Giá hàng hóa giảm mạnh sau động thái liên tiếp từ Trung Quốc và Fed
Giá hợp đồng tương lai ngô kỳ hạn giảm gần 6% trong khi giá đồng, hợp kim đồng giảm 4,8%. Giá dầu trượt 1% còn bạch kim giảm mạnh 7% sau các động thái của cơ quan quản lý Trung Quốc nhằm hạ nhiệt đà tăng của thị trường hàng hóa.
Cụ thể, tờ Reuters đưa tin hôm 16/6, chính phủ Trung Quốc đã công bố kế hoạch mở kho dự trữ, đưa ra thị trường các kim loại chủ chốt bao gồm đồng và nhôm. Các quan chức Trung Quốc cũng lên tiếng cảnh báo về tình trạng đầu cơ trên thị trường tài chính trong bối cảnh giá hàng hóa tăng mạnh.
“Giá nhiều kim loại cơ bản đang giảm sâu khi Hội đồng Nhà nước Trung Quốc tăng cường các động thái đàn áp nhà đầu cơ và tình trạng tích lũy hàng hóa bằng cách kiểm toán và siết chặt hoạt động quản lý” - nhận định của ông Daniel Ghali, chiến lược gia hàng hóa của TD Securities.
Việc cục Dự trữ Liên bang Mỹ Fed tăng dự báo lạm phát tiêu chuẩn trong năm 2021 và gợi ý về việc tăng lãi suất trong năm 2023 cũng được cho là góp phần thúc đẩy đà giảm giá hàng hóa do gây áp lực làm đồng USD mạnh lên. Chỉ số đồng USD so sánh sức mạnh đồng bạc xanh với rổ tiền tệ đã tăng khoảng 1,6% sau tuyên bố của Fed. Giá hàng hóa thường có xu hướng đi ngược với đồng bạc xanh vì chúng chủ yếu được định giá bằng đồng USD.
“Đồng USD đang mạnh lên do phản ứng với việc lợi suất trái phiếu tăng cao hơn vào ngày hôm qua (khi Fed báo hiệu về khả năng thắt chặt chính sách tiền tệ) làm tăng triển vọng thanh khoản USD suy giảm. Điều này đã làm giảm đáng kể giá hàng hóa toàn cầu” - nhận định của chuyên gia hàng hóa Jim Paulsen từ Leuthold Group. “Nhiều mặt hàng đã trở thành khoản đầu tư phổ biến trong năm qua khi các nhà đầu tư bổ sung chúng vào danh mục đầu tư như một biện pháp tự bảo vệ trước nguy cơ lạm phát”.
Bên cạnh đó, chuyên gia phân tích Art Cashin của UBS nhận định việc chính phủ Trung Quốc báo hiệu thắt chặt chính sách tài khóa và tiền tệ có nguy cơ tạo ra áp lực bán hàng hóa, khiến giá hàng hóa giảm. Sự sụt giảm diễn ra sau nửa đầu năm tăng giá mạnh mẽ của hàng loạt mặt hàng khi các nền kinh tế toàn cầu bắt đầu phục hồi trở lại.
Sự suy yếu trên thị trường hàng hóa dường như đã gây ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán trong phiên giao dịch 17/6, khi các cổ phiếu năng lượng và khai thác chứng kiến sự suy giảm rõ rệt.
“Tin đồn xuất hiện từ tháng 3 rằng Cục Dự trữ Quốc gia (SRB) của Trung Quốc sẽ tung dự trữ kim loại màu ra thị trường đã trở thành sự thật vào ngày 16/6. Cùng với gợi ý tăng lãi suất của Fed vào ngày 17/6, sau khi chỉ số giá sản xuất tháng 5 tăng mạnh nhất trong hơn một thập kỷ, hầu hết các cổ phiếu năng lượng mới và khai thác đã giảm mạnh từ 5-10% trong đêm” - trích một báo cáo của công ty đầu tư Jefferies.
Cổ phiếu Global X Copper Miners giảm hơn 7% tính đến giữa phiên giao dịch 17/6 tại Mỹ, trong khi cổ phiếu Alcoa và US Steel lần lượt giảm 6,5% và 8%.
Tại Trung Quốc, chỉ số giá sản xuất trong tháng 5 đã tăng 9% so với cùng kỳ năm ngoái khi giá hàng hóa tăng mạnh, theo công bố mới nhất của Cục Thống kê Quốc gia. Đây là lần tăng chi phí sản xuất nhanh nhất mà Trung Quốc từng chứng kiến kể từ tháng 9/2008 đến nay, theo Wind Information. Mức tăng vượt qua dự báo 8,5% của các nhà phân tích Reuters. Dữ liệu cho thấy chi phí sản xuất đã tăng gần gấp đôi (99,1%) đối với ngành khai thác dầu mỏ và khí đốt tự nhiên của Trung Quốc, và tăng 34,3% đối với dầu, than và chế biến nhiên liệu khác.
“Doanh nghiệp cảm thấy đang bị bóp nghẹt lợi nhuận. Một số công ty thậm chí còn ngừng nhận đơn đặt hàng lúc này vì càng sản xuất càng lỗ. Lợi nhuận ròng của họ thậm chí rơi xuống mức âm” - nhà phân tích Gan Jie, giáo sư tài chính kiêm giám đốc học thuật chương trình MBA tại Trường Kinh doanh Cheung Kong, có trụ sở tại Bắc Kinh nhận định. Đây có thể là lý do khiến Bắc Kinh mở kho dự trữ kim loại nhằm hạ nhiệt đà tăng giá hàng hóa trong nhiều tháng qua.