Đường sắt nguy cơ mất hết vốn chủ sở hữu 3.200 tỷ đồng

09/01/2021 06:27 GMT+7
"Với tình hình như hiện nay, vốn chủ sở hữu 3.200 tỷ đồng của Tổng công ty tại 2 Công ty CP vận tải Hà Nội và Sài Gòn sẽ mất hoàn toàn", đó là chia sẻ không vui của người đứng đầu ngành Đường sắt.

Theo báo cáo của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR), do tác động của dịch Covid-19 năm 2020, sản lượng đạt 6.828,6 tỷ đồng (bằng 79% so với cùng kỳ). Doanh thu 6.565,1 tỷ đồng (bằng 78,3% so với năm 2019). Thu nhập bình quân người lao động 8,27 triệu đồng/tháng (bằng 86,2% so với cùng kỳ).

Đường sắt nguy cơ mất hết vốn chủ sở hữu 3.200 tỷ đồng - Ảnh 1.

Hạ tầng đường sắt còn lạc hậu

Chủ tịch Hội đồng thành viên VNR Vũ Anh Minh cho biết, dịch Covid-19 đã phá vỡ toàn bộ kế hoạch khôi phục vận tải hành khách của các đơn vị vận tải đường sắt trong các đợt vận tải cao điểm Hè, lễ Tết. Số lượt hành khách đi tàu có tháng chỉ đạt 30-35% so với cùng kỳ, đây là mức thấp nhất trong lịch sử ngành đường sắt.

Với tình tình dịch Covid-19 chưa có dấu hiệu kết thúc mà kéo dài sang năm 2021, VNR sẽ triển khai dự án 7.000 tỷ đồng sẽ tập trung đảm bảo tiến độ thi công sẽ làm giảm năng lực chạy tàu thông qua (khoảng từ 25-30%); sự cạnh tranh của các hãng hàng không về giá vé sẽ tác động mạnh mẽ đến sản lượng vận tải hành khách, hàng hóa sẽ bị sụt giảm nghiêm trọng, đặc biệt là vận tải hành khách.

Đáng buồn hơn hết, ông Minh tiết lộ: "Do dịch Covid-19, vốn chủ sở hữu 3.200 tỷ đồng của Tổng công ty VNR tại 2 Công ty CP vận tải Hà Nội và Sài Gòn sẽ mất hoàn toàn và nỗ lực sản xuất kinh doanh trong những năm qua ở 2 đơn vị này sẽ bị xóa sạch trong 3 năm tới đây".

Đường sắt nguy cơ mất hết vốn chủ sở hữu 3.200 tỷ đồng - Ảnh 2.

Ngành đường sắt đang đối diện với nhiều khó khăn.

Cũng theo ông Minh, nguồn vốn bố trí cho đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt quá thấp so nhu cầu, chưa tạo sức hút mạnh mẽ đối với nguồn vốn tư nhân bởi vậy các dự án đều kéo dài hoặc đình trệ, chưa có bước đột phá tạo đà cho bứt phá phát triển, thị phần của vận tải đường sắt ngày càng thu hẹp.

Về kế hoạch tái cơ cấu lại ngành đường sắt, ông Minh đưa ra kịch bản 2021 dịch Covid-19 khi có vắcxin; gói 7.000 tỷ đồng kết thúc và đường sắt sẽ có hạ tầng tốt hơn để năng lực thông quan vận tải, từ đó ngành sẽ có dư địa phát triển. Tuy nhiên, nguồn lực về cơ chế chính sách không phải là hữu hạn nên cần đề xuất chính sách trên cơ sở các phương thức vận tải khác.

"Hiện, đề án tái cơ cấu VNR đã trình 41 tháng nhưng vẫn chờ Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ vào nhiệm kỳ mới. VNR phải tái cơ cấu từ tài chính, đầu tư, khoa học công nghệ, sản phẩm dịch vụ, tái cơ cấu nhân sự và mô hình tổ chức", ông Minh tiết lộ.

Chia sẻ về những khó khăn, ông Minh cho hay, ngành đường sắt không ở trong giai đoạn hành khách xếp hàng dài mua vé, cần giảm định biên nên buộc tái cơ cấu ở tất cả các vị trí, kiêm nhiệm bộ máy hành chính, sắp xếp các đơn vị phụ thuộc để quản lý các nguồn lực một cách tốt nhất.

Đánh giá về những khó khăn của ngành Đường sắt, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết, giai đoạn 2010 - 2020, nguồn vốn đầu tư cho lĩnh vực đường sắt xấp xỉ 40.000 - 45.000 tỷ đồng, bình quân mỗi năm từ 4.000 - 4.500 tỷ đồng. Nguồn vốn có sự tăng trong những năm qua nhưng không được nhiều, chủ yếu để duy trì chạy tàu, bảo trì kết cấu hạ tầng và đảm bảo an sinh xã hội.

Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Phú Hà, Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp cho rằng, VNR khó khăn nhiều với cơ chế chính sách, nguồn vốn hạn chế. VNR được giao quản lý nhiều tài nguyên tài sản nhưng khai thác kinh doanh ra tiền là gần như không có mà dựa vào ngân sách.

Trong 10 năm qua huy động ngân sách tư nhân là rất hạn hẹp vì thế Đề án quản lý khai thác kết cấu hạ tầng đường sắt được giao tài sản cần làm kỹ càng để trình Chính phủ phê duyệt từ đó có các chính sách hút vốn tư nhân.


Thế Anh
Cùng chuyên mục