EVN: Nhiệt độ ngoài trời cao, dùng điều hòa sẽ tốn điện hơn

Thanh Phong Thứ ba, ngày 23/06/2020 16:00 PM (GMT+7)
Nói về việc hóa đơn tiền điện tăng “phi mã” thời gian qua, theo đại diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) phân tích, với cùng mức sử dụng (thời gian, nhiệt độ), việc nhiệt độ ngoài trời cao những ngày qua có thể khiến điều hòa tiêu thụ nhiều điện hơn.
Bình luận 0

Thời gian qua, nhiều người dân liên tục phản ánh về tình trạng hoá đơn tiền điện tăng cao trong tháng 5 và tháng 6 năm 2020. Đáng chú ý, đối với nhiều hộ gia đình, tiền điện trong thời gian qua cao hơn khi thực hiện "giãn cách xã hội", người dân thường xuyên ở nhà, nhu cầu sử dụng điện cao.

Nói về tình trạng trên, đại diện EVN cho hay, hiện tại, đã có tới hơn 3,1 triệu khách hàng sinh hoạt trên tổng số 26 triệu khách hàng sử dụng điện sinh hoạt trên cả nước (tương đương khoảng 11,92% khách hàng) có mức tiêu thụ điện của tháng 5 cao hơn 30% so với tháng 4/2020.

"Đặc biệt trong số này có tới gần 1 triệu khách hàng có mức tiêu thụ điện tăng 50%, thậm chí có tới hơn 215 nghìn khách hàng có mức tiêu thụ điện tăng trên 300% so với tháng 4 trước đó", EVN cho hay.

EVN: Nhiệt độ ngoài trời cao, dùng điều hòa sẽ tốn điện hơn - Ảnh 1.

Theo EVN, nguyên nhân của tình trạng hóa đơn tiền điện tăng là do nhiệt độ ngoài trời cao.

Theo dự kiến của Tập đoàn EVN, kỳ hoá đơn tháng 6/2020 sẽ còn tăng cao hơn do liên tiếp có các đợt nắng nóng gay gắt kéo dài, nhiều khách hàng sử dụng điện tăng mạnh so với tháng 5/2020.

Số liệu thống kê mới đến ngày 20/6/2020 cho thấy, đã có tới hơn 7,22 triệu khách hàng sinh hoạt (chiếm 27,77% khách hàng) có mức tiêu thụ điện cao hơn 30% so với tháng 5/2020 (gấp 2,33 lần so với tháng 5/2020).

Số khách hàng có mức tiêu thụ điện tăng trên 50% là hơn 4,4 triệu (gấp 4,4 lần so với tháng 5), đồng thời có hơn 326 nghìn khách hàng có mức tiêu thụ điện tăng trên 300% so với tháng 5 trước đó.

"Riêng đối với điều hòa nhiệt độ, theo chuyên gia kỹ thuật, khi nhiệt độ ngoài trời tăng thêm 10 độ C, lượng điện tiêu thụ của điều hòa tăng từ 2 đến 3%. Nếu nhiệt độ ngoài trời tăng thêm 50 độ C, lượng điện tiêu thụ của điều hòa tăng thêm 10%. Do đó, mặc dù thời gian sử dụng điều hòa không đổi nhưng khi nhiệt độ môi trường tăng và nhiệt độ trong phòng vẫn đặt ở mức không thay đổi thì lượng điện tiêu thụ của điều hòa vẫn tăng lên rất nhiều.

Bên cạnh đó, còn một số nguyên nhân khác như việc mở cửa ra vào nhiều, đóng mở tủ lạnh nhiều lần cũng gây thất thoát nhiệt làm cho lượng điện tiêu thụ có thể tăng đến 17%. Đối với với các hộ gia đình có sử dụng máy lạnh, máy điều hòa nhiệt độ việc sử dụng điện tăng lên đột biến và kèm theo đó chi phí sử dụng điện cũng tăng theo", đại diện EVN cho biết.

EVN: Nhiệt độ ngoài trời cao, dùng điều hòa sẽ tốn điện hơn - Ảnh 2.

Thời gian qua, nhiều người dân phản ứng do hóa đơn tiền điện tăng đột biến.

EVN giải thích việc hóa đơn tiền điện tăng do yếu tố khách quan là thời tiết nắng nóng. Tuy nhiên, đứng trên góc nhìn khác, các chuyên gia cho rằng, bên cạnh yếu tố này, việc tính tiền điện theo lũy tiến bậc thang mới chính là nguyên nhân khiến giá tăng cao như vậy.

Theo đánh giá của chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, trên thực tế, giá điện không điều chỉnh tăng đến hết năm thì chắc chắn mấy tháng này đều tính chung một giá điện.

"Hơn nữa, thời tiết nắng nóng, oi bức khiến cho việc sử dụng thiết bị điện năng nhiều hơn, có nghĩa là số điện sẽ cao hơn những tháng trước. Do đó, nguyên nhân trực tiếp cũng có thể nhận định là do cách tính biểu giá điện bậc thang bởi từ lâu vấn đề này đã gây nhiều tranh cãi khi cách tính này chỉ có lợi cho nhà đèn", ông Long phân tích.

Cụ thể, hiện nay, giá điện sinh hoạt đang được tính theo 6 bậc thang như sau: Bậc 1 cho kWh từ 0-50, tính 1.678 đồng/kWh; Bậc 2 cho kWh từ 51-100, được tính 1.734 đồng/kWh; Bậc 3 cho kWh từ 101-200, được tính 2.014 đồng/kWh; Bậc 4 cho kWh từ 201-300, được tính 2.536 đồng/kWh; Bậc 5 cho kWh từ 301-400 được tính 2.834 đồng/kWh; Bậc 6 cho kWh từ 401 trở lên được tính 2.927 đồng/kWh.

"Có nghĩa là, càng dùng nhiều thì chi phí phải trả sẽ tăng luỹ tiến, điện sử dụng càng nhiều bị áp ở mức giá càng cao là ngược với logic tiêu dùng hàng hoá thông thường (càng mua nhiều càng rẻ). Điều này, dễ làm cho khách hàng khó hiểu, khó kiểm tra, theo dõi dẫn đến khó thông cảm và từ đó có những sự nghi ngờ", ông Long nói.

Cùng quan điểm, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho biết thêm, cách tính điện bậc thang theo hiện tại cũng đang làm giá điện nhiều gia đình tăng lên cao bởi sự chênh lệch giá giữa các bậc là khá lớn. Ngoài ra, để giá điện được minh bạch, người dân không "nghi ngờ" nên có một đơn vị độc lập vào cuộc để rà soát, kiểm tra.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem