FTSE Russell công bố thông tin nâng hạng thị trường chứng khoán

09/10/2024 06:58 GMT+7
Trong báo cáo xếp hạng thị trường tháng 10/2024 vừa công bố, Việt Nam được giữ lại trong danh sách theo dõi để có thể được phân loại lại từ thị trường Biên giới (Frontier) lên thị trường mới nổi thứ cấp (Secondary Emerging market).

 FTSE Russell công bố thông tin nâng hạng thị trường chứng khoán

Nguồn: FTSE Russell.

Đáng chú ý, FTSE Russell tiếp tục duy trì các đánh giá về tiêu chí "Chu kỳ thanh toán (DvP)", quá trình đăng ký tài khoản mới, và việc tạo điều kiện cho hoạt động giao dịch giữa các nhà đầu tư nước ngoài ở các cổ phiếu đã cạn room hoặc sắp cạn room nước ngoài.

FTSE nêu thêm, mô hình thanh toán "Không cần ký quỹ trước" (NPF) đang được cân nhắc, tinh chỉnh thông qua trao đổi và làm việc giữa Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Việt Nam cùng với một số nhóm, ngành.

Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 68/2024/TT-BTC vào ngày 18/9/2024, trong đó quyết định sửa đổi một số quy định. Thông tư loại bỏ yêu cầu tký quỹ trước đối với nhà đầu tư quốc tế bằng cách cập nhật các quy định về giao dịch chứng khoán, thanh toán và bù trừ giao dịch, hoạt động của công ty chứng khoán và công bố thông tin.

Nguồn: FTSE Russell.

FTSE Russell cho biết thêm, thông báo liên quan tiếp theo dự kiến sẽ là việc công bố các quy tắc hoạt động chi tiết hơn của Trung tâm Lưu ký và Thanh toán Chứng khoán Việt Nam (VSDCC).

Tổ chức này tiếp tục khuyến khích các cuộc họp giữa các tổ chức Việt Nam và cộng đồng đầu tư quốc tế, nhằm đảm bảo các quy tắc này đáp ứng nhu cầu của các bên liên quan quốc tế và địa phương sẽ sử dụng chúng.

"Việc duy trì tốc độ thay đổi vẫn là điều cần thiết nếu Việt Nam muốn đáp ứng được thời hạn mục tiêu năm 2025 do Thủ tướng Việt Nam đặt ra hồi đầu năm nay", FTSE Russell nhấn mạnh.

Các quy tắc thị trường được sửa đổi cần được xác nhận và truyền đạt rộng rãi trong thời gian tới, bao gồm hoàn thiện các vai trò và trách nhiệm cần thiết trong mô hình thanh toán và một lộ trình với các mốc quan trọng, vạch ra lộ trình cụ thể để triển khai.

FTSE Russell ghi nhận sự hỗ trợ liên tục của Chính phủ Việt Nam đối với các cải cách thị trường và đánh giá cao mối quan hệ hợp tác với UBCKNN, các cơ quan quản lý thị trường khác và Nhóm Ngân hàng Thế giới (WB) - đơn vị đang hỗ trợ chương trình cải cách thị trường rộng lớn hơn.

Do đó, sau khi nhận được khuyến nghị từ Ủy ban Tư vấn Phân loại Quốc gia Chứng khoán FTSE và Ban Tư vấn Chính sách FTSE Russell, Ban Quản trị Chỉ số FTSE Russell đã quyết định giữ Việt Nam trong Danh sách Theo dõi như là một phần của Cập nhật Hàng năm tháng 9/2024.

Kỳ vọng thị trường chứng khoán Việt Nam được nâng hạng vào kỳ đánh giá tháng 3/2025

Giới chuyên gia đánh giá, việc gỡ bỏ 'nút thắt' cho nhà đầu tư ngoại không chỉ giúp giảm chi phí tài chính và tăng tính linh hoạt cho nhà đầu tư mà còn là tiêu chí quan trọng để nâng cấp thị trường Việt Nam lên trạng thái Thị trường Mới nổi theo chuẩn FTSE Russell.

FTSE Russell chia làm 4 phân hạng: Developed, Advanced Emerging, Secondary Emerging và Frontier. Theo đánh giá tháng 3/2024 của FTSE, Việt Nam hiện nằm trong danh sách theo dõi nhằm nâng hạng lên Secondary Emerging từ tháng 9/2018.

Tuy nhiên, dưới ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, cũng như một vài tiêu chí còn bất cập nên mục tiêu chưa hoàn thành. Hiện, Việt Nam vẫn nằm trong danh sách theo dõi với vai trò cận biên và được kỳ vọng phân loại lại lên Secondary Emerging.

Hoạt động đánh giá lại sẽ được FTSE thực hiện tiếp tục vào đầu tháng 10/2024, và 2 kỳ năm 2025: tháng 3 và tháng 9.

Theo chứng khoán ACB (ACBS), nhóm phân tích này kỳ vọng FTSE Russell sẽ bổ sung Việt Nam vào danh sách thị trường mới nổi thứ cấp sớm nhất vào kỳ đánh giá tháng 3/2025.

Cũng theo ACBS, việc nâng hạng lên thị trường mới nổi sẽ là cột mốc đáng kể để thị trường chứng khoán Việt Nam được công nhận là thị trường có khả năng tiếp cận đầu tư đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Dự kiến tỷ trọng cổ phiếu Việt Nam sẽ chiếm khoảng 0.7-0.9% danh mục thị trường mới nổi thứ cấp của FTSE và Việt Nam sẽ thu hút được dòng vốn 500-600 triệu USD từ các quỹ ETF mô phỏng chỉ số, chưa kể dòng vốn từ các quỹ chủ độn

Trước đó, ông Lyndon Chao, Giám đốc điều hành Bộ phận Chứng khoán và giao dịch ASIFMA đánh giá, Việt Nam là điểm đến đầu tư hấp dẫn khi có tăng trưởng FDI cao, lực lượng lao động tăng trưởng với 56% dân số dưới độ tuổi 35, chỉ số chứng khoán VN-Index tăng trưởng mạnh mẽ qua các năm.

Theo ông Lyndon Chao, để thu hút thêm vốn toàn cầu vào Việt Nam, cần bảo đảm nâng hạng thị trường chứng khoán từ phân hạng quốc gia "Thị trường cận biên" lên "Thị trường mới nổi" do chính sách của nhiều công ty quản lý quỹ là không đầu tư vào thị trường cận biên.

Linh Anh
Cùng chuyên mục