Fed báo hiệu siết chính sách tiền tệ: thị trường phản ứng ra sao?

19/06/2021 11:22 GMT+7
Cục Dự trữ Liên bang Fed gần đây đã phát đi tín hiệu về việc đổi chiều chính sách tiền tệ thông qua dự báo tăng lãi suất trong năm 2023 thay vì năm 2024 như tuyên bố hồi tháng 3.

Trong cuộc họp Ủy ban Thị trường mở mới nhất tuần này, FOMC đã nhất trí tiếp tục neo lãi suất cho vay ngắn hạn tiêu chuẩn ở mức tiệm cận 0 như cũ, nhưng gợi ý việc tăng lãi suất có thể được thúc đẩy sớm nhất vào năm 2023. Đây là một dấu hiệu cho thấy Fed có thể sẽ sớm đảo ngược chính sách tiền tệ nới lỏng hiện tại, bởi trong cuộc họp hồi tháng 3, FOMC cho rằng lãi suất có thể sẽ duy trì ở mức tiệm cận 0 hiện tại cho đến ít nhất năm 2024.

Giám đốc đầu tư Peter Boockvar từ Bleakley Global Advisors nhận định: “Đó là sự báo hiệu cho dấu chấm hết của một thời kỳ chính sách tiền tệ ôn hòa kéo dài. Nó chưa phải sự đảo ngược lập tức, nhưng nó cho thấy chúng ta đã bước qua thời kỳ nới lỏng”.

Thực tế, tuyên bố của Fed về chính sách tiền tệ thắt chặt không gây sốc cho thị trường ngay lập tức, nhưng nó báo hiệu nhiều biến động trong tương lai. Về bản chất, thông điệp này mở cánh cửa cho các đợt tăng lãi suất trong tương lai của Fed.

Các nhà phân tích dự kiến Fed sẽ bắt đầu cắt giảm quy mô chương trình mua tài sản ngay cuối năm nay trước khi tiến tới 2 lần tăng lãi suất vào năm 2023. 

Fed báo hiệu siết chính sách tiền tệ: thị trường phản ứng ra sao? - Ảnh 1.

Chủ tịch cục Dự trữ Liên bang Mỹ Jerome Powell (Ảnh: Getty Images)

Đồng USD đã tăng lên mức mạnh nhất 1 năm trong hai ngày qua sau sự báo hiệu của Fed về việc thắt chặt chính sách tiền tệ. Thị trường trái phiếu và chứng khoán toàn cầu cũng chịu biến động. Cổ phiếu công nghệ tăng điểm trong khi các cổ phiếu hàng hóa chu kỳ giảm mạnh. Giá hàng hóa toàn cầu sụt giảm. 

Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ ngắn hạn (chẳng hạn kỳ hạn 2 năm) đã tăng trong khi lợi suất các trái phiếu kỳ hạn dài (10 năm) giảm xuống. Nguyên nhân là thị trường cho rằng nền kinh tế trong dài hạn sẽ không duy trì được mức tăng trưởng tốt như hiện tại trong môi trường lãi suất cao hơn.

Trên thị trường chứng khoán, các cổ phiếu hàng hóa, đặc biệt là năng lượng và vật liệu đã giảm mạnh trong phiên giao dịch 17/6 (giờ Mỹ), ngay sau tuyên bố của Fed. Năng lượng là lĩnh vực hoạt động kém nhất trong chỉ số S&P 500 với mức giảm 3,5%. Trong khi đó, các cổ phiếu vật liệu chứng kiến mức giảm 2,2%, đưa chỉ số S&P 500 và Dow Jones tụt dốc. Ngược lại, đà tăng của các cổ phiếu công nghệ đã đưa Nasdaq tăng lên.

Nhà phân tích kỳ cựu Peter Boockvar nhận định: “Đó là sự làm phẳng đường cong lợi suất. Có niềm tin rằng động thái của Fed sẽ làm chậm đà tăng trưởng. Điều đó thúc đẩy nhà đầu tư bán tháo cổ phiếu hàng hóa và các cổ phiếu theo chu kỳ”.

Một số chiến lược gia kỳ vọng phản ứng của các thị trường sau tuyên bố của Fed chỉ là vấn đề tạm thời. Chẳng hạn, ông Boockvar chỉ ra rằng giá hàng hóa toàn cầu đã bắt đầu giảm từ trước tuyên bố của Fed, khi Trung Quốc công bố kế hoạch mở kho dự trữ kim loại để hạ nhiệt giá hàng hóa một ngày trước đó. 

Lạm phát tăng: tạm thời hay dài hạn?

Ngay cả khi Chủ tịch Fed Jerome Powell thừa nhận lạm phát đang tăng cao hơn mức dự kiến của Fed, ngân hàng trung ương vẫn tiếp tục nhấn mạnh thông điệp rằng áp lực lạm phát chỉ là tạm thời. Fed đã điều chỉnh tăng dự báo lạm phát tiêu chuẩn lên 3,4%, cao hơn 1% so với dự báo hồi tháng 3. Động thái diễn ra trong bối cảnh giá tiêu dùng những tháng qua chứng kiến mức tăng mạnh nhất trong ít nhất 13 năm. Tuy nhiên, trong dài hạn, Fed dự báo lạm phát tiêu chuẩn sẽ ổn định về mức 2,1% trong năm 2022, tức chỉ cao hơn 0,1% so với mức lạm phát mục tiêu của ngân hàng Trung ương.

Tuy nhiên, nhà phân tích chiến lược cổ phiếu và phái sinh của BTIG Julian Emanuel cho rằng rất khó để khẳng định lạm phát có phải hiện tượng tạm thời hay không và tiềm năng nào cho nền kinh tế toàn cầu sau đại dịch. “Khả năng đo lường, dự báo những gì thực sự sẽ diễn ra trong nền kinh tế hiện không hơn gì một mớ lý thuyết, bởi thời điểm này tất cả dựa trên những số liệu thống kê. Mà số liệu thì chỉ ra rằng các chỉ số lạm phát đều nóng hơn dự kiến”.

Cuộc họp chính sách tiền tệ tiếp theo của Fed sẽ diễn ra vào cuối tháng 7 tới, dự kiến sẽ gây ra nhiều biến động hơn nữa. Các nhà đầu tư hiện đều đang chờ đợi xem liệu Fed có cung cấp theo chỉ dẫn nào về việc cắt giảm quy mô chương trình mua tài sản trị giá 120 tỷ USD hàng tháng hiện tại trong cuộc họp đó hay không.

Chương trình mua tài sản, hay còn gọi là nới lỏng định lượng (QE), đã được Fed thực hiện vào năm ngoái như một biện pháp bơm thanh khoản cho thị trường trong thời kỳ suy thoái kinh tế. Fed hiện mua 80 tỷ USD trái phiếu và 40 tỷ USD tài sản chứng khoán thế chấp mỗi tháng. Giám đốc điều hành BlackRock về thu nhập cố định toàn cầu Rick Rieder dự báo Fed có thể cắt giảm quy mô chương trình này khoảng 20 tỷ USD mỗi tháng. Và rồi khi mức QE  về 0, Fed có thể xem xét thời điểm tăng lãi suất.

Theo Marc Chandler của Bannockburn Global Forex, kỳ vọng của thị trường về việc tăng lãi suất đã tiếp tục tăng lên. Thị trường đồng USD - EUR hiện tại dự báo 4 đợt tăng lãi suất vào cuối năm 2023. 


NTTD
Cùng chuyên mục