Vì sao gần 900 nhân viên y tế tại Hà Nội xin nghỉ việc, chuyển công tác?

Gia Khiêm Thứ ba, ngày 28/06/2022 16:16 PM (GMT+7)
Gần 900 nhân viên y tế tại Hà Nội xin nghỉ việc, chuyển công tác trong 18 tháng qua khiến ngành y tế Thủ đô thiếu hụt nhân lực, ảnh hưởng đến công tác khám chữa bệnh. Trước vấn đề này, Trưởng phòng y tế tại quận ở Hà Nội đã đưa ra một số lý do.
Bình luận 0

Nhiều nhân viên y tế nghỉ việc do bị stress vì áp lực công việc

Mới đây, trong báo cáo của UBND TP Hà Nội tại Kỳ họp thứ ba HĐND thành phố, ngày 20/6 có nêu, gần 900 nhân viên y tế Thủ đô xin nghỉ việc. Theo đó, trong năm 2021, toàn ngành y tế có 532 người xin nghỉ việc, 82 người xin chuyển công tác. Trong 4 tháng đầu năm nay, con số tương tự là 226 và 17.

Vì sao gần 900 nhân viên y tế tại Hà Nội xin nghỉ việc, chuyển công tác? - Ảnh 1.

Hình ảnh nhân viên y tế đưa bệnh nhân nhiễm Covid-19 đi bệnh viện điều trị hồi tháng 2/2022. Ảnh: Gia Khiêm

Giải thích tình trạng trên, đại diện thành phố cho biết từ đầu 2020 đến nay, ngành y tế dồn mọi nguồn lực phòng chống dịch. Dù số lượng nhân viên y tế còn thiếu, song phải kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ, làm thêm ngoài giờ không kể ngày đêm. Tuy nhiên, chế độ đãi ngộ và mức thu nhập còn hạn chế so với các doanh nghiệp, các đơn vị y tế ngoài công lập hoặc cơ sở y tế thuộc các Bộ, ngành nên nhiều nhân viên y tế xin nghỉ hoặc chuyển công tác về nơi có mức thu nhập cao hơn.

Trao đổi riêng với PV Dân Việt, Trưởng phòng y tế một quận trên địa bàn Hà Nội cho biết, trải qua đợt dịch Covid-19 vừa qua tâm lý nhiều nhân viên y tế tuyến cơ sở thực sự bất an, buồn vì trải qua giai đoạn rất áp lực.

Vì sao gần 900 nhân viên y tế tại Hà Nội xin nghỉ việc, chuyển công tác? - Ảnh 2.

Thời gian qua nhân viên y tế rất áp lực đặc biệt trong công tác chống dịch Covid-19. Ảnh: Gia Khiêm

"Phải đến 40-50% nhân viên y tế tuyến cơ sở bị stress, bản thân tôi cũng bị ảnh hưởng tâm lý. Có lúc tôi về nhà đóng cửa một mình một phòng, rơi vào trạng thái như trên mây. Giám đốc một Trung tâm y tế gần 50 tuổi chia sẻ với tôi gần như ngày nào cũng khóc, thế mới biết lực lượng áp lực thế nào. 

Nhân viên y tế làm việc quá sức, bỏ hết việc gia đình, bị Covid-19 vẫn phải làm việc. Thời điểm tháng 3,4 vừa qua có đến 80% nhân viên y tế bị nhiễm Covid-19, trừ người bị nặng không thể làm được. Cán bộ F0 ngồi tại trạm y tế làm việc từ sáng đến đêm, thậm chí trắng đêm", vị này chia sẻ.

Vì sao gần 900 nhân viên y tế tại Hà Nội xin nghỉ việc, chuyển công tác? - Ảnh 3.

Nhân viên y tế Trạm Y tế nhiễm Covid-19 vẫn miệt mài làm việc. Ảnh minh họa: Gia Khiêm

Cũng theo vị này, lực lượng Trung tâm y tế toàn quận có tổng cộng 190 cán bộ. Năm 2020 có 5 người xin nghỉ việc, năm 2021 có 7 người, riêng 6 tháng đầu năm 2022 đã có 5 người xin nghỉ việc. Ngoài ra, đơn vị đã làm công tác tư tưởng, động viên hơn 10 người rút đơn ngừng thôi việc.

"Trực tiếp lãnh đạo UBND quận, lãnh đạo Trung tâm Y tế phải xuống tận nơi động viên, tư vấn để nhân viên trạm y tế phường tiếp tục làm việc, không họ xin ra ngoài hết. Thời điểm chống dịch quận có 2 cán bộ y tế đang làm việc phải cấp cứu. Trong đó, một nhân viên đang tiêm chủng sinh non tháng thứ 7, con nặng 1,4kg. Một nữ nhân viên khác đang lấy mẫu xét nghiệm lên cơn đau dạ dày gây chảy máu ồ ạt phải đi bệnh viện cấp cứu", vị này chia sẻ những khó khăn đối với nhân viên y tế. 

Làm gì không để nhân viên y tế nghỉ việc?

