Gần 95% ca F0 đang điều trị tại nhà, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội nói bắt buộc phải làm điều này

Gia Khiêm Thứ ba, ngày 15/02/2022 14:24 PM (GMT+7)
Theo CDC Hà Nội, hiện thành phố có gần 96.000 trường hợp F0 đang điều trị, trong đó có hơn 91.000 người điều trị tại nhà.
Bình luận 0

Hà Nội có gần 96.000 F0 đang điều trị

Ngày 15/2, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội cho biết, trong ngày 14/2, thành phố ghi nhận 3.507 ca mắc Covid-19 mới tại 477 xã, phường thuộc 30 quận, huyện. 

Hiện Hà Nội có gần 96.000 trường hợp F0 đang điều trị. Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương: 163; Bệnh viện Đại học Y: 175;  Bệnh viện của Hà Nội: 3.273; Cơ sở thu dung thành phố: 100; Cơ sở thu dung quận, huyện: 661. Theo dõi, điều trị tại nhà có 91.544 trường hợp. 

Gần 96.000 F0 Hà Nội đang điều trị, quản lý ra sao? - Ảnh 1.

Biệt đội "ATM Oxy" hỗ trợ F0 điều trị tại nhà tại phường Lĩnh Nam, quận Hoàng Mai, Hà Nội. Ảnh: Gia Khiêm

Tại Hội nghị Thường trực Thành ủy Hà Nội ngày 14/2, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng lưu ý các cấp, các ngành phải tập trung rà soát các điều kiện tổ chức học trực tiếp cho học sinh, sinh viên bảo đảm an toàn phòng, chống dịch Covid-19, đồng thời tăng cường quản lý chặt các lễ hội, không để dịch bệnh lây lan có thể dẫn tới mất kiểm soát.

Về nhiệm vụ thời gian tới, ông Dũng yêu cầu, Ban Cán sự đảng UBND TP chỉ đạo các quận, huyện, thị xã, phường, xã, thị trấn phối hợp với Đảng ủy Khối các trường đại học, cao đẳng Hà Nội, các trường đại học, cao đẳng, học viện và gia đình, các chủ nhà trọ trên địa bàn quản lý chặt chẽ sinh viên ở trọ phân tán.

Rà soát, lập danh sách những người chưa tiêm vaccine phòng Covid-19. Các trường phải có kế hoạch tổ chức ngay việc kiểm tra, kiểm soát, tuyên truyền và đặc biệt là hỗ trợ sinh viên khi không may mắc bệnh, vì hầu hết các em đều ở xa gia đình. Ban Cán sự đảng UBND TP giao nhiệm vụ và tổ chức kiểm tra, giám sát các địa phương triển khai cho các cấp học trở lại trường học trực tiếp, nhất là học sinh chưa tiêm vaccine...

Hà Nội phân tầng quản lý F0 ra sao?

Trao đổi với PV Dân Việt, bà Trần Thị Nhị Hà, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, với việc ghi nhận 3.000 ca mắc Covid-19 trong một ngày, Hà Nội thấy rằng cơ bản phải phân tải được bệnh nhân điều trị tại nhà. Đây là vấn đề hết sức quan trọng bởi phân luồng và phân tuyến đúng sẽ giúp giảm tải hệ thống y tế.

Đồng thời, Hà Nội đã thực hiện tiêm chủng đạt tỉ lệ rất cao và hiện đang tiếp tục thực hiện tiêm phủ mũi 3 cho toàn bộ người dân và tiêm mũi nhắc lại cho người suy giảm miễn dịch.

Gần 96.000 F0 Hà Nội đang điều trị, quản lý ra sao? - Ảnh 2.

Phòng hồi sức 3, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh, Hà Nội đang điều trị cho F0 nặng, nguy kịch. Ảnh: Gia Khiêm

"Hà Nội đã thực hiện nghiêm túc việc tiêm chủng cũng như việc người dân tiêm đủ 2 mũi thì 90% người bệnh sẽ nhẹ, không có triệu chứng và những người bệnh này chỉ là những người nhiễm thôi. Ngành y tế bắt buộc phải phân tầng, điều trị tại nhà ngay chứ không đi đến hết bệnh viện. Cụ thể, hệ thống y tế sẽ thực hiện điều trị cho bệnh nhân tại bệnh viện tầm khoảng 8-10%, còn 90% bệnh nhân điều trị tại nhà.

Thủ đô hiện đã kích hoạt 8.000 giường bệnh dành cho những người có dấu hiệu từ trung bình trở lên và đưa vào tất cả các tuyến điều trị. Các bệnh viện tuyến huyện, bệnh viện chuyên gia, đa khoa đều tham gia điều trị Covid-19. Cơ bản phải thực hiện thật tốt việc phân tầng bệnh nhân ngay từ y tế cơ sở. Sau khi phân tầng phải phân luồng các bệnh viện và bệnh nhân được điều trị ngay tại địa bàn", bà Hà thông tin.

Gần 96.000 F0 Hà Nội đang điều trị, quản lý ra sao? - Ảnh 3.

Bác sĩ đang điều trị cho bệnh nhân F0 nguy kịch tại Bệnh viện điều trị người bệnh Covid-19 Đại học Y Hà Nội. Ảnh: Gia Khiêm

Theo bà Hà, trong trường hợp F0 nặng và nguy kịch mới chuyển lên tuyến trên như các bệnh viện hạng 1 của thành phố. Ngoài ra, Hà Nội cũng có thêm một số bệnh viện trung ương, bộ ngành. Thành phố đã có văn bản gửi tới tất cả bệnh viện này cùng tham gia điều trị Covid-19 trên địa bàn. Đặc biệt, Hà Nội cũng có Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đều là bệnh viện tầng 3.

Ngoài ra, theo người đứng đầu ngành y tế Thủ đô, Hà Nội đã sử dụng phần mềm công nghệ thông tin để theo dõi những trường hợp người bệnh tại nhà. Mở tổng đài 1022 "lá chắn trên mây", bệnh nhân sẽ có hệ thống thầy thuốc đồng hành, ngoài ra người dân chủ động gọi vào số tổng đài có nhánh đường dây nóng Sở y tế (nhánh 3.1) và mạng lưới thầy thuốc đồng hành (nhánh 3.2).

Gần 96.000 F0 Hà Nội đang điều trị, quản lý ra sao? - Ảnh 4.

Nhân viên y tế Hà Nội cấp thuốc cho F0 điều trị tại nhà. Ảnh: Gia Khiêm

Mỗi ngày có hàng nghìn cuộc gọi thành công để hỗ trợ cho người nhiễm không có triệu chứng và triệu chứng nhẹ được điều trị tại nhà. Đồng thời có các tổ hỗ trợ người nhiễm SARS-CoV-2 tại nhà. Những tổ này có nhiệm vụ cấp phát thuốc, làm xét nghiệm, theo dõi, thăm khám sức khoẻ cho người bệnh, cập nhật thông tin sức khoẻ lên phần mềm. Ngoài ra, tổ hỗ trợ có nhân viên y tế nhưng lực lượng nòng cốt sẽ là Đoàn thanh niên.

"Với Hà Nội khi đã điều trị tại nhà sẽ sàng lọc kỹ những người cần chăm sóc y tế. Ví dụ người chưa tiêm chủng nhưng bị nhiễm hoặc người già, người bệnh triệu chứng nhẹ sẽ ưu tiên chăm sóc. Những trường hợp như vậy luôn được theo dõi kỹ để nếu có dấu hiệu sẽ được phát hiện sớm để chuyển tầng.

Cùng với đó, Hà Nội cố gắng đưa mạng lưới y tế cơ sở cùng với hệ thống bác sĩ đồng hành ứng dụng công nghệ thông tin, theo dõi sức khoẻ người bệnh tại nhà", bà Hà nhấn mạnh.

Ngoài ra, người nhiễm tại nhà hoàn toàn có thể chủ động gọi đến tổng đài 1022 để được hỗ trợ. Tổng đài sẽ thông qua hệ thống phần mềm chủ động có số điện thoại gọi cho người nhiễm để có thông tin hai chiều.

"Tôi cho rằng việc điều trị cho người nhiễm SARS-CoV-2 ngay tại nhà rất cần có thông tin liên hệ sớm để sớm phát hiện bệnh nhân có triệu chứng chuyển nặng. Bên cạnh đó rất cần sự hỗ trợ của chính quyền cơ sở để theo dõi, quản lý tại nhà, tránh việc đi lại, giao lưu làm lây lan dịch bệnh ra cộng đồng", bà Hà thông tin thêm.

Trước đó, tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc của Chính phủ với các địa phương sáng 5/1, ông Chu Ngọc Anh, Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết, thành phố đã quyết liệt thực hiện mục tiêu kép, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19, chuyển sang trạng thái thích ứng an toàn, linh hoạt, bảo đảm an sinh xã hội, phục hồi sản xuất kinh doanh.

Theo ông Chu Ngọc Anh, tinh thần chung, Hà Nội triển khai quyết liệt, đồng bộ 3 tầng điều trị với sự chủ động sớm, từ xa ngay từ cơ sở. Để có phương án đáp ứng trên 100.000 ca nhiễm, Hà Nội huy động bệnh viện Trung ương, lực lượng bác sĩ về hưu, lực lượng tình nguyện để triển khai đồng bộ từ cơ sở. Đồng thời triển khai các tổ giám sát Covid-19 cộng đồng, hệ thống y tế dự phòng, y tế cơ sở. Đến nay, Hà Nội đã có hơn 3.200 tổ hỗ trợ theo dõi đáp ứng thông tin cho các F0, F1 điều trị tại nhà.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem