Quỹ Bình ổn giá xăng dầu tồn dư "khủng" hơn 7.000 tỷ đồng
Theo Bộ Tài chính, tổng số trích Quỹ Bình ổn giá (BOG) trong Quý III năm 2023 (từ ngày 01/7/2023 đến hết ngày 30/9/2023): 13,92 tỷ đồng. Tổng số sử dụng Quỹ BOG trong Quý III năm 2023 (từ ngày 01/7/2023 đến hết ngày 30/9/2023): 387,94 tỷ đồng.
Số lãi phát sinh trên số dư Quỹ BOG dương trong Quý III năm 2023 (từ ngày 01/7/2023 đến hết ngày 30/9/2023): 3,558 tỷ đồng. Số lãi vay phát sinh trên số dư Quỹ BOG âm trong Quý III năm 2023: 0,311 tỷ đồng. Số kết dư số dư Quỹ BOG đến hết ngày 30/9/2023: 7.058,55 tỷ đồng.
Từ tháng 10 đến nay, trong 6 lần điều chỉnh định kỳ giá bán lẻ xăng dầu, Quỹ Bình ổn giá xăng dầu không trích lập lần nào. Chỉ duy nhất một lần chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá cho mặt hàng dầu vào ngày 2/10, với 285 đồng/ lít đối với dầu diesel, 109 đồng/lít đối với dầu hoả.
Chiều ngày 23/11, liên Bộ Công Thương - Tài chính có quyết định điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu, theo đó các mặt hàng xăng dầu đồng loạt hạ giá gần 600 đồng/ lít. Cụ thể, giá xăng dầu đồng loạt giảm mạnh xăng E5 RON92 giảm 584 đồng, từ ức 22.274 đồng, giá bán lẻ sau 15 giờ ngày hôm nay là 21.690 đồng; giá xăng RON 95 giảm 510 đồng/ lít, giá bán lẻ là hơn 23.020 đồng; giá dầu diesel giảm 600 đồng/ lít, giá chỉ còn hơn 20.280 đồng/ lít, dầu hỏa giảm 570 đồng, giá bán lẻ chỉ còn 20.940 đồng/ lít. Liên Bộ Công Thương - Tài chính quyết định không chi, trích Quỹ bình ổn giá xăng dầu dịp này.
Liên quan đến những dư luận xao xao về quản lý, sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu thời gian qua, khi một doanh nghiệp xăng dầu sử dụng sai Quỹ này, bị ngân hàng cấn trừ vào nợ, mới đây, Bộ Công Thương đã có Tờ trình về việc ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 95/2021/NĐ-CP ngày 1/11/2021 và Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 3/9/2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu.
Theo đó, cơ quan quản lý yêu cầu bổ sung các điều kiện để quản lý tốt hơn Quỹ bình ổn giá xăng dầu, trong đó doanh nghiệp đầu mối chọn ngân hàng để mở tài khoản theo dõi, quản lý quỹ. Ngân hàng phong tỏa tài khoản Quỹ bình ổn giá xăng dầu của doanh nghiệp và tài khoản này chỉ sử dụng vào mục đích trích lập và chi sử dụng Quỹ bình ổn theo thông báo điều hành giá xăng dầu của Bộ Công Thương. Đồng thời, các doanh nghiệp phải gửi báo cáo kiểm toán độc lập về Quỹ bình ổn giá xăng dầu cho Bộ Tài chính, Công Thương định kỳ 6 tháng một lần.
Các số liệu như số dư quỹ, tổng sản lượng, chủng loại xăng dầu được trích lập, chi sử dụng quỹ, tổng số tiền trích lập và chi quỹ… cơ quan điều hành yêu cầu doanh nghiệp gửi trước ngày 15 hàng tháng.
Về quản lý Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, bên hành lang Quốc hội hôm nay 2/11, Đại biểu Đại biểu Phạm Văn Hòa, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp cho rằng, việc giao quỹ cho doanh nghiệp nên mới dẫn đến hệ lụy doanh nghiệp đầu mối xăng dầu không tuân thủ quy định về Quỹ bình ổn xăng dầu như: không phát sinh hoạt động trích lập, sử dụng quỹ, không kết chuyển số dư quỹ vào tài khoản ngân hàng.
Thậm chí có doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ đã "mượn tạm" Quỹ bình ổn xăng dầu để bù đắp; có doanh nghiệp chiếm dụng quỹ để thế chấp ngân hàng.
"Ở nghị trường Quốc hội, khi đóng góp cho dự thảo Luật Giá, tôi đã phát biểu không chấp nhận Quỹ Bình ổn giá xăng dầu đặt tại doanh nghiệp. Nhưng sau cùng, Luật Giá ban hành vẫn có quy định đặt quỹ tại doanh nghiệp. Giờ đây lo ngại của tôi đã trở thành sự thật. Mấy ngày hôm nay, truyền thông đã đưa tin việc doanh nghiệp thiếu nợ thuế, lấy Quỹ Bình ổn giá xăng dầu đi kinh doanh, không có khả năng hoàn trả, rồi thiếu nợ ngân hàng bị ngân hàng cấn nợ", ông Hòa nói.
Theo ông này, khi giao Quỹ bình ổn giá xăng dầu cho doanh nghiệp cũng có những điều kiện rõ ràng, cụ thể, nhưng trường hợp doanh nghiệp gặp khó khăn về dòng vốn mà lại có tiền kế bên thì việc "mượn tạm" là điều rất dễ xảy ra. Đây cũng là phần lỗi của cơ quan quản lý nhà nước khi "tạo điều kiện" cho doanh nghiệp vi phạm.
"Trước đó, ĐBQH đã lên tiếng không đồng ý giao cho doanh nghiệp quản lý quỹ nhưng các Bộ vẫn bảo vệ quan điểm để quỹ này tại doanh nghiệp. Trong khi đó, đây là tiền của người dân góp vào quỹ. Giao cho doanh nghiệp quản lý nhưng họ có biết doanh nghiệp đó làm ăn ra sao? Việc nhiều doanh nghiệp đầu mối xăng dầu không đủ năng lực làm đầu mối, nhưng lại cho phép đặt quỹ tại doanh nghiệp là điều rất khó hiểu", đại biểu Hòa băn khoăn.
Đại biểu tỉnh Đồng Tháp cho biết, sẽ đề nghị các cơ quan bảo vệ pháp luật, đặc biệt là cơ quan công an phải vào cuộc để xem xét từng khía cạnh.
"Họp Quốc hội kỳ này, tôi sẽ đặt vấn đề quản lý Quỹ Bình ổn giá xăng dầu với Bộ Công Thương và Bộ Tài chính, hai bộ sẽ xử lý và giải quyết như thế nào?", đại biểu chia sẻ.
Cũng liên quan đến vấn đề quản lý Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, bên hành lang Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, Quỹ bình ổn giá xăng dầu vẫn để tại doanh nghiệp nhưng có thực hiện theo quyết định của cơ quan nhà nước và ngân hàng sẽ cùng giám sát, không được sử dụng sai mục đích.
Ông Phớc cho biết, những nội dung liên quan tới quản lý Quỹ bình ổn giá xăng dầu đang được các cơ quan rà soát, sửa đổi trong Nghị định 95 về kinh doanh xăng dầu. Lãnh đạo Bộ Tài chính cho rằng: Doanh nghiệp quản lý Quỹ bình ổn giá xăng dầu sẽ được mở một tài khoản, ngân hàng thực hiện phong tỏa tài khoản Quỹ bình ổn giá của doanh nghiệp.
Tài khoản này chỉ được sử dụng vào mục đích trích lập và chi sử dụng Quỹ bình ổn giá doanh nghiệp theo thông báo điều hành giá xăng dầu của cơ quan nhà nước.
"Khi có quyết định, các doanh nghiệp phải nộp tiền vào tài khoản và ngân hàng phải giữ tài khoản này. Khi có quyết định trích Quỹ bình ổn thì Bộ Công Thương sẽ ra quyết định. Quỹ vẫn để tại doanh nghiệp nhưng có thực hiện theo quyết định của cơ quan nhà nước và ngân hàng sẽ cùng giám sát, không được sử dụng sai mục đích", Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết.