Triển vọng kinh tế Anh quý III/2019 thấp nhất trong 8 năm vì khủng hoảng Brexit

29/09/2019 16:27 GMT+7
Một cuộc khảo sát mới đây cho thấy sự bi quan của doanh nghiệp Anh vào kết quả kinh doanh quý III/2019 đã tăng lên mức cao nhất trong gần 8 năm, trong bối cảnh khủng hoảng Brexit đè nặng lên triển vọng kinh tế.
Triển vọng kinh tế Anh quý III/2019 thấp nhất trong 8 năm vì khủng hoảng Brexit - Ảnh 1.

Bế tắc Brexit vào thời điểm ly khai gần kề khiến triển vọng kinh tế Anh ảm đạm

Thước đo chỉ số hoạt động của khu vực kinh tế tư nhân do Liên minh Công nghiệp Anh CBI công bố hôm 29/9 (giờ Anh) vẫn cho thấy mức ổn định -6% trong quý III/2019, tương tự giai đoạn trước đó. Nhưng kỳ vọng kinh doanh trong tháng 3 lại giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 12/2011, theo khảo sát mà CBI thực hiện trên 567 công ty.

Các doanh nghiệp đã viện dẫn bế tắc Brexit và ảnh hưởng nặng nề của nó đến triển vọng kinh tế của Anh, nhất là trong bối cảnh thời hạn Brexit sắp đến gần và Tân Thủ tướng Boris Johnson hiện chưa đưa ra được con đường đi tiếp theo cho Vương quốc. Sau hơn 3 năm kể từ khi đa số người Anh bỏ phiếu rời khỏi Liên minh Châu Âu EU, giờ đây họ vẫn chưa rõ Anh sẽ tách khỏi EU ra sao vào ngày 31/10 tới: có hay không một sự rời đi có trật tự?

Anh gia nhập Liên minh Châu Âu EU năm 1973, dễ hiểu khi cuộc bỏ phiếu Brexit năm 2016 khiến đầu tư kinh doanh của Anh đình trệ. Tăng trưởng kinh tế Anh giờ đây phụ thuộc nhiều hơn vào động lực chi tiêu tiêu dùng thay vì đầu tư doanh nghiệp. Điều này tương tự với Mỹ. Chỉ khác, kinh tế Mỹ vẫn tăng trưởng ổn định, còn kinh tế Anh có vẻ không lạc quan như vậy.

Tân Thủ tướng Anh Boris Johnson - người mới nhậm chức hồi tháng 7 thay cho bà Theresa May sau khi bà này 3 lần thất bại kêu gọi Quốc hội thông qua thỏa thuận Brexit - cũng đang bị đặt vào tình thế đầy khó khăn. Ông Boris từng kêu gọi người dân Anh nên chuẩn bị cho một cuộc ly khai EU vào ngày 31/10 ngay cả khi không có thỏa thuận nào được đưa ra. Nhưng rõ ràng điều này không làm các nhà lập pháp Anh hài lòng. 

Ngay từ tháng 7, khi ông Boris Johnson chưa nhậm chức, Bộ trưởng tài chính Anh Philip Hammond đã tuyên bố từ chức vì ông không thể ủng hộ một nhà lãnh đạo bằng lòng với việc đưa đất nước ra khỏi Liên minh Châu Âu mà không có bất kỳ thỏa thuận nào. Cùng với ông Hammond, 2 quan chức Anh khác là Bộ trưởng phát triển quốc tế Rory Stewart và Bộ trưởng Tư pháp Anh David Gauke cũng theo Cựu Thủ tướng Theresa May rời Nội các để phản đối chủ trương Brexit không thỏa thuận của ông Boris Johnson. 

Những nhà lập pháp Anh giờ đây rõ ràng đang đối diện với một hoàn cảnh căng thẳng. Áp lực đưa nền kinh tế Anh trở lại đúng hướng trong bối cảnh thời hạn Brexit 31/10 đang đến gần khiến họ khó có thể đưa ra lựa chọn.

Về phần Thủ tướng Anh, ông Boris Johnson những ngày qua liên tục thất bại trong các cuộc bỏ phiếu của Quốc hội. Hạ viện Anh hồi đầu tháng 9 thông qua kết quả bỏ phiếu 328/301 đã thành công ngăn Tân Thủ tướng đưa Anh rời EU không thỏa thuận vào 31/10. Trong số 328 phiếu nghịch phản đối ông Boris, có tới 21 phiếu của thành viên đảng Bảo thủ do chính ông Boris cầm đầu; bất chấp việc ông Boris nhiều lần đe dọa sẽ dùng quyền lãnh đạo đảng để loại 21 dân biểu này ra khỏi đảng nếu đứng về phe đối lập. 

21 dân biểu phản đối ông Boris bao gồm gồm những nhân vật quyền lực như cựu Bộ trưởng Tài chính Philip Hammond (người đã từ chức theo bà Theresa May hồi tháng 7), cựu chủ tịch đảng Bảo thủ Ken Clarke, cựu Bộ trưởng Giáo dục Justine Greening, ngài Nicholas Soames - cháu ruột cố Thủ tướng Anh Winston Churchill.

Thùy Dung
Cùng chuyên mục