FED cảnh báo các "Evergrande" của Trung Quốc gây rủi ro cho nền kinh tế Hoa Kỳ
Ngày 8/11, trong Báo cáo ổn định tài chính bán niên, FED cảnh báo: "Với quy mô nền kinh tế và hệ thống tài chính Trung Quốc cũng như các mối liên kết thương mại sâu rộng của nước này với phần còn lại của thế giới, căng thẳng tài chính ở Trung Quốc có thể gây ra căng thẳng cho thị trường tài chính toàn cầu thông qua sự suy giảm tâm lý rủi ro, gây ra rủi ro cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu và ảnh hưởng đến Hoa Kỳ".
Ở trong nước, FED cũng cảnh báo rằng lãi suất "tăng mạnh" có thể dẫn đến sự điều chỉnh "lớn" đối với các tài sản rủi ro, ngoài việc giảm nhu cầu nhà ở có thể dẫn đến giá nhà thấp hơn. Việc làm và các khoản đầu tư cũng có thể bị ảnh hưởng do chi phí đi vay để kinh doanh tăng lên.
FED lo lắng về Trung Quốc vì "nợ kinh doanh và nợ công vẫn còn lớn; đòn bẩy của lĩnh vực tài chính cao, đặc biệt là tại các ngân hàng quy mô vừa và nhỏ; và định giá bất động sản bị phóng đại".
Báo cáo viết: "Trong môi trường như vậy, việc tập trung quản lý các tổ chức đòn bẩy có khả năng gây căng thẳng cho một số tập đoàn mắc nợ cao, đặc biệt là trong lĩnh vực bất động sản, là minh chứng cho những lo ngại gần đây xung quanh Tập đoàn Evergrande của Trung Quốc".
FED cho biết hệ thống tài chính Trung Quốc có thể phải chịu áp lực nếu có những "tác động lan tỏa đến các công ty tài chính, giá bất động sản bị điều chỉnh đột ngột hoặc sự giảm khẩu vị rủi ro của nhà đầu tư".
Cảnh báo của FED được đưa ra khoảng 2 tháng sau khi chủ tịch Jerome Powell mô tả tình hình Evergrande là "rất đặc biệt" đối với Trung Quốc. Trong một cuộc họp báo, ông Powell cho biết ông không thấy nhiều "tác động trực tiếp tới Hoa Kỳ" nhưng lo ngại rằng tình hình hỗn loạn có thể có ảnh hưởng rộng hơn đến các điều kiện tài chính toàn cầu và niềm tin của nhà đầu tư.
Trong báo cáo, ngân hàng trung ương cảnh báo rằng các nền kinh tế thị trường mới nổi (EME) mắc nợ nhiều cũng có thể gây rủi ro cho sự ổn định tài chính, đặc biệt là trong trường hợp các điều kiện tài chính bị thắt chặt "đột ngột và mạnh mẽ". Những điều kiện tài chính đã được các ngân hàng trung ương và các nhà hoạch định chính sách trên toàn cầu nới lỏng xuống mức lịch sử do hậu quả của cuộc khủng hoảng Covid-19.
"Việc thắt chặt mạnh mẽ các điều kiện tài chính, được kích hoạt bởi sự gia tăng lợi tức trái phiếu ở các nền kinh tế tiên tiến hoặc suy giảm tâm lý rủi ro toàn cầu, có thể đẩy cao mức chi trả nợ cho các EME và doanh nghiệp của họ, kích hoạt dòng vốn chảy ra ngoài và gây căng thẳng cho hệ thống tài chính của EME", trích báo cáo.
EME là Emerging Market Economies chỉ các nền kinh tế thị trường đang nổi lên (mới nổi). Đây là những nền kinh tế đang trong giai đoạn quá độ từ nền kinh tế đang phát triển thành nền kinh tế phát triển. Tuy nhiên, không có tiêu chí rõ ràng và phổ biến nào để xác định một nền kinh tế có phải là nền kinh tế đang nổi lên hay không. IMF thường xếp chung các nền kinh tế đang nổi lên và các nền kinh tế đang phát triển vào cùng một nhóm trong các tài liệu về kinh tế thế giới của mình mà không chia thành hai nhóm riêng.
FED cho biết "căng thẳng lan rộng và dai dẳng" có thể gây ra hậu quả đối với hệ thống tài chính của Hoa Kỳ. Theo báo cáo, các doanh nghiệp có "liên kết chặt chẽ" với các quốc gia dễ bị tổn thương nhất, đặc biệt gặp rủi ro.
Trưởng bộ phận nghiên cứu khu vực châu Mỹ tại Ngân hàng ING, ông Padhraic Garvey nói: "Có một quan điểm về mối tương quan [trong báo cáo]. Nỗi sợ là nếu một thứ biến mất, những thứ còn lại cũng có thể ra đi".
Trong một phần đặc biệt của báo cáo, FED cũng phân tích sự biến động gần đây của "cổ phiếu meme". Báo cáo viết: "tác động của những phát triển này đối với sự ổn định tài chính đã bị hạn chế" khi biến động trong giao dịch (tính bay hơi) giảm xuống, nhưng đáng được "tiếp tục theo dõi".
Lý do để FED lo ngại bao gồm tỷ lệ đòn bẩy tương đối cao của những nhà đầu tư trẻ tuổi và khả năng những tỷ lệ này sẽ khiến họ "dễ bị tổn thương hơn trước sự biến động lớn của giá cổ phiếu". Đặc biệt là khi có quá nhiều người tham gia thị trường đang giao dịch quyền chọn cổ phiếu.
FED cho biết họ cũng lo lắng rằng sự tương tác giữa truyền thông mạng xã hội và các nhà đầu tư bán lẻ "có thể khó dự đoán" và "hệ thống quản lý rủi ro của các tổ chức tài chính liên quan có thể không được hiệu chỉnh cho sự gia tăng biến động".