Trao đổi với PV Dân Việt, Trưởng phòng y tế một quận trên địa bàn Hà Nội tiếp lời, mức thu nhập của nhân viên y tế không thể đáp ứng được. Cụ thể, một cán bộ y tế phường hưởng theo mức lương của viên chức y tế. 

"Theo quy định của Nhà nước, mức lương trung bình nhân viên y tế tuyến cơ sở nhận được khoảng từ 6-8 triệu đồng/tháng. Những người được hưởng chế độ phụ cấp thêm trong công tác phòng chống dịch, những người không được hưởng trợ cấp dịch, làm việc tại khoa phòng khác chỉ tầm 5-6 triệu đồng. Như bản thân tôi công tác 25 năm trong ngành hết khung bậc được khoảng 10 triệu tiền lương/tháng. Với mức lương như vậy chưa tương xứng với chức trách, nhiệm vụ của cán bộ y tế. 

Vì sao gần 900 nhân viên y tế tại Hà Nội xin nghỉ việc, chuyển công tác? - Ảnh 4.

Nhân viên y tế bị F0 nhưng không dám nghỉ việc. Ảnh minh họa: Gia Khiêm

Nhân viên y tế như vậy không đủ sống. Trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19, nhân viên y tế làm việc 24/24h, quận phải kêu gọi tổ chức đoàn thể nấu cơm, chuyển đến để nhân viên y tế không mất thời gian nấu cơm mà tận tâm lo cho công việc. 

Những nhân viên nuôi con nhỏ dưới 12 tháng buổi tối phải cho họ về để cho con bú, sáng sớm đến sớm, đa số ở lại tại trận. Việc ở lại có 2 lý do đó là sẽ dành thời gian rất lớn, ngày làm tới 17 tiếng, thứ 2 về nhà nhỡ lây nhiễm cho người nhà. Đa số cán bộ trạm y tế phường ở lại trạm làm việc luôn", người này nói.

Trước lo ngại thiếu nhân viên tuyến cơ sở, Trưởng phòng y tế của quận cho rằng, hiện nay vai trò của tuyến y tế cơ sở là nền tảng trong y học y tế dự phòng, nếu lực lượng y tế cơ sở mạnh và vững phòng bệnh mới tốt. Nếu lực lượng này thiếu hụt, công tác y tế dự phòng không đảm bảo.

"Với trạm y tế phường tại Hà Nội được quy định theo khung 7-10 cán bộ/trạm y tế không phù hợp. Theo tôi phải tính theo dân số, cụ thể 2.000/1 cán bộ y tế. Ví dụ 1 phường có 20.000 dân phải có khoảng 10 cán bộ y tế. Cơ cấu các trạm y tế phải đủ tiêu chí, ví dụ mỗi trạm y tế có 10 cán bộ y tế trở lên phải có 2 bác sĩ, trong đó có 1 trưởng trạm và 1 bác sĩ làm chuyên môn khác như thế mới phục vụ được người dân. 

Thứ 2, chế độ chính sách tối thiểu cán bộ y tế làm việc tuyến cơ sở lương phải từ 10-12 triệu đồng/tháng trở lên họ mới đủ sống được, từ 6-8 triệu họ không đủ sống trong khi còn gia đình, con cái. Bởi làm y tế dự phòng không thể đi làm ngoài được, không giống như các bác sĩ bệnh viện. 

Làm y tế cơ sở phải toàn diện chăm lo sức khoẻ cho nhân dân ở cơ sở. Thứ 3 phải có chính sách thu hút cán bộ y tế về làm việc ở tuyến cơ sở, tâm lý chung chỉ muốn làm ở bệnh viện, không muốn làm ở trạm y tế tuyến cơ sở, đặc biệt nhan viên y tế mới ra trường", vị này đề xuất.

Hiện, Sở Y tế Hà Nội đã có văn bản trình UBND TP về việc đề nghị xây dựng, ban hành quy định, chế độ hỗ trợ cho các y, bác sĩ và nhân viên y tế. Theo đánh giá của Sở Y tế, đây là giải pháp cơ bản, lâu dài nhằm giữ chân nhân viên y tế; tri ân, khích lệ, động viên đội ngũ này, từ đó nâng cao năng lực của cơ sở khám chữa bệnh. Tờ trình sẽ được trình HĐND TP Hà Nội tại phiên họp thường kỳ HĐND vào đầu tháng 7.

Tình trạng nhân viên y tế rời bệnh việ công cũng diễn ra đột biến tại TP.HCM, theo đó, chỉ trong quý I năm nay, 400 người nghỉ việc - bằng tổng số người nghỉ việc trung bình mỗi năm - trước khi đại dịch xuất hiện. Riêng năm 2021, ngành y tế thành phố ghi nhận khủng hoảng lực lượng lao động với số người nghỉ việc là 1.154. Để giải quyết tình trạng trên, ngày 7/4, TP.HCM thông qua nghị quyết về các chính sách đặc thù để nâng cao năng lực y tế cơ sở, trong đó chi hơn 138 tỷ đồng mỗi năm cho 310 trạm y tế (từ nay đến năm 2025) để thu hút nhân sự.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem