Gang thép Thái Nguyên: Bao giờ mới "dứt tình" được với Tập đoàn luyện kim Trung Quốc MCC?

Quang Dân Chủ nhật, ngày 07/02/2021 06:23 AM (GMT+7)
Năm 2020 kết quả kinh doanh của TISCO tiếp tục ì ạch, sụt giảm cả về doanh thu lẫn lợi nhuận. Đến cuối năm 2020, TISCO vẫn đang "treo" khoản phải trả MCC hơn 122 tỷ đồng trên Báo cáo tài chính.
Bình luận 0

Viện KSND Tối cao vừa ban hành cáo trạng, truy tố 19 bị can trong vụ án "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí", "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng", xảy ra tại Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2, Công ty CP Gang thép Thái Nguyên (TISCO) và một số đơn vị có liên quan.

Trong đó, 14 bị can bị truy tố về tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí"gồm: Mai Văn Tinh - cựu Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Thép Việt Nam (VNS); Đậu Văn Hùng - cựu Tổng giám đốc VNS; Trần Trọng Mừng - cựu Tổng giám đốc TISCO; Trần Văn Khâm - cựu Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc TISCO; Ngô Sỹ Hán - cựu Phó Tổng giám đốc, Trưởng ban Quản lý dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 - TISCO…

5 bị can bị truy tố tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng", quy định tại khoản 3, Điều 360 Bộ luật Hình sự 2015 gồm: Lê Phú Hưng - nguyên thành viên HĐQT Tổng Công ty gang thép Việt Nam, và các bị can nguyên thành viên HĐQT Tổng Công ty Thép Việt Nam: Nguyễn Minh Xuân, Nguyễn Chí Dũng, Hoàng Ngọc Diệp, Đoàn Thu Trang.

Cáo trạng thể hiện, khi thực hiện dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 của TISCO, các bị can đã để xảy ra nhiều sai phạm, khiến dự án chậm tiến độ hơn 10 năm, gây thiệt hại số tiền hơn 830 tỷ đồng. Các vi phạm này chính là nguyên nhân dẫn đến dự án chậm tiến độ, làm phát sinh tăng lãi vay, tăng chi phí đầu tư, gây thất thoát, lãng phí đặc biệt nghiêm trọng.

Gang thép Thái Nguyên: Kinh doanh 'ì ạch", thanh toán cho nhà Thầu Trung Quốc 107 triệu USD vẫn còn nợ hơn 120 tỷ đồng - Ảnh 1.

Một góc dự án Nhà máy gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2.

Kinh doanh ì ạch, sụt giảm cả về doanh thu lẫn lợi nhuận

Thực tế cho thấy, việc "sa lầy" với dự án Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 khiến kết quả kinh doanh của TISCO ì ạch, sụt giảm cả về doanh thu lẫn lợi nhuận trong năm 2020, trong bối cảnh ngành thép có một năm thăng hoa khi các "ông lớn" như Tập đoàn Hòa Phát, Thép Nam Kim, Hoa Sen... đều báo khoản lãi tăng đột biến.

Báo cáo tài chính của TISCO cho biết, năm 2020, nhà máy gang thép Thái Nguyên báo lãi sau thuế giảm 54%, chỉ còn 18,8 tỷ đồng. Kết quả kém tích cực này là do doanh thu thuần sụt giảm chỉ còn hơn 9.565 tỷ đồng trong khi năm 2019 đạt 10.433 tỷ đồng và chi phí lãi vay tiếp tục đè nặng lên sức khỏe tài chính.

Gang thép Thái Nguyên: Kinh doanh 'ì ạch", thanh toán cho nhà Thầu Trung Quốc 107 triệu USD vẫn còn nợ hơn 120 tỷ đồng - Ảnh 2.

Nguồn: Báo cáo tài chính quý IV/2020 của TISCO

Tại ngày 31/12/2020, tổng tài sản của Tisco đạt hơn 9.357 tỷ đồng, giảm nhẹ so với cuối năm 2019.  Chiếm phần lớn vẫn là nhóm tài sản dài hạn, đặc biệt là tài sản dở dang: 5.697 tỷ đồng (dự án cải tạo, mở rộng sản xuất giai đoạn II). Đây là dự án có vốn đầu tư 8.100 tỷ đồng, được xây dựng từ năm 2007 tuy nhiên đến nay vẫn "đắp chiếu" và khiến không ít cán bộ công ty, đơn vị liên quan vướng vào vòng lao lý.

Bên cạnh đó, tình hình vay nợ vẫn chưa có chuyển biến tích cực, tổng dư nợ vay vẫn chiếm hơn 4.567 tỷ đồng trong tổng số nợ phải trả là 7.460 tỷ đồng. Trong khi đó vốn chủ sở hữu chỉ hơn 1.897 tỷ đồng.

Còn nợ nhà thầu Trung Quốc 122 tỷ đồng

Đáng chú ý, tính đến ngày 31/12/2020, TISCO phải trả người bán liên quan đến Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 hơn 280 tỷ đồng. Trong đó, phải trả cho tập đoàn luyện kim Trung Quốc MCC 122 tỷ đồng.

Theo kết luận điều tra, trong quá trình thực hiện dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2, TISCO đã ký hợp đồng trọn gói EPC với nhà thầu Trung Quốc là Tập đoàn Khoa học công nghệ và thương mại luyện kim Trung Quốc (MCC). Dù dự án đang dở dang, MMC đã ngừng thi công, khiến dự án chậm tiến độ hơn 10 năm, song TISCO đã thanh toán cho nhà thầu hơn 107 triệu USD, tương đương 2.064 tỉ đồng.

Gang thép Thái Nguyên: Kinh doanh 'ì ạch", thanh toán cho nhà Thầu Trung Quốc 107 triệu USD vẫn còn nợ hơn 120 tỷ đồng - Ảnh 4.

Nguồn: Báo cáo tài chính quý IV/2020 của TISCO

MMC đã nhập khẩu, cung cấp khoảng 3.500 tấn thiết bị, máy móc đến công trường nhưng được xác định nhiều loạt thiết bị máy móc không đúng quy cách chủng loại, sai khác về xuất xứ, tên nhà cung cấp, xuất xứ, thông số kỹ thuật… Việc dự án chậm tiến độ kéo dài đã gây thất thoát cho dự án này số tiền hơn 830 tỷ đồng, là tiền lãi vay ngân hàng.

Không định giá nổi thiết bị do nhà thầu Trung Quốc cung cấp

Liên quan đến vụ án sai phạm xảy ra tại dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 của Công ty CP gang thép Thái Nguyên (TISCO), kết luận của Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an cho biết, từ tháng 6/2019 đơn vị này đã có văn bản yêu cầu Hội đồng định giá tài sản của UBND tỉnh Thái Nguyên định giá tài sản là 42 xe ô tô các loại và 5 đầu máy diesel các loại.

UBND tỉnh Thái Nguyên đã thành lập Hội đồng định giá trong tố tụng hình sự. Tuy nhiên, sau 6 tháng tiến hành định giá, Hội đồng định giá tài sản tỉnh Thái Nguyên đã ra văn bản từ chối định giá, do không đủ cơ sở, căn cứ, thông tin và điều kiện để tiến hành định giá.

Tháng 12/2019, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an tiếp tục có văn bản đề nghị Bộ GTVT thành lập Hội đồng định giá tài sản nêu trên. 4 tháng sau đó, Bộ GTVT đã thành lập Hội đồng định giá tài sản theo vụ việc. Tuy nhiên, đến cuối tháng 6/2020, Bộ GTVT có văn bản cho biết, không đủ thông tin và cơ sở để tiến hành định giá, đồng thời cho biết yêu cầu của Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an là "vượt quá phạm vi hiểu biết chuyên môn của thành viên Hội đồng định giá Bộ GTVT".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem