Ảnh 7.

Nguồn: Tổng cục Hải quan, ước tháng 12/2021

Năm 2021, chủng loại cà phê xuất khẩu của Việt Nam tập trung chủ yếu là cà phê Robusta. Trong 11 tháng năm 2021, xuất khẩu cà phê Robusta đạt 1,218 triệu tấn, trị giá 2,02 tỷ USD, giảm 1,4% về lượng, nhưng tăng 9,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, lượng cà phê Robusta xuất khẩu sang nhiều thị trường chính giảm, như: Đức giảm 1,4%; Ý giảm 11,2%; Hoa Kỳ giảm 0,6%, Tây Ban Nha giảm 37,8%; Angieria giảm 12,2%. Ngược lại, lượng cà phê Robusta xuất khẩu sang Nga tăng 15,1%; Trung Quốc tăng 61,1%.

Dự báo "nóng" mới nhất về giá và xuất khẩu cà phê trong năm 2022 - Ảnh 8.

Nguồn: Tính toán từ số liệu của Tổng cục Hải quan

Dự báo "nóng" mới nhất về giá và xuất khẩu cà phê trong năm 2022 - Ảnh 9.

Trong 10 năm tới (2030), mục tiêu kim ngạch xuất khẩu cà phê đạt 5 - 6 tỷ USD, tức gấp hơn 2 lần so với hiện tại, với phương châm: "Năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng". Ảnh: DV

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dự báo năm 2022, giá cà phê toàn cầu sẽ tiếp tục ở mức cao. Diễn biến phức tạp của dịch bệnh khiến nguồn cung hạn chế từ các nước sản xuất lớn như Columbia và một số nước khu vực Nam Mỹ. Bên cạnh đó, tình trạng tắc nghẽn tại các cảng quốc tế được dự đoán có thể còn kéo dài. Hiện tại, do thiếu nguồn cung cà phê Arabica, một số nhà rang xay đang tìm đến phương án phối trộn cà phê Arabica và Robusta nhằm hạ giá bán. Điều này về lâu dài có thể giúp thay đổi khẩu vị người tiêu dùng và quen hơn với việc uống cà phê Robusta rang xay và sẽ giúp cho cà phê Robusta của Việt Nam xuất khẩu thuận lợi hơn.

Trong 10 năm tới (2030), mục tiêu kim ngạch xuất khẩu cà phê đạt 5 - 6 tỷ USD, tức gấp hơn 2 lần so với hiện tại, với phương châm: "Năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng". Việt Nam xuất khẩu được 121 nghìn tấn, kim ngạch 433 triệu USD cà phê chế biến sâu. Như vậy, mặc dù lượng chỉ chiếm 8% nhưng kim ngạch xuất khẩu cà phê chế biến chiếm 15% tổng kim ngạch của mặt hàng này.

Chiến lược ngành cà phê trong thời gian tới là đẩy mạnh mặt hàng cà phê chế biến (cà phê rang xay, cà phê hòa tan,..) hơn là chú trọng vào số lượng cà phê nhân như hiện nay bởi bài học quá khứ cho thấy nếu tăng diện tích hơn nữa, cơn ác mộng dư cung, giá giảm sẽ quay trở lại.


Nguyễn Phương
Cùng chuyên mục