Dự đường Lê Đức Thọ đến khu đô thị Xuân Phương: Tasco khẳng định đủ năng lực tài chính?
Báo cáo kết quả kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước gửi Quốc hội trong kỳ họp vừa qua chỉ ra hàng loạt sai phạm tại dự án xây dựng tuyến đường từ đường Lê Đức Thọ đến khu đô thị mới Xuân Phương theo hình thức BT (Xây dựng - chuyển giao) của Tasco do ông Phạm Quang Dũng làm Chủ tịch HĐQT.
Tasco dính nghi án "gây thất thoát ngân sách lớn"?
Kiểm toán Nhà nước cho biết, Tasco thiếu năng lực tài chính; thiết kế dự toán không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt là nguyên nhân gây thất thoát ngân sách lớn; thương thảo, kí hợp đồng chưa đảm bảo quy định.
Cũng theo Kiểm toán Nhà nước, việc giao đất chỉ định cho nhà đầu tư là trái với qui định của Luật Đất đai; việc không qui định cụ thể thời điểm giao đất dẫn đến có dự án được giao đất trước khi thực hiện dự án BT và có dự án được giao đất trong khi thực hiện dự án BT.
Việc tạm tính tiền sử dụng đất để xác định giá trị đối ứng khi giao đất cho dự án BT tại thời điểm thực hiện dự án BT dễ dẫn đến thất thoát ngân sách nhà nước.
Cụ thể, tại Dự án Xây dựng tuyến đường từ đường Lê Đức Thọ đến Khu đô thị mới Xuân Phương: Do giá trị hợp đồng BT tạm xác định theo tổng mức đầu tư được duyệt thường cao hơn thực tế thực hiện, thời gian thi công các dự án BT dài và tiền sử dụng đất tạm tính chưa sát đúng nên giá trị tiền sử dụng đất nhà đầu tư phải nộp ngân sách nhà nước khi được giao đất đối ứng tại thời điểm thực hiện dự án thường thấp hơn giá trị khi quyết toán công trình BT.
Dự án đường Lê Đức Thọ đến KĐT mới Xuân Phương.
Kiểm toán cũng cho hay, việc xác định giá đất theo phương pháp thặng dư tại Thông tư số 145/2007/TT-BTC ngày 06/12/2007 của Bộ Tài chính và số 36/2014/TT-BTNMT ngày 30/6/2014 của Bộ TN&MT cho phép tính chi phí dự phòng trong chi phí phát triển còn bất hợp lý, không sát hoặc phụ thuộc yếu tố chủ quan dẫn đến giá đất thấp, không sát giá thị trường làm thất thoát lớn tài sản, ngân sách nhà nước. Đây là lỗ hổng lớn nhất làm thất thoát tài sản, ngân sách nhà nước.
“Dự án Khu đô thị mới Xuân Phương mặc dù hợp đồng BT ký thống nhất tiền sử dụng đất đối ứng với giá trị dự án BT theo nguyên tắc ngang giá, cùng thời điểm ký kết hợp đồng BT và giá không đổi, nên không có yếu tố dự phòng, nhưng do áp dụng phương pháp thặng dư quy định tại Thông tư số 145/2007/TT-BTC và Thông tư số 36/2014/TT-BTNMT nên vẫn xác định phí phát triển bao gồm cả dự phòng 323,2 tỷ đồng làm giảm tiền sử dụng đất phải nộp tương ứng 323,2 tỷ đồng”, Kiểm toán Nhà nước chỉ rõ.
Tại báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán trên, cơ quan này kiến nghị xử lý tài chính với dự án này lên tới 391,6 tỷ đồng
Đồng thời, tại báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán trên, cơ quan này khiến nghị xử lý tài chính với dự án này lên tới 391,6 tỷ đồng.
Được biết, Công ty cổ phần Tasco của ông Phạm Quang Dũng nguyên là một doanh nghiệp nhà nước, được thành lập từ năm 1971 với tên gọi ban đầu là Đội cầu Nam Hà, hoạt động trong lĩnh vực xây dựng hạ tầng giao thông.
Doanh nghiệp này chuyên hoạt động trong lĩnh vực đầu tư, khai thác hạ tầng giao thông, đầu tư bất động sản…Hiện Tasco đang quản lý và thu phí các trạm BOT Mỹ Lộc (Nam Định), BOT Tân Đệ (Thái Bình), BOT Quốc lộ 10 (Hải Phòng), BOT Quốc lộ 1. Ngoài ra, VETC – công ty con của Tasco cũng là đơn vị vận hành hệ thống thu phí không dừng (ETC).
