Được đặc cách sản xuất bất chấp lệnh phong tỏa, Huawei vẫn lao đao vì dịch Covid-19

27/03/2020 16:33 GMT+7
Hầu hết các nhân viên Huawei đã quay trở lại làm việc sau khoảng thời gian nghỉ do bùng nổ đại dịch, bất chấp quan ngại dịch Covid-19 vẫn sẽ tác động nghiêm trọng đến tình hình tài chính doanh nghiệp trong năm nay.
Được đặc cách sản xuất bất chấp lệnh phong tỏa, Huawei vẫn lao đao vì dịch Covid-19 - Ảnh 1.

Huawei hạ dự báo tăng trưởng doanh thu vì dịch Covid-19

Huawei, như tất cả những công ty toàn cầu khác, đang phải đối mặt với thiệt hại từ khủng hoảng đại dịch Covid-19, vốn đang khiến các hoạt động kinh tế thế giới đình trệ nghiêm trọng.

CEO Huawei Nhậm Chính Phi trước đó tuyên bố nhà máy của Huawei đã bắt đầu đi vào vận hành từ 3/2, vì thế thời gian sản xuất không bị gián đoạn quá nhiều. Việc Huawei trở lại sản xuất đảm bảo làm theo đúng quy định của chính phủ Trung Quốc cho phép một số ngành công nghiệp trọng điểm bắt đầu hoạt động sớm bất chấp lệnh phong tỏa. 

Hơn 90% trong số khoảng 150.000 lao động ở Trung Quốc của công ty đã quay trở lại làm việc, dù nhiều nhân viên nước ngoài vẫn chưa thể quay lại và đang duy trì làm việc từ xa. Dù vậy, đại dịch vẫn khiến Huawei cắt giảm mục tiêu doanh số trong năm nay, dù con số cụ thể chưa được thông báo. Cho đến nay, doanh số bán điện thoại thông minh đã giảm mạnh ngoài lãnh thổ Trung Quốc, tuy nhiên Huawei vẫn bán được 22 triệu sản phẩm trong tháng 2, thậm chí tăng hơn một chút so với cùng kì năm ngoái.

Trung Quốc đang dần khuyến khích sản xuất trở lại sau khi phong tỏa cả nước từ cuối tháng 1 năm ngoái. Dù được phép sản xuất sớm hơn, dịch bệnh vẫn tạo ra lực cản lớn với Huawei – nhà sản xuất linh kiện viễn thông lớn nhất thế giới và là nhà bán lẻ điện thoại di động lớn thứ hai thế giới – vốn đã phải đương đầu với các nỗ lực hạn chế thương mại từ chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump. Chính phủ Mỹ thậm chí đặt áp lực lên các quốc gia đồng minh nhằm ngăn chặn những nước này mua các linh kiện 5G của Huawei. Washington cho rằng thiết bị viễn thông do Huawei phân phối có thể phục vụ mục đích gián điệp của Bắc Kinh, dù Huawei khẳng định điều trái ngược.

Ông Ren tự tin rằng Huawei có thể đạt được mục tiêu tài chính mới trong năm nay, bất chấp các cáo buộc của Mỹ đồng thời tác động của đại dịch corona. Trước đó, doanh thu của Huawei tăng 18% vào năm 2019, lên đến 122 tỷ USD. Theo ông này, kết quả kinh doanh thuận lợi đến từ niềm tin của khách hàng với Huawei. Tuy nhiên, việc kinh doanh điện thoại thông minh của công ty này vẫn phải đối mặt với thách thức. Dù không có mặt ở thị trường Mỹ, điện thoại của Huawei luôn đứng đầu danh sách điện thoại bán chạy ở Châu Âu, Trung Quốc và Trung Đông, vượt mặt cả Apple về doanh số bán lẻ toàn cầu, chỉ đứng sau Samsung. Tuy nhiên, không thể tiếp cận công nghệ của Google nói riêng và các doanh nghiệp Mỹ nói chung đồng nghĩa với việc Huawei phải nhanh chóng nghiên cứu phát triển ứng dụng của riêng mình. Ở thi trường ngoài Trung Quốc, tình hình khả quan hơn, nhưng không tăng trưởng nhanh. 

Bất chấp tuyên bố bắt đầu vận hành sản xuất, một số văn phòng của Huawei vẫn đóng cửa. Văn phòng của Huawei ở Vũ Hán, vốn có đến 8.000 nhân viên, vẫn đang duy trì tình trạng làm việc từ xa, dù chính quyền nước này đã bắt đầu giảm nhẹ lệnh cấm di chuyển với người dân khu vực này.

Vân Anh
Cùng chuyên mục