Đua vốn điều lệ: Ngôi vương ngân hàng thay đổi, ACB nhập cuộc

26/11/2019 14:00 GMT+7
Vượt qua VietinBank, BIDV chính thức trở thành nhà băng có vốn điều lệ lớn nhất trong hệ thống các ngân hàng thương mại. Mới đây, ACB của ông Trần Hùng Huy cũng được điều chỉnh vốn điều lệ lên hơn 16.627 tỷ đồng từ mức 12.886 tỷ đồng.

Thông báo từ Trung tâm lưu ký chứng khoán cho biết hơn 603,3 triệu cổ phiếu BID của Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đã chính thức được lưu ký từ 22/11. Vốn điều lệ của BIDV tăng từ 34.180 tỷ đồng lên 40.220 tỷ đồng.

Với con số này, BIDV chính thức vượt qua "ông lớn" VietinBank và trở thành nhà băng có vốn điều lệ lớn nhất trong hệ thống các ngân hàng thương mại.

Vốn hóa thị trường nhờ đó tăng vọt lên trên 161.000 tỷ đồng nhờ tăng lượng cổ phiếu trong khi giá không điều chỉnh, tiếp tục là ngân hàng có vốn hóa lớn thứ hai trên thị trường và bỏ xa hơn nhóm dưới gồm Techcombank (81.700 tỷ đồng), VietinBank (xấp xỉ 79.000 tỷ) tính theo thị giá hiện tại.

Cuộc đua vốn điều lệ: Ngôi vương ngân hàng thay đổi, ACB nhập cuộc - Ảnh 1.

Vốn điều lệ của các ngân hàng (tỷ đồng)

Góp mặt trong cuộc đua tăng vốn trong năm 2019 ngoài thương vụ khủng của BIDV tăng vốn điều lệ thêm 6.030 tỷ đồng, BacABank cũng tăng vốn từ 5.500 tỷ đồng lên 6.500 tỷ đồng hôm 21/11 vừa qua, thông qua trả cổ tức bằng cổ phiếu và chia cổ phiếu thưởng.

Hay như Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank) tăng vốn điều lệ từ 7.688 tỷ đồng lên 9.369 tỷ đồng. Với vốn điều lệ mới, SeABank nằm trong nhóm 15 ngân hàng có vốn điều lệ lớn nhất Việt Nam. Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) cũng chính thức tăng lên 7.898 tỷ đồng; Vốn điều lệ của VIB hiện nay là 9.245 tỷ đồng, thay vì mức 7.834 tỷ đồng như trước đó. NamABank và ABBank cũng không ngoại lệ...

Mới nhất, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) vừa quyết định sửa đổi nội dung vốn điều lệ tại Giấy phép thành lập và hoạt động của Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB –Mã: ACB). Cụ thể, vốn điều lệ của ACB được điều chỉnh lên hơn 16.627 tỷ đồng từ mức 12.886 tỷ đồng, tương đương tăng hơn 3.741 tỷ đồng.

Trước đó, NHNN đã chấp thuận đề nghị tăng vốn điều lệ thêm hơn 3.741 tỷ đồng của ACB theo phương án đã được Đại hội đồng cổ đông ngân hàng thông qua.

Cuộc đua vốn điều lệ: Ngôi vương ngân hàng thay đổi, ACB nhập cuộc - Ảnh 2.

ACB tăng vốn điều lệ lên trên 16.627 tỷ đồng

Tại đại hội cổ đông thường niên năm 2019, ACB đã thông qua lên kế hoạch chia cổ tức năm 2018 bằng cổ phiếu tỷ lệ 30% (phát hành thêm 374 triệu cổ phiếu) để tăng vốn, tương đương với số vốn điều lệ tăng thêm là 3.741 tỷ đồng.

Theo kế hoạch đề ra, 2.035 tỷ đồng trong lượng vốn tăng thêm sẽ được sử dụng cho hoạt động tín dụng, đầu tư trái phiếu chính phủ, đảm bảo các chỉ tiêu an toàn hoạt động và bổ sung nguồn vốn trung dài hạn.

Số còn lại hơn 1.700 tỷ đồng sẽ được dùng để mua sắm thêm tài sản cố định, xây dựng cơ bản, mua sắm công cụ phục vụ hoạt động của các chi nhánh…

Xét về tổng thể, trong vòng gần 5 năm qua, Techcombank và Vietcombank là 2 ngân hàng được tăng vốn nhiều nhất. So với đầu năm 2015, vốn điều lệ hiện tại của Vietcombank tăng hơn 10.400 tỷ tương đương tăng hơn 39%; còn Techcombank thì tăng tới gần 4 lần trong 5 năm qua.

Sự tăng vọt của Techcombank đến từ đợt phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 1:2 trong năm 2018 sau khi nhà băng này niêm yết trên sàn HOSE. Theo đó, lần đầu tiên của một ngân hàng tư nhân có vị trí trong top 3 ngân hàng có vốn điều lệ lớn nhất. Tính đến hiện tại, Techcombank đứng vị trí thứ 4 trong bảng xếp hạng vốn điều lệ của hệ thống ngân hàng.

Còn tại Vietcombank, năm 2016, ngân hàng phát hành cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 35% (tương đương hơn 9.300 tỷ đồng) và gần đây, đầu năm 2019, vốn điều lệ của ngân hàng tăng hơn 1.000 tỷ nhờ phát hành cổ phiếu cho GIC và Mizuho Bank

Lê Thúy
Cùng chuyên mục