Thêm một thước đo lạm phát tại Mỹ tăng vọt, liệu Fed còn giữ chính sách tiền tệ lỏng lẻo?

29/05/2021 06:00 GMT+7
Bộ Thương mại Mỹ vừa công bố một chỉ báo lạm phát quan trọng tăng nhanh hơn dự kiến trong tháng 4 do áp lực tăng giá khi nền kinh tế phục hồi sau đại dịch.

Chỉ số chi tiêu tiêu dùng cá nhân được dự báo sẽ tăng 2,9% trong tháng 4 sau mức tăng 1,9% hồi tháng 3. Các quan chức Cục Dự trữ Liên bang Fed coi đây là thước đo lạm phát tốt nhất trong hàng loạt chỉ số được theo dõi khác của toàn nền kinh tế.

Mức lạm phát mục tiêu 2% là mức Fed theo đuổi và cho là tối ưu, dù rằng các quan chức Fed trong những tháng qua đã nhiều lần trấn an thị trường rằng họ chấp nhận để lạm phát vượt mức mục tiêu trong nỗ lực kích thích đà phục hồi kinh tế và đưa thị trường lao động trở lại mức toàn dụng.

Thêm một thước đo lạm phát tại Mỹ tăng vọt, liệu Fed còn giữ chính sách tiền tệ lỏng lẻo? - Ảnh 1.

Thêm một thước đo lạm phát tại Mỹ tăng vọt

Chỉ số chi tiêu tiêu dùng cá nhân PCE mà Fed theo dõi nắm bắt biến động giá của nhiều loại hàng hóa và dịch vụ trong nền kinh tế. Nó được coi là thước đo lạm phát trên diện rộng do có khả năng phản ánh những thay đổi trong hành vi tiêu dùng của cá nhân, rộng lớn hơn chỉ số giá tiêu dùng mà Bộ Lao động theo dõi. Chỉ số giá tiêu dùng CPI đã tăng 4,2% trong tháng 4, một con số gây sốc cho thị trường ở thời điểm được công bố.

Chỉ số PCE lõi không bao gồm giá thực phẩm và năng lượng đã tăng 0,7% trong tháng 4, mạnh hơn mức dự báo 0,6%. Chỉ số PCE cơ bản bao gồm cả giá thực phẩm và năng lượng nhiều biến động tăng 3,6% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng 0,6% so với tháng 3.

Lạm phát gia tăng đi kèm với thu nhập cá nhân giảm mạnh, tức giảm 13,1%. Trước đó, mức thu nhập cá nhân đã tăng 20,9% trong tháng 3 sau đợt hỗ trợ Covid-19 trực tiếp các hộ gia đình nằm trong gói chi tiêu 1,9 nghìn tỷ USD của chính quyền ông Biden. Dù vậy, ngay cả khi thu nhập cá nhân giảm 3,2 nghìn tỷ USD, tỷ lệ tiết kiệm trong toàn nền kinh tế vẫn tăng 14,9%. Chi tiêu tiêu dùng tăng 0,5%, phù hợp với ước tính.

Bất chấp tốc độ gia tăng lạm phát được dự báo nhanh hơn dự kiến, các quan chức Fed vẫn duy trì lập trường chính sách tiền tệ lỏng lẻo để hỗ trợ đà tăng trưởng. Ngân hàng trung ương đang mua ít nhất 120 tỷ USD trái phiếu mỗi tháng và giữ lãi suất vay ngắn hạn ở mức tiệm cận 0 dù rằng nền kinh tế được cho là sẽ khởi sắc mạnh mẽ hơn dự kiến.

Thị trường từ lâu đã quan ngại rằng các gói kích thích khổng lồ và đà phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế có nguy cơ gây ra lạm phát trong năm nay, buộc các ngân hàng Trung Ương phải tăng lãi suất hoặc giảm quy mô chương trình mua trái phiếu sớm hơn dự kiến.

Tuy nhiên cho đến nay, nhiều quan chức Fed như Thống đốc Jerome Powell và hầu như mọi nhà hoạch định chính sách khác đều đồng tình về việc giữ nguyên chính sách tiền tệ nới lỏng. Fed cam kết không tăng lãi suất ngay cả khi lạm phát cao hơn mức 2% của Ngân hàng Trung Ương, cho đến chừng nào nền kinh tế khôi phục toàn diện và thị trường lao động trở về trạng thái toàn dụng.

“Tôi muốn những tín hiệu chắc chắn hơn rằng chúng ta đã thoát khỏi đại dịch một cách hoàn toàn. Vì vậy, tôi sẽ chú ý đến các số liệu như số ca nhiễm mới, số ca tử vong mỗi ngày…. Tôi không nghĩ rằng chúng ta muốn thay đổi chính sách khi vẫn còn đang trong tâm chấn đại dịch. Mặc dù có thể ta đã nhìn thấy ánh sáng cuối đường hầm, nhưng thực tế là ta vẫn chưa đi đến đó” - trích lời Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Fed chi nhánh St. Louis, ông James Bullard.

Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế OECD chỉ ra rằng đà phục hồi nhanh chóng, đặc biệt tại Trung Quốc, đang thúc đẩy giá lương thực và kim loại lên cao, trong khi giá dầu cũng phục hồi mạnh mẽ. Nhưng OECD cũng đồng quan điểm rằng các nhà hoạch định chính sách sẽ vẫn duy trì các kích thích cần thiết với nền kinh tế ngay cả khi lạm phát vượt mức mục tiêu để hỗ trợ đà phục hồi hiện tại.


NTTD
Cùng chuyên mục