Đường sắt Hà Nội, Sài Gòn sẽ bị "xoá sổ", cơ cấu đường sắt thay đổi ra sao?

Thế Anh Thứ tư, ngày 16/08/2023 18:51 PM (GMT+7)
Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp vừa trình Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phê duyệt đề án cơ cấu lại Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đến năm 2025.
Bình luận 0

Cụ thể, giai đoạn đến 2025, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam tiến hành hợp nhất Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội và Công ty CP Vận tải đường sắt Sài Gòn thành một. Như vậy, sau khi sáp nhập, 2 doanh nghiệp này sẽ bị "xoá sổ" không còn pháp nhân kinh doanh như cũ.  

Việc hợp nhất này là tiếp tục thực hiện phương án cơ cấu lại doanh nghiệp, đơn vị trực thuộc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam theo Văn bản số 303 ngày 7/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ.

Đối với phương án sáp nhập hai công ty cổ phần vận tải đường sắt Hà Nội và Sài Gòn, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam dự kiến tỷ lệ phần vốn Nhà nước nắm giữ trên vốn điều lệ của công ty cổ phần vận tải đường sắt sau hợp nhất sẽ lớn hơn 80%.

Đường sắt Hà Nội, Sài Gòn sẽ bị "xoá sổ", cơ cấu đường sắt thay đổi ra sao?  - Ảnh 1.

Hệ thống đường sắt quốc gia đang khai thác. Ảnh: Thế Anh

Tổng công ty Đường sắt Việt Nam giữ nguyên tỷ lệ phần vốn nhà nước nắm giữ trên vốn điều lệ của Công ty CP Xe lửa Dĩ An là 86,85% và Công ty CP Xe lửa Gia Lâm là 77,37%.

Cùng với đó, giữ nguyên mô hình tổ chức và duy trì tỷ lệ phần vốn góp của Tổng công ty nắm giữ mức cổ phần chi phối trên 51% vốn điều lệ đối với 15 công ty cổ phần đường sắt và 5 công ty cổ phần thông tin tín hiệu đường sắt.

Giữ nguyên tỷ lệ phần vốn nhà nước nắm giữ trên vốn điều lệ của Công ty CP Đá Đồng Mỏ là 51%, Công ty CP Đá Mỹ Trang là 44,44% và Công ty CP Vận tải và Thương mại đường sắt là 18,45%.

Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cũng sẽ giữ nguyên mô hình tổ chức của 12 chi nhánh khai thác đường sắt như hiện nay. Bên cạnh đó thành lập mới Trung tâm Khoa học công nghệ và dịch vụ.

Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đề nghị, kết thúc năm 2025, sau khi công ty vận tải đường sắt hợp nhất đi vào hoạt động, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cần nghiên cứu giảm tỷ lệ vốn chi phối tại công ty này nhằm tách bạch hoạt động điều hành GTVT và hoạt động vận tải, tạo điều kiện để nhà đầu tư mới tham gia thị trường vận tải đường sắt.

Cùng đó, nghiên cứu hình thành công ty con thuộc công ty vận tải hợp nhất chuyên kinh doanh vận tải hàng hóa nhằm chuyên môn hóa vận tải hàng hóa, vận tải hành khách.

Về việc thành lập mới Trung tâm Khoa học công nghệ và dịch vụ theo đề án, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp cho rằng, việc này là cần thiết vì cơ bản giải quyết được tính cấp thiết trong việc thành lập một bộ phận chuyên trách về công nghệ thông tin, thực hiện chuyển đổi số trong doanh nghiệp.

Theo đề án 46 (Đề án quản lý, sử dụng, khai thác kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia do Nhà nước đầu tư) đang được trình Thủ tướng Chính phủ (lần 8), trong đó giao tổng công ty quản lý, sử dụng, khai thác kết cấu hạ tầng đường sắt không tính thành phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đến năm 2030.

Sau đó, giao Tổng công ty Đường sắt tiếp tục xây dựng đề án giao quản lý tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia tính thành vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.

Trung tâm được thành lập để thực hiện nhiệm vụ này, khai thác nguồn lực là tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt có khả năng khai thác thương mại, huy động, kêu gọi các nhà đầu tư hợp tác kinh doanh. Việc hình thành Trung tâm Khoa học công nghệ và Dịch vụ tại giai đoạn 2021 - 2025 là cần thiết. Tuy nhiên, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cần xây dựng lộ trình phù hợp với tình hình sản xuất kinh doanh.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem