Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam có quy mô rất lớn, chưa có tiền lệ

Thế Anh Chủ nhật, ngày 02/07/2023 13:25 PM (GMT+7)
Bộ GTVT vừa đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định thành lập Tổ công tác xây dựng Đề án chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam với nhiệm vụ là chỉ đạo xây dựng Đề án để trình Chính phủ, Quốc hội, Bộ Chính trị.
Bình luận 0

Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam chưa có tiền lệ

Cụ thể, dự án xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam có quy mô rất lớn, ảnh hưởng sâu rộng và lâu dài đến phát triển kinh tế xã hội đất nước, có tiêu chuẩn kỹ thuật - công nghệ phức tạp, nguồn lực đầu tư đặc biệt lớn.

Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam có quy mô rất lớn, chưa có tiền lệ - Ảnh 1.

Tuyến đường sắt tốc độ cao của Lào đang khai thác. Ảnh: TA

Đây cũng là dự án chưa có tiền lệ, lần đầu tiên được triển khai tại Việt Nam nên cần có sự chỉ đạo tập trung từ cấp cao nhất, có quyết tâm chính trị mạnh mẽ; cần được nghiên cứu thận trọng, kỹ lưỡng để lựa chọn phương thức và nguồn vốn đầu tư, yếu tố kỹ thuật (công nghệ, tốc độ khai thác, đối tượng phục vụ v.v...), mô hình khai thác hợp lý trên cơ sở phù hợp với xu thế phát triển của quốc tế, điều kiện thực tế của Việt Nam, bảo đảm tầm nhìn chiến lược, dài hạn.

Bộ GTVT cũng đang chỉ đạo các đơn vị liên quan tiếp thu ý kiến của Hội đồng thẩm định; đồng thời, thực hiện Kết luận số 49-KL/TW của Bộ Chính trị về định hướng phát triển GTVT đường sắt.

Ngoài ra, Bộ GTVT đã tổ chức đoàn công tác đi học hỏi kinh nghiệm tại một số quốc gia có hệ thống đường sắt tốc độ cao phát triển như Châu Âu, Trung Quốc để cập nhật, bổ sung hoàn thiện Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án.

Đoàn công tác nghiên cứu để có đầy đủ cơ sở khoa học, khách quan, Bộ GTVT sẽ huy động tư vấn quốc tế có kinh nghiệm để nghiên cứu, hoàn thiện làm cơ sở trình cấp có thẩm quyền xem xét quyết định chủ trương đầu tư trong năm 2025.

Theo Bộ GTVT, để thực hiện thành công Dự án nói riêng, phát triển lĩnh vực đường sắt nói chung cần phải thực hiện đồng bộ bằng nhiều giải pháp, nguồn lực huy động rất lớn, cần sự vào cuộc, phối hợp của các bộ, ngành và địa phương.

Đồng thời, cần thiết thành lập Tổ công tác giúp Thủ tướng Chính phủ để nghiên cứu xây dựng các cơ chế, chính sách, giải pháp lớn mang tính tổng thể, liên ngành và chỉ đạo, điều hòa, phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương trong quá trình xây dựng Đề án.

Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam có quy mô rất lớn, chưa có tiền lệ - Ảnh 2.

Bên trong tàu đường sắt tốc độ cao của Lào đang vận hành khai thác. Ảnh: TA

Đề xuất Thủ tướng làm Tổ trưởng

Qua đó, Bộ GTVT đề xuất Thủ tướng Chính phủ là Tổ trưởng Tổ công tác xây dựng Đề án chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam; Tổ phó thường trực là Phó Thủ tưởng Chính phủ Trần Hồng Hà; 2 Tổ phó là Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ trưởng Bộ GTVT.

Các thành viên khác của Tổ công tác gồm: Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; Bộ trưởng các Bộ: Tài chính, xây dựng, Công thương, Khoa học và Công nghệ, Giáo dục và Đào tạo; lãnh đạo các Bộ: Quốc phòng, Công an, Nội vụ, Tư pháp, Ngoại giao, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Thông tin và Truyền thông, Lao động thương binh và Xã hội; Chủ tịch Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp; Chủ tịch UBND của 20 tỉnh/thành phố có tuyến đường sắt tốc độ cao đi qua; Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Đường sắt Việt Nam.

Về Cơ quan thường trực tổ công tác, Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng giao Bộ GTVT là Cơ quan thường trực Tổ công tác xây Đề án.

Tổ công tác hoạt động theo hình thức kiêm nhiệm và tự giải thể sau khi Bộ Chính trị có kết luận về chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam hoặc theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Trước đó, trung tuần tháng 5/năm 2023, Bộ GTVT đã thông báo về việc triển khai dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, trong đó, bổ sung phương án xây dựng mới đường sắt Bắc - Nam theo tiêu chuẩn đường đôi, khổ 1.435mm.

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy cho biết, dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam có quy mô lớn, công nghệ - kỹ thuật phức tạp, cần nhiều nguồn lực lớn để đầu tư, là động lực quan trọng để tạo đột phá phát triển kinh tế - xã hội cả nước và được Bộ Chính trị yêu cầu nghiên cứu cẩn trọng, toàn diện, kỹ lưỡng.

Theo đó, Ban QLDA Đường sắt, tư vấn và các đơn vị liên quan tiếp tục rà soát, tham khảo kinh nghiệm quốc tế; cập nhật, bổ sung nghiên cứu hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi (NCTKT) dự án.

Trên cơ sở các kịch bản đầu tư đã nghiên cứu, kịch bản theo ý kiến chỉ đạo của Ban Cán sự Đảng Chính phủ, các đơn vị nghiên cứu bổ sung các nội dung.

Cụ thể, đối với kịch bản đường sắt mới chỉ vận tải hành khách, bổ sung đường sắt hiện hữu cải tạo, nâng cấp, điện khí hóa phù hợp với lộ trình cam kết của Việt Nam tại COP26 để vận tải hàng hóa; Bổ sung phương án xây dựng mới đường sắt trên trục Bắc - Nam theo tiêu chuẩn đường đôi, khổ 1.435mm, điện khí hóa để vận tải hành khách và hàng hóa làm cơ sở để so sánh, lựa chọn.

Về hướng tuyến, cơ bản giữ nguyên hướng tuyến đã thống nhất với các địa phương trước đây. Đối với một số địa phương có ý kiến điều chỉnh, Thứ trưởng Huy yêu cầu Ban QLDA đường sắt, tư vấn triển khai ngay công tác rà soát và làm việc để thống nhất với các địa phương.

Đồng thời, Ban QLDA đường sắt khẩn trương nghiên cứu, làm việc với các địa phương về phạm vi, vị trí bổ sung các ga hàng hóa đối với kịch bản vận tải chung hành khách và hàng hóa.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem