Dư nợ cho vay tiêu dùng đạt 1,1 triệu tỷ đồng, dù lãi suất lên tới 50%/năm

Nguyệt San Thứ ba, ngày 22/05/2018 11:26 AM (GMT+7)
Năm 2017 dư dư nợ tín dụng tiêu dùng đạt khoảng 1,1 triệu tỷ đồng, gấp 4,8 lần năm 2012 và chiếm khoảng 17% tổng dư nợ của nền kinh tế. Cùng với đó, lãi suất hiện hành tại các công ty tài chính tại Việt Nam giao động từ khoảng 20-50%, cao hơn Mỹ và Trung Quốc.
Bình luận 0

img
TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính ngân hàng.

Lãi suất công ty tài chính Việt Nam từ 20-50%

Chia sẻ tại buổi toạ đàm, TS. Cấn Văn Lực cho biết, lãi suất hiện hành tại các công ty tài chính tại Việt Nam giao động từ khoảng 20-50%. “Đây là con số không cao nếu so với các nước trên thế giới, ví như Mỹ lãi suất giao động từ 8-36%; Trung Quốc từ 10-40%; Brazil từ 30-70%; Ấn độ từ 15-70%”.

Theo đó, ông Lực cho biết, với lãi suất của các công ty tài chính chúng ta cần trả lời 2 câu hỏi: Tại sao lãi suất cho vay tại các công ty tài chính cao hơn tại các ngân hàng thương mại? Và làm sao để kiểm soát rủi ro tại các công ty này?

Trả lời câu hỏi này không khó, lãi suất của các công ty tài chính cao hơn ngân hàng thương mại vì hoạt động của 2 bên là khác nhau, nguồn vốn huy động khác nhau và rủi ro cũng khác nhau. Cụ thể, các NHTM có thể huy động vốn trực tiếp từ dân chúng, còn công ty tài chính thì phải vay tiền của các NHTM, các công ty tài chính khác, vay bằng phát hành trái phiếu và lãi suất vay này khá cao từ 10-12%. Cùng với đó, các công ty tài chính cũng chấp nhận rủi ro cao vì cho vay chủ yếu là tín chấp nên đồng nghĩa với nó là lãi suất phải cao hơn.

Các công ty tài chính cũng có ưu điểm lớn hơn các NHTM là thủ tục cho vay nhanh gọn. Nếu với các NHTM mất từ 1 đến 2 ngày để phê duyệt hồ sơ vay, còn với các công ty tài chính thì chỉ mất 1 tiếng đồng hồ hoặc cho vay trực tiếp tại chỗ như khách hàng có thể mua 1 chiếc điện thoại mà không mất tiền.

Theo ông Lực thì chúng ta cần ghi nhận những ưu điểm của cho vay tiêu dùng và hiểu rằng những tiện ích đó là cái lý để cho lãi suất của các công ty tài chính cao hơn NHTM.

Việc chấp nhận rủi ro lớn cũng làm cho nợ xấu của các công ty tài chính hiện nay khá cao. Theo ông Lực thì nợ xấu của các công ty tài chính vào khoảng 5%, trong khi nợ xấu của các NHTM vay bán lẻ cũng chỉ vào khoảng 2%.

Cùng với những phân tích nêu trên, ông Lực cho rằng chúng ta cũng cần có những đánh giá công bằng hơn với các công ty tài chính khi thời gian qua các công ty này đã đóng góp lớn cho nền kinh tế, đang dần thay thế cho tín dụng đen thời gian qua.

1,1 triệu tỷ đồng cho vay tiêu dùng năm 2017

Theo số liệu mới nhất, hiện tín dụng tiêu dùng phát triển nhanh trong 5 năm qua, tính đến cuối năm 2012, tổng dư nợ cho vay tiêu dùng khoảng 230.000 tỷ đồng, chiếm 8% tổng dư nợ tín dụng của nền kinh tế; đến cuối năm 2017, dư nợ tín dụng tiêu dùng đạt khoảng 1,1 triệu tỷ đồng (gấp 4,8 lần năm 2012), chiếm khoảng 17% tổng dư nợ của nền kinh tế. Trong tổng dư nợ đó, dư nợ của các công ty TCTD chiếm khoảng 8,2% (tương đương 90.000 tỷ đồng tính đến cuối năm 2017), còn lại là tín dụng tiêu dùng từ các ngân hàng thương mại (NHTM).

Ông Lực cho biết, ngoài những công ty đang nắm phần lớn thị phần như FE Credit (khoảng 50%), Home Credit (17%) và HD Saison (13%), các công ty khác như Prudential Finance, Toyota Finance… cũng tích cực tham gia vào hoạt động này.

Ngoài ra, dân số trẻ có nhu cầu tiêu dùng cao cùng với văn hóa vay tiêu dùng thay đổi, thương mại điện tử phát triển nhanh sẽ là những nhân tố tác động tích cực đến sự phát triển của tín dụng tiêu dùng trong thời gian tới.

Theo ông Lực, một số điểm đáng lưu ý với các công ty tài chính nói riêng, tài chính tiêu dùng của Việt Nam nói riêng hiện nay là tăng quy mô, số lượng sản phẩm dịch vụ. Ở Việt Nam hiện mới có 4-5 sản phẩm cho vay tiêu dùng, trong khi ở nhiều nước tiên tiến, như Anh thì tài chính tiêu dùng phổ biến có khoảng 19-20 sản phẩm.

“Hiện chưa có các dịch vụ tài chính cho những đám hiếu, đám hỷ, hay các sản phẩm tín dụng cho sinh viên còn rất hạn chế”, ông Lực lấy vị dụ minh chứng.

Cùng với đó, theo ông Lực, hạn chế của tín dụng tiêu dùng hiện nay là kiến thức tài chính của người dân, doanh nghiệp còn rất hạn chế. Các công ty tài chính thì tư vấn chưa đủ kín kẽ làm khách hàng có thể chưa hiểu hết về quyền lợi và trách nhiệm của mình. “Đó là những bấn cập dẫn tới ý thức tuân thủ của 2 bên chưa cao, dẫn tới những tranh chấp”.

Theo ông Lực, hiện nay công nghệ thông tin tại các công ty tài chính còn quá đơn giản. “Bên cạnh các công ty có quy trình bài bản, thì nhiều công ty còn chưa có những quy trình cụ thể, công nghệ”.

Một trong những giải pháp được ông Lực đề xuất để giải quyết phần lớn câu chuyện của công ty tài chính hiện nay là cần có cư sở dữ liệu quốc gia, tăng cường công nghệ.

Cùng với đó, chúng ta cần minh bạch thông tin cả từ phía các tổ chức tín dụng, cả từ phía khách hàng. Riêng từ phía công ty cho vay cần minh bạch về lãi suất, các loại phí, phạt và hình thức thu nợ, ông Lực nhấn mạnh.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem