Được giao mảnh đất toàn hồ nước, anh nông dân phát kiến trồng rau sạch trên bè nổi, không ngờ thu tiền tỷ

Trần Cửu Long Thứ hai, ngày 01/05/2023 18:45 PM (GMT+7)
Là dân tay ngang về nông nghiệp, nhưng sau khi được giao mảnh đất toàn hồ nước, anh nông dân đất Thủ Thừa (tỉnh Long An) Nguyễn Văn Đắc đã có phát kiến làm bè nổi trồng rau sạch. Với việc trồng rau, mỗi năm anh thu về hàng tỷ đồng.
Bình luận 0

Một ngày nắng chang chang, chúng tôi rủ nhau về đất Thủ Thừa xem trang trại nổi trồng rau sạch của anh Đắc.
Độc đáo trồng rau sạch trên bè nổi

Vượt qua cái cổng ghi dòng chữ "Nông trại hữu cơ Tâm An", trước mặt chúng tôi là khu vườn sinh thái đang làm dở dang với những hồ nước mênh mông. Trên mặt hồ, hàng trăm chiếc bè trồng rau, quả xanh mướt được kết nói với nhau nổi dập dềnh như những con rắn khổng lồ, uốn lượn trông rất lạ mắt.

Cảnh tượng đẹp mắt của nông trại nổi này khiến tôi nhớ đến những nông dân ở thị trấn Nazirpur, phía Tây Nam Bangladesh trồng hoa màu trên bè nổi theo phương thức canh tác của tổ tiên họ. Với những chiếc bè được đan bằng thân cây lục bình, nông dân ở thị trấn Nazirpur đã tạo ra các khu vườn nổi có thể dịch chuyển lên xuống theo mực nước khi lũ dâng. Bè trồng được nhiều loại nông sản như dưa chuột, củ cải, bí ngô hay cà chua.

Trên chiếc vỏ lãi đưa chúng tôi ra nông trại nổi, anh Đắc thổ lộ, anh không phải là nông dân trực tiếp sản xuất. Công việc trước đây của anh là thu mua trái cây xuất khẩu. Do có "máu phiêu lưu" thích làm nông nghiệp sạch, anh Đắc quyết định thuê lại 10ha đất của nhà nước sát TP.Tân An và mua thêm 10ha đất liền kề để thỏa chí làm vườn.

gop/Trồng rau sạch trên bè nổi, thỏa máu phiên lưu lại thu tiền tỷ  - Ảnh 1.

Anh Nguyễn Văn Đắc thăm các bè nổi trồng rau, quả. Ảnh: Trần Đáng

Phát kiến trồng rau, quả trên bè nổi của anh Nguyễn Văn Đắc gợi mở hướng đi mới cho nông dân vùng ĐBSCL về cách làm nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu, cung cấp nguồn rau sạch cho thị trường.

Trên mảnh đất anh Đắc thuê, trước đây, để nâng cấp con đường 62 thành quốc lộ, các đơn vị thi công đã cho lấy đất gia cố nền đường và tạo thành những hồ nước rộng mênh mông, sâu đến 20m. 

Qua năm tháng, những hồ nước này lưu giữ rất nhiều loài cá nước ngọt, trong đó có những con cá hô, cá tra dầu… nặng vài chục ký. Là một nhà kinh doanh, anh Đắc biết nguồn thủy sản này là một kho báu. "Rất quý giá, nhất là trong tình hình các giống cá nước ngọt trong thiên nhiên đang cạn kiệt" - anh Đắc cho biết.

Theo anh Đắc, tận dụng nguồn giống cá nước ngọt quý hiếm trong hồ, sắp tới, anh sẽ xây dựng nơi đây thành trung tâm nhân giống cá nước ngọt phục vụ cá giống cho nông dân.

Câu chuyện đang đi đến cao trào, cũng là lúc chiếc vỏ lãi cập vào một chiếc bè trồng cà chua bi đang cho trái chi chít. Không nói không rằng, anh Đắc hái vội mấy nhánh cà chua bi có trái chín đỏ rồi đưa mời tôi thưởng thức. Quả thật, mùi vị cà chua bi trồng trên bè rất khác biệt: Ngọt, giòn và nhất là khá thơm.

Anh Đắc chia sẻ, để có những chiếc bè nổi trồng rau ổn định, vững chắc trên mặt nước anh đã mất… 2 năm tính toán và thử nghiệm. Theo đó, ban đầu để làm chiếc bè trồng rau hữu cơ dài 3m, rộng 1m, anh Đắc thu gom chai nhựa vứt bỏ rồi kết dính với nhau.Tuy nhiên, sau khi đưa xuống nước, chiếc bè này nhanh chóng vỡ toang vì không chịu nổi những đợt sóng xô tới.