Bên cạnh làm các dự án BOT, Tasco cũng tham gia vào nhiều dự án BT để gia tăng quỹ đất, từ đó tham gia vào lĩnh vực bất động sản. Chẳng hạn, xây dựng tuyến đường 3,5km Lê Đức Thọ, Tasco được UBND thành phố Hà Nội đối ứng cho 70ha đất gồm: 30 ha đất tại dự án Đơn vị số 1 phường Xuân Phương, 3.000m2 đất tại 48 Trần Duy Hưng (quận Cầu Giấy) và 38ha đất tại phường Xuân Phương (nay là dự án Xuân Phương Foresa Villa).
Tasco của ông Phạm Quang Dũng “phản pháo”
Liên quan đến những báo cáo do KTNN đưa ra, trao đổi với phóng viên Dân Việt, đại diện “trùm” BOT Tasco của ông Phạm Quang Dũng đã lên tiếng “phản pháo” bất ngờ.
Theo Tasco, dự án BT tuyến đường từ đường Lê Đức Thọ đến đường 70 là dự án trọng điểm của Hà Nội để phục vụ Đại hội thể thao Châu Á trong nhà 2009 (Indoor Games 2009) đồng thời để giải quyết ùn tắc giao thông của đường 32 và đường 70. Vốn đầu tư của dự án là vốn chủ sở hữu, vốn vay và vốn huy động hợp pháp của nhà đầu tư. Đồng nghĩa với việc, dự án này thực chất là sử dụng nguồn lực ngân sách Nhà nước theo báo cáo của KTNN là chưa chính xác?
"Ông trùm" BOT Tasco khẳng định doanh nghiệp đủ năng lực tài chính
Đồng thời, Tasco của ông Phạm Quang Dũng cho rằng, UBND TP. Hà Nội chỉ định Tasco là nhà đầu tư dự án tại Quyết định 603/QĐ-UBND ngày 04/2/2008 sau khi có chấp thuận chủ trương chỉ định nhà đầu tư của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 1901/TTg-CN ngày 06/12/2007.
Theo khoản 12.3 điều 12 Hợp đồng số 68/HĐ-BT ngày 05/12/2008 được ký tại thời điểm Nghị định 78/2007/NĐ-CP có hiệu lực thì việc phê duyệt thiết kế và dự toán của dự án thuộc trách nhiệm của nhà đầu tư. Trước khi phê duyệt, hồ sơ thiết kế và dự toán đã được thẩm tra, thẩm định theo quy định.
Tổng mức đầu tư chỉ là ước tính đường bao chi phí của Dự án trong giai đoạn lập dự án đầu tư, đây không phải là căn cứ để UBND TP HN thanh toán cho nhà đầu tư. Hiện nay Tasco của ông Phạm Quang Dũng đang thực hiện công tác quyết toán chi phí đầu tư thực tế để làm cơ sở cho việc thanh toán HĐ BT giữa hai bên.
Về nguồn lực tài chính, Tasco của ông Phạm Quang Dũng cho hay, trong cơ cấu vốn để thực hiện Dự án có phần vốn đối ứng của nhà đầu tư Tasco với tỷ lệ 62 % giá trị hợp đồng và vốn do Nhà đầu tư huy động từ tổ chức tín dụng với tỷ lệ 38% giá trị hợp đồng và các nguồn vốn hợp pháp khác. Việc này, hoàn toàn phù hợp với nội dung của hợp đồng BT số 68 và tuân thủ quy định của Pháp luật tại thời điểm ký kết hợp đồng. Như vậy, khi thực hiện dự án Tasco đã đáp ứng đầy đủ năng lực tài chính, trái ngược với báo cáo mà KTNN đã công bố trước đó.
Bằng chứng thực tế, là 02 đoạn tuyến của Dự án Tasco đã hoàn thành và bàn giao vượt tiến độ so với hợp đồng, phụ lục hợp đồng cũng như các văn bản chỉ đạo của TP. Hà Nội.
Đối với kiến nghị xử lý tài chính 391,6 tỷ đồng tại dự án này mà KTNN đưa ra, Tasco của ông Phạm Quang Dũng cho hay, trong 391,6 tỷ mà KTNN đề cập đến có 14,2 tỷ đồng cắt giảm chi phí do sai sót số học, bị trùng một số khối lượng và áp định mức chưa chính xác.
“Phần còn lại (377,4 tỷ đồng) Kiểm toán Nhà nước chưa đủ cơ sở đề xác nhận tại thời điểm kiểm toán. Kiểm toán Nhà nước kiến nghị UBND TP Hà Nội và nhà đầu tư làm rõ để ghi nhận khi quyết toán dự án. Như vậy, việc hiểu toàn bộ 391,6 tỷ đồng là giá trị bị giảm trừ là không chính xác với kết luận của Kiểm toán Nhà nước", đại diện Tasco khẳng định.