Đưa Việt Nam trở thành điểm trung chuyển mới khu vực ASEAN

13/01/2023 13:57 GMT+7
Ông Nguyễn Đình Việt, Quyền Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam cho biết, Việt Nam sẽ được các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm, lựa chọn là điểm đến trong việc chuyển dịch chuỗi cung ứng thích nghi với xu thế mới sau đại dịch Covid-19.

Nhằm phát triển hệ thống logistic vận tải biển, ông Nguyễn Đình Việt, Quyền Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam cho biết, năm 2022, sản lượng hàng hóa thông qua cảng biển đạt 733 triệu tấn, tăng 4% so với năm 2021".

"Hàng container đạt trên 25 triệu Teu, tăng 5%. Kết quả đạt được của hệ thống cảng biển Việt Nam rất đáng ghi nhận trong bối cảnh chuỗi cung ứng toàn cầu chưa trở lại trạng thái bình thường", ông Việt cho hay.

Đưa Việt Nam trở thành điểm trung chuyển mới khu vực ASEAN - Ảnh 1.

Cảng hiển TP.Hải Phòng. Ảnh: Thế Anh

Theo ông Việt đánh giá, Việt Nam sẽ được các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm, lựa chọn là điểm đến trong việc chuyển dịch chuỗi cung ứng thích nghi với xu thế mới sau đại dịch Covid-19.

Năm 2023, lĩnh vực hàng hải sẽ tiếp tục chuyển biến mạnh mẽ trong cải cách hành chính, rà soát loại bỏ những thủ tục điều kiện kinh doanh không phù hợp. Ứng dụng khoa học công nghệ, thông tin triển khai đồng bộ làm thủ tục cho tàu thuyền trên hệ thống điện tử.

Theo báo cáo của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC), trong năm 2022, sản lượng hàng hoá thông qua cảng do đơn vị quản lý ước đạt 124 triệu tấn (đạt 93% so kế hoạch), doanh thu hợp nhất ước đạt 15.041 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 3.129,5 tỷ đồng (vượt 124% so kế hoạch).

Báo cáo của VIMC cho thấy, lợi nhuận khối vận tải biển năm 2022 chiếm tỷ trọng cao nhất, ước đạt 1.869 tỷ đồng. Thời điểm 5 - 7 năm trước vốn chủ sở hữu VIMC từ âm 7.600 tỷ đồng nay đã đảo chiều dương và hiện đạt hơn 13.800 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Cảnh Tỉnh, Tổng giám đốc VIMC cho biết, với kết quả sản xuất của đơn vị có được, đời sống người lao động ngày càng được cải thiện với mức lương bình quân năm 2022 là 16,6 triệu đồng/người trong toàn hệ thống.

Theo ông Tĩnh, các doanh nghiệp vận tải biển đã luôn nỗ lực bám sát, tận dụng cơ hội thị trường, tối ưu hóa các hợp đồng tài chính, duy trì các hợp đồng với mức giá tốt, tìm kiếm được các nguồn hàng, phát triển các tuyến dịch vụ mới và thu về những kết quả đáng khích lệ trong bối cảnh thị trường nội địa đang cạnh tranh gay gắt như hiện nay.

Với năm 2023, hoạt động kinh doanh vận tải biển bắt đầu phải đối mặt với nhiều nguy cơ, thách thức trong năm 2023 như chỉ số thuê tàu hàng của thị trường đi xuống; thị trường tàu container quốc tế, giá cước vận tải liên tục giảm mạnh.

Cùng với đó, thị trường vận chuyển container nội địa sản lượng hàng hóa luôn ở mức thấp trong khi nguồn cung tàu tuyến nội địa gia tăng; tuổi tàu VIMC cao (20 năm) khó cạnh tranh hãng tàu nước ngoài.

Năm 2023, VIMC nhận định, thị trường tàu hàng rời, tàu container sẽ suy giảm mạnh do lạm phát cao và gia tăng ở nhiều quốc gia, suy thoái toàn cầu ảnh hưởng tới năng lực mua sắm hàng hoá, lượng hàng tồn kho tích trữ nhiều.


Thế Anh
Cùng chuyên mục