Bỏ kế hoạch này, anh Đắc dùng giỏ lưới cho vỏ chai nhựa vào để làm bè. Nhưng do không kết dính, nên các chai nhựa cứ xáo trộn làm bè không ổn định. Nghĩ mãi, anh Đắc làm thêm khung tre để ổn định khung bè. Cộng thêm dùng dây chằng bè trên ao, và kết nối các bè để thành một khối nhằm tạo sự ổn định và chống chọi sóng, gió.

Xong với việc làm bè, anh Đắc chuẩn bị làm giá thể để trồng rau, quả. Tận dụng nguồn lục bình tự nhiên vô tận tại địa phương, anh Đắc cho máy xúc trục vớt phơi khô. Sau khi lục bình được phơi khô, anh Đắc cho thêm phân gà, phân bò, một số loại phân hữu cơ, vỏ trứng để cung cấp vi lượng và vi sinh rồi ủ khoảng 20 ngày, sau đó đem trồng rau.

Giờ là lúc anh Đắc tính toán đặt giá thể lên bè để trồng rau hữu cơ. Làm thế nào để sức nổi của bè chịu được trọng lượng của giá thể và khi rau hữu cơ tăng trưởng trên bè. "Thường mỗi bè có khoảng 13kg chai nhựa. Khi trồng các loại dây leo, như cà chua, bầu, bí, mướp, tôi tăng thêm 2kg chai nhựa cho mỗi bè để tăng độ nổi khi các loại rau cho trái"- anh Đắc chia sẻ.

Anh Đắc cho biết, trong quá trình trồng hoặc sau khi thu hoạch rau, quả sẽ bổ sung dinh dưỡng cho giá thể. Những giá thể này có thể sử dụng đến 2 năm mới thay.

Theo anh Đắc, việc trồng rau, quả trên bè nổi giúp cách ly được khoảng 80% các loại sâu, bệnh và côn trùng gây hại, bảo đảm chất lượng rau sạch. Nếu có sâu bệnh sinh sôi, nhân công sẽ dùng tay bắt, dùng chế phẩm sinh học phun diệt sâu, rầy, hoặc kéo các bè trồng rau hữu cơ ra giữa hồ để cách ly với bờ ao.

Mở rộng nông trại nổi

gop/Trồng rau sạch trên bè nổi, thỏa máu phiên lưu lại thu tiền tỷ  - Ảnh 3.

Các bè nổi trồng rau, quả đang cung cấp những sản phẩm sạch cho thị trường. Ảnh: Trần Đáng

Hiện anh Đắc trồng khoảng 20 loại rau, quả trên các bè nổi, sản phẩm bán cho hệ thống siêu thị. Ngoài ra, anh cũng cung cấp sản phẩm theo đơn đặt hàng của các đơn vị. Với 400 bè nổi trồng rau hữu cơ, mỗi ngày anh cung cấp 300 – 500kg các loại rau cho các đơn vị đặt hàng.

Mỗi tháng, anh Đắc thu khoảng 250 triệu đồng tiền bán rau. Hiện, giá rau tại nông trại nổi trồng rau hữu cơ này khá "chát". Giá rau hữu cơ thấp nhất là 40.000 đồng/kg, cao nhất hơn 100.000 đồng/kg. Cụ thể, giá cà chua bi hơn 100.000 đồng/kg, giá xà lách 100.000 đồng/kg, giá bầu, bí 40.000 đồng/kg…

Anh Đắc thổ lộ, trồng rau hữu cơ, làm nông nghiệp sạch công sức bỏ ra rất nhiều. Vì thế, khi có sản phẩm anh tự định giá rồi mới bán ra thị trường chứ không để thương lái cho giá thu mua. "Nhân viên siêu thị đến hỏi thu mua rau, họ phải công nhận siêu thị không có loại rau sạch này thì mới nói chuyện tiếp. Còn giá rau tôi định sẵn rồi, được thì mua. Tôi "bao" kiểm tra chất lượng" - anh Đắc khẳng định.

Theo anh Đắc, rau hữu cơ ở nông trại nổi này rất khác biệt với rau thường bởi mùi vị thơm, ngon. Những ai đã thưởng thức quen thì khó bỏ được. Anh đang thu gom chai nhựa và lục bình để làm thêm bè nổi trồng rau, quả. Anh chia sẻ, thị trường cho loại rau, quả khác biệt này rất rộng mở. Nhiều đối tác đang đẩy mạnh đặt hàng. 

"Khi tiếp nhận đất, thấy toàn là hồ nước tôi cũng ngại vì lấy đất đâu sản xuất. Phát kiến làm bè nổi trồng rau, quả thành công khiến tôi rất mừng" - anh Đắc bộc bạch. